Gặp lại Mường Phăng

Gặp lại Mường Phăng

(GD&TĐ) - Khu di tích Mường Phăng thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Di tích nằm trong một khu rừng nguyên sinh, bên cạnh khu di tích Hồ Pa Khoang. Nơi đây chính là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa.

Gặp lại Mường Phăng ảnh 1
 

Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ mà đến nay vẫn chưa bị chặt phá do ý thức của người dân coi đây là chốn “rừng thiêng”, là mảnh “vườn nhà” phải giữ gìn, chăm chút. Bà con thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng tư lệnh quân đội ta thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp”, gọi căn hầm của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Những tên gọi nay đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại.

Gặp lại Mường Phăng ảnh 2
 

Từ căn hầm chỉ huy này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung  lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...

Gặp lại Mường Phăng ảnh 3
 

Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc đá dẫn lên miệng hầm giờ đã phủ một lớp rêu xanh dày và mượt mà như trải thảm. Sau chiến tranh, đã nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng đội của ông trở lại thăm khu sở chỉ huy này.

Đến sở chỉ huy, du khách sẽ được thăm: Chòi canh gác số 1.Hầm thông tin liên lạc. Đài quan sát. Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Hầm của ban cố vấn Trung Quốc. Nhà hội trường. Hầm ban chính trị.

Gặp lại Mường Phăng ảnh 4
 

Ngọn đồi Pú Cá ngày xưa, sau chiến tranh gọi là đồi Chiến Thắng, cùng với cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử được giữ gìn và tôn tạo hết sức cẩn thận để vừa làm khu bảo tàng, vừa làm điểm du lịch của thành phố Điện Biên Phủ. Nhiều du khách, cựu binh – cả người Việt lẫn người nước ngoài – đã tìm đến đây để tham quan, nghiên cứu, hoặc đơn giản chỉ để sống lại những kỷ niệm gian khổ hào hùng hoặc đau thương của một thời trai trẻ.

Những ngày tháng 5 lịch sử, về thăm Điện Biên, đi giữa cánh rừng nguyên sinh của khu di tích lịch sử, ta sẽ nghe tiếng lá xào xạc, tiếng chim khắc khoải về một thời xa vắng. Con suối nhỏ ngoằn nghoèo lách qua khu rừng, rồi hòa vào những thửa ruộng bậc thang làm cho những cánh đồng lên xanh. Ta sẽ gặp nụ cười mến khách của thiếu nữ Thái, gặp sự gần gũi thân thiện của bà con, gặp sản vật núi rừng bình dị và độc đáo. Nhưng hơn cả là gặp lại sưu sống dậy của một ký ức hào hùng dân tộc. Qua hơn nửa thế kỷ, Trung tâm chỉ huy chiến dịch ở khu di tích Mường Phăng vẫn mãi là điểm đến của lòng tự hào, yêu nước, của sự tri ân và mãi góp phần vào khúc khải hoàn chiến thắng năm xưa.

 Linh Nghiệm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ