Bà May vẫn mong đợi cuộc bầu cử 2022
Vòng đàm phán tiếp theo của Brexit, các cuộc hội nghị bên lề và cuộc bầu cử Đức sắp tới chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới quá trình này. Tất cả những điều này đều ùa đến sau những tháng xáo trộn gần đây của Thủ tướng Anh Theresa May – người đang giữ vị trí đã trở thành tâm điểm của những xôn xao không dứt vừa qua.
Kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua, khi đảng Bảo thủ của bà mất đi vị thế đa số và buộc phải bắt tay với đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để tiếp tục nắm quyền, bà May đang phải chịu áp lực ngày càng tăng. Tuần trước, bà đã bác bỏ tin cho rằng bà có thể từ bỏ quyền lực năm 2019 và nhấn mạnh rằng bà vẫn tiếp tục mong đợi tới cuộc bầu cử 2022.
Tuy nhiên, giới truyền thông Anh đăng tải đầy rẫy những bài viết khẳng định một số thành viên Nghị viện trong đảng của bà May muốn bà dừng lại, mặc dù tên tuổi của những người này không được tiết lộ.
Thách thức gần đây nhất của bà là việc đưa dự luật (rút khỏi) Liên minh châu Âu thông qua Nghị viện, trong tình huống đảng Lao động phản đối dự luật này, ngoài ra còn rất nhiều nghị sĩ yêu cầu sửa đổi ngay lần đầu tiên dự luật được đưa ra thảo luận.
Những tranh cãi quanh dự luật (rút khỏi) Liên minh châu Âu
Ngoài soạn chuyển đổi luật pháp hiện hành của EU, dự luật này cũng có nghĩa là sau tháng 3/2019, nước Anh sẽ không còn phải tuân thủ các luật mới sẽ được đưa ra ở Brussels.
Nhưng việc chính phủ Anh có ý định sử dụng các điều luật từng gây tranh cãi có từ thời vua Henry VIII để ban hành các sửa đổi khiến các đối thủ của bà May chỉ trích rằng đây là một “cú giật quyền lực”.
Các nghị sĩ từ cả hai cánh của Quốc hội Anh đều đặt câu hỏi về việc sử dụng các quyền hạn – sẽ cho phép chính phủ thay đổi một lượng lớn luật pháp của EU trước đây, dù không được sự cho phép của Quốc hội.
Chính phủ Anh tuyên bố những quyền hạn đó sẽ không được sử dụng để thực hiện bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào, mà chỉ được áp dụng trong các sửa đổi mang tính kỹ thuật và trong một thời gian giới hạn.
Theo chính phủ Anh, điều khoản này là cần thiết để đảm bảo cho việc chuyển khoảng 1.000 điều luật của EU sang pháp luật của Anh trước ngày nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu.
Đảng Lao động cho rằng việc sử dụng các đạo luật này sẽ cho chính phủ Anh nhiều quyền hạn để thay đổi luật pháp nhờ các “cánh cửa hậu” và cho biết họ sẽ bỏ phiếu chống lại dự luật, nhất là vì dự luật này sẽ cho phép các bộ trưởng đưa ra những thay đổi sâu rộng đối với luật pháp mà bỏ qua sự giám sát của Quốc hội.
Đảng Lao động muốn giới thiệu một số sửa đổi và cũng đã thay đổi lập trường để hỗ trợ việc duy trì thị trường chung và liên minh thuế quan trong giai đoạn chuyển đổi 4 năm.
Như vậy, trong khi đảng Lao động, đảng Dân chủ tự do và đảng Quốc gia Scottish có thể cùng nhau bỏ phiếu chống lại dự luật thì bà May cần có đủ số phiếu để vượt qua. Sau đó đạo luật này sẽ được Hạ viện thông qua vào tháng 10.
Các cuộc thảo luận Brexit
Nếu dự luật được thông qua, đây sẽ là một sự khích lệ lớn cho nước Anh trong cuộc đàm phán đầy khó khăn với Brussels, nhất là sau cuộc gặp lạnh giá giữa thư ký Brexit David Davis và người đồng nhiệm của ông phía Liên minh châu Âu Michel Barnier.
Chính phủ Anh đã buộc phải phủ nhận các báo cáo nói rằng họ đã đồng ý trả 50 tỷ bảng để đảm bảo cho sự ra đi của nước Anh, mặc dù ông Davis thừa nhận rằng ông đã hy vọng cuộc tranh cãi về vấn đề này sẽ không kéo dài suốt giai đoạn đàm phán.
Cuộc thương lượng sẽ tiếp tục nhóm họp từ ngày 18/9 đến ngày 9/10, nhưng cả hai phía đều cho biết đã sẵn sàng đẩy nhanh tiến trình đàm phán trước khi Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels ngày 19/10.
Những tháng tới không chỉ vô cùng quan trọng với tương lai hậu EU của Anh mà còn là việc sống còn với bà May: Liệu bà còn bao nhiêu thời gian để tham gia quá trình Brexit?