Phòng chống đuối nước cho học sinh: Cái khó bó cái khôn

GD&TĐ - Hàng năm các nhà trường đều tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước. Song do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức thực hành nên giải pháp vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Học sinh cần được trang bị và thực hành các kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ảnh: INT
Học sinh cần được trang bị và thực hành các kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ảnh: INT

Chống đuối nước trên lý thuyết

Thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Hàng năm trường tổ chức 2 chuyên đề phòng chống đuối nước, ngoài ra còn lồng ghép dạy một số kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố về sông, hồ, suối… trong các môn học. Giáo viên chủ yếu hướng dẫn học sinh các động tác, kỹ năng đơn giản trong bơi lội; Kỹ năng nhận biết vị trí, thời điểm nào của suối (tại địa phương) thì nguy hiểm; Khi bất ngờ gặp lũ, nước suối dâng lên hoặc chảy xiết thì học sinh phải làm gì, tránh ra sao?...

Thầy Sơn khẳng định: Nhiều năm gần đây trường không có học sinh bị đuối nước. Một mặt do công tác phòng, chống trong học sinh luôn được quản lý sát sao, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn trường trong giờ nghỉ để tắm sông, suối. Mặt khác trước khi học sinh về nghỉ hè, trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để kèm cặp, nhắc nhở trong việc tắm sông, suối.

Đặc biệt, thời gian học sinh nghỉ hè giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gọi điện nhắc nhở học trò, gia đình về chống đuối nước. Phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền phòng, chống đuối nước trong quá trình học sinh tham gia sinh hoạt hè tại địa phương...

Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình, Ninh Bình) chọn hình thức mời chuyên gia (ít nhất 2 chương trình/năm) trao đổi về đuối nước, tầm quan trọng của biết bơi cho học sinh toàn trường; Hướng dẫn các kỹ năng bơi lội, cách cứu hộ khi gặp đuối nước…

Theo cô Trịnh Vân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, trường tổ chức các giải bơi lội cấp trường để nâng cao ý thức của gia đình về vấn đề an toàn dưới nước; học sinh có cơ hội học, thực hành và nâng cao kỹ thuật bơi. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, dù học sinh học trực tuyến nhưng trường vẫn yêu cầu giáo viên thực hiện các video về kỹ thuật bơi cơ bản, gửi giáo viên thể dục kiểm tra, uốn nắn và chấm trao giải. Dù chỉ là thực hiện động tác, kỹ năng bơi trên “cạn” nhưng học sinh được ôn lại, khi có điều kiện thực hành sẽ nhanh chóng nắm bắt, nâng cao và áp dụng vào thực tế.

Cũng như nhiều trường học khác, trước khi học sinh nghỉ hè, Ban giám hiệu, giáo viên ngoài tuyên truyền để cha mẹ hiểu tầm quan trọng của phòng, chống đuối nước còn kết hợp chặt với gia đình trong công tác quản lý học sinh thời gian nghỉ hè. Đề nghị phụ huynh cho con tham gia lớp học bơi; Cung cấp thông tin các khóa dạy bơi (giá cả, địa điểm, thời gian)… để phụ huynh lựa chọn, thu xếp thời gian cho con học.

Dù có nhiều hoạt động song cô Khánh thừa nhận: Dù trường ở thành phố nhưng chỉ có thể đẩy mạnh tuyên truyền, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước trên lý thuyết là chính; Việc thuê bể bơi lắp ghép lưu động, duy trì trong 3 tháng hè chưa thể triển khai vì khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí.

Tại Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương), chống đuối nước cũng chưa có giải pháp “đột biến” so với các trường học hiện nay ở nông thôn. Vẫn là hình thức quen thuộc như tổ chức các buổi tuyên truyền về đuối nước, đặc biệt dịp cuối năm học, học sinh chuẩn bị nghỉ hè. Giáo viên đặt câu hỏi giao lưu với học trò để ghi nhận sự hiểu biết, ý thức của học trò về vấn đề; Dạy kỹ năng chống đuối nước lồng ghép trong một số môn học. Trường kết hợp với Đoàn xã tuyên truyền trong quá trình học sinh sinh hoạt hè, giáo viên nhắc nhở qua nhóm Zalo tới phụ huynh…

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến thẳng thắn bày tỏ: Dẫu làm tốt công tác phòng, chống đến mấy thì cơ bản vẫn chỉ là trên lý thuyết và chắc chắn không thể hiệu quả bằng học sinh được học và thực hành kỹ năng bơi lội dưới nước. Vì vậy, nhà trường đang cố gắng tìm kiếm giải pháp để học sinh được thực hành nhiều hơn...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đến hè… lại lo

Tại Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai), nhân lực để triển khai dạy bơi cho học sinh khá thuận lợi bởi giáo viên thể dục có chuyên môn chính bơi lội. Song nhiều năm nay “mong ước” phổ cập bơi và thực hành kỹ năng phòng chống đuối nước vẫn chỉ diễn ra trên lý thuyết do điều kiện cơ sở vật chất là “bài toán” chưa tìm ra lời giải.

Tại Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào, năm ngoái, khu nghỉ dưỡng cách trường 5km đồng ý cho mượn bể bơi để dạy cho học sinh khi nghỉ hè. Tuy nhiên, do khoảng cách di chuyển xa, khung giờ được mượn chưa phù hợp nên cũng chỉ số lượng nhỏ học sinh tham gia. Năm nay không mượn được bể bơi, quanh vùng cũng không có nên việc dạy bơi cho học sinh vào mùa hè vẫn bỏ ngỏ kế hoạch.

Trao đổi về vấn đề thuê bể bơi lưu động lắp đặt tại trường, thầy Liễu Tiến Sơn cho biết: Trường có đủ diện tích mặt bằng để triển khai mô hình này. Nhưng cũng như nhiều trường học khác “khó vẫn bó khôn”, không có nguồn kinh phí, việc huy động phụ huynh đóng góp càng không thể; kêu gọi xã hội hóa cho một hoạt động quan trọng với học sinh nhưng không phải ai nhìn vào cũng thấy cần thiết.

Đặc biệt, các trường học ở vùng cao Sa Pa, nhiệt độ thấp, mùa hè nếu có lắp đặt được bể bơi lưu động vẫn cần nước ấm để giữ nhiệt cho người bơi. Đây là cản trở để việc phổ cập bơi, dạy kỹ năng chống đuối nước cho học sinh tại bể bơi thêm khó khăn. Phòng, chống đuối nước cho học sinh vùng cao vì thế vẫn chỉ là những nỗ lực trên lý thuyết.

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến cũng khẳng định khó khăn của đa số các trường học, đặc biệt với các trường vùng nông thôn vẫn là thiếu cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức hoạt động thực tế.

“Không phải địa phương, trường học nào cũng sẵn bể bơi nhưng việc huy động xã hội hóa cho hoạt động giáo dục phòng, chống đuối nước không dễ dàng khi các tổ chức xã hội và cả phụ huynh đều chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng phòng, chống đuối nước…”, cô Thúy bày tỏ.

Theo TS giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công), phòng, chống đuối nước trong các trường học cần được đẩy mạnh, bên cạnh tuyên truyền, dạy kỹ năng trên lý thuyết cần đẩy mạnh thực hành. Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn (theo đặc điểm vùng miền) cũng phải được trang bị. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn cho cán bộ, giáo viên cũng cần đẩy mạnh để nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên tuyền, giáo dục học sinh từ nhà trường... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.