Lo ngại
“Chúng tôi thực sự đau lòng. Hai mươi năm qua, tôi bỏ phần lớn thời gian chu du châu Âu để sản xuất phim ở Tây Ban Nha hoặc tham gia LHP Berlin. Chúng tôi lo lắng khi các điều luật thay đổi, khiến công việc trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Chúng tôi đang bị chia cắt với đồng nghiệp ở châu Âu”, nhà sản xuất người Anh Elizabeth Morgan Hemlock nói.
Theo Viện phim Anh quốc, 86% kinh phí tương đương 2,2 triệu euro do các nhà làm phim nước ngoài đầu tư vào điện ảnh Anh trong năm qua. Các nhà sản xuất xứ sương mù lo lắng bởi Anh rút khỏi EU đồng nghĩa nguồn kinh phí làm phim bị rút theo. Những năm qua, nguồn kinh phí từ nước ngoài và các quốc gia khác ở châu Âu nuôi dưỡng nhiều tác phẩm điện ảnh nước Anh thành công như Diễn thuyết của nhà vua của đạo diễn Tom Hooper rinh 1 giải Oscar 2011, Tôi, Daniel Black-Cành cọ vàng 2016.
Hậu quả của Brexit khiến nhiều nhà sản xuất lo lắng về các mối quan hệ truyền thống trước đó. “Chúng tôi là một công ty quốc tế làm việc với nhiều đại lý khắp nơi trên thế giới nhất là Mỹ. Giờ họ luôn nói với chúng tôi rằng nếu có thể hãy tránh ném tiền vào các dự án mới với người Anh. Đó không phải sự trừng phạt, chỉ là vì tình thế”, Jens Meurer- nhà sản xuất người Đức nói. Nhiều nhà sản xuất có thể suy tính lại: Thay vì quay phim ở Anh, họ chọn các quốc gia trong EU như Đức, Bỉ.
Dù vậy vẫn có một số người lạc quan. Tại LHP Cannes, hội thảo về Brexit cũng khiến các nhà làm điện ảnh suy nghĩ toàn diện hơn. Một chuyên gia luật đến từ Bỉ Sunniva Hansson cho rằng chẳng lí do gì nước Anh từ chối mức thuế 25% đối với các dự án điện ảnh tại Anh. Hơn nữa khung pháp lý về hợp tác sản xuất ở châu Âu cũng hỗ trợ các nhà làm phim dễ dàng hơn khi bắt tay sản xuất.
Chưa thấy ứng viên trội
Tiệc điện ảnh Cannes đi được nửa chặng đường, nhưng chất lượng tác phẩm chưa nhiều đột phá. Trong số phim ít ỏi gây ấn tượng, điện ảnh Pháp được kỳ vọng với 120 nhịp mỗi phút, phim mới của đạo diễn Robin Campillo, lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 90. Phim theo hành trình của thành viên Act Up-Paris- cộng đồng đồng tính chống lại căn bệnh AIDS. Bộ phim nhận được làn sóng bình luận tích cực với những cảm xúc “chấn động”, “sốc”, “cảm động”. Hai nghìn khán giả rời phòng chiếu trong nước mắt và im lặng. Có nhà phê bình còn ví phim là máy điện tim đo cảm xúc của khán giả, hoặc là cú sốc điện mùa giải Cannes này.
Tác phẩm gây tranh cãi từ khi Cannes khởi động, Okja cũng chiếm thiện cảm của các nhà phê bình lẫn khán giả. Phim do Netflix đầu tư và chỉ phát hành trên mạng lưới này thay vì ra rạp khiến nhiều nhà phát hành tức giận. Đạo diễn Pedro Almodovar, Chủ tịch BGK thẳng thừng: “Không có chuyện trao Cành cọ vàng cho một phim không chiếu rạp”. Tuy nhiên buổi công chiếu bộ phim của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho nhận phản hồi tích cực. Bộ phim kể cuộc phiêu lưu kỳ thú của một cô bé Hàn Quốc với con vật thân thiết khổng lồ lai giữa lợn và hà mã.
Một số phim khác chưa thực sự gây ấn tượng. Loveless (Không có tình yêu) của đạo diễn Nga Andey Zvyagintsev kể về cặp vợ chồng ly hôn và cậu con trai 12 tuổi bỗng nhiên biến mất. Hai vợ chồng buộc phải làm hòa để tìm con, nhưng lại rơi vào nỗi thù hận rất lớn. Các nhà phê bình đánh giá không khí phim đậm đặc phong cách Dostoievski. Trong khi đó Wonderstruck của Todd Haynes với Julianne Moore và Michelle Williams khá thú vị và gây tò mò. Hai câu chuyện song song về hai đứa trẻ sống cách nhau 50 năm, nhưng có chung ước ao muốn có cuộc sống khác. Đánh giá cao phần âm nhạc, bối cảnh cũng như cảm giác dễ chịu phim đem lại nhưng một nhà phê bình nặng lời cho rằng đây là “bộ phim không cần thiết”. Phim mới nhất có Nicole Kidman thủ diễn, The killing of a sacred deer không thực sự ấn tượng, nhất là những đoạn đối thoại cứng nhắc và nặng nề.
Công ty tổ chức sự kiện Pháp lên tiếng vụ Lý Nhã Kỳ
ADR Pord, một công ty tổ chức sự kiện tại LHP Cannes gửi thư ngỏ lý giải hình ảnh Lý Nhã Kỳ xuất hiện trên panel với dòng quảng cáo khó hiểu lại đặt sát panel quảng bá điện ảnh và du lịch Việt Nam. Giám đốc công ty, Antoine Dray giải thích: chọn Lý Nhã Kỳ là gương mặt đại diện với thông điệp ủng hộ các cá nhân trẻ có cống hiến cho xã hội, bảo trợ hai năm cho hạng mục Cinefondation, và chọn vì được sự tư vấn của nhiều chuyên gia truyền thông ở Pháp.
Công ty giải thích panel Lý Nhã Kỳ trưng bày độc lập, không liên quan ba panel quảng bá điện ảnh và du lịch Việt Nam. Rằng dòng chữ “Ly Nha Ky-The new voice of Vietnam” không ngụ ý cô ấy đại diện cho tiếng nói của Việt Nam, mà chỉ tôn vinh các cá nhân trẻ có cống hiến tại Cannes và có tiếng nói mới, mà Lý Nhã Kỳ đến từ Việt Nam.
Cách giải thích này đương nhiên khó đả thông những người vừa qua thắc mắc về tấm panel lạ đời. Bởi nếu “độc lập” thì sao phải gắn chặt với các panel quảng cáo điện ảnh và du lịch Việt Nam? Và “Lý Nhã Kỳ- tiếng nói mới của Việt Nam” mà lại “không đại diện cho tiếng nói của Việt Nam” thì phải hiểu thế nào về vỏ ngôn ngữ?
Hiện tại Bộ VHTTDL chưa có thêm phát ngôn, động thái liên quan vụ việc này.