Nước Anh nỗ lực giảm thiểu hỗn loạn thương mại do Brexit

GD&TĐ - Sau nhiều tháng căng thẳng, Anh cho biết sau khi rút khỏi Liên minh châu Âu, chính phủ nước này muốn duy trì một cách tạm thời một cơ chế tương tự như Liên minh Thuế quan châu Âu, dự kiến đến năm 2019, nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn có thể xảy ra khi kiểm tra biên giới tại các cảng của Anh và vùng biên giới với Ireland.

52% người Anh ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016
52% người Anh ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016

Từ bỏ Liên minh thuế quan

Thứ Ba vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Phillip Hammond đã giành được sự ủng hộ của chính phủ đối với quá trình “chuyển đổi mềm” từ thành viên của Liên minh Thuế quan. Khi giới thiệu kế hoạch này, ông David Davis, nhà thương lượng chính của Anh trong quá trình Brexit, lưu ý rằng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu khác như những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Anh đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Theo đề xuất, nước Anh sẽ từ bỏ Liên minh Thuế quan, nhưng lại muốn tham gia vào một cơ chế tương tự trong một giai đoạn ngắn. Trong khoảng thời gian đó, nước Anh có thể được phép ký kết các văn bản, nhưng chưa có hiệu lực, với các đối tác thương mại khác.

Cũng như mọi quy định khác, quy định này sẽ phải được thỏa thuận với 27 chính phủ các nước châu Âu khác, trong đó rất có thể sẽ có nhiều nước phản đối động thái này. Các chuyên gia cũng cho rằng các nước như Mỹ hoặc Ấn Độ sẽ không sẵn sàng có những thỏa thuận thương mại với Anh cho đến khi họ rõ ràng về mối quan hệ kinh tế trong tương lai với Liên minh châu Âu.

Thiếu hụt kế hoạch dài hơi

Dù sao đi nữa, các quan chức Liên minh châu Âu cũng tỏ ra lạnh nhạt với kế hoạch của Anh và thông báo rằng họ sẽ không đàm phán về vấn đề này cho tới khi các vấn đề tối quan trọng trong cuộc “ly hôn” của Anh với Liên minh châu Âu được giải quyết. Chẳng hạn như khoản tiền nước Anh phải chi trả cho “tự do” của mình, hay các quyền của công dân Liên minh châu Âu tại Anh. Chính vì vậy mà ông Guy Verhofstadt, điều phối viên Quốc hội châu Âu trong vấn đề Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, cho rằng kế hoạch này của Anh chỉ là “tưởng tượng”.

Quan trọng hơn nữa là sự thiếu hụt các kế hoạch dài hơi có sức thuyết phục càng làm bộc lộ rõ hơn sự chia cắt khó giải quyết trong chính phủ Anh về việc liệu nước này có nên “đánh bạc” trong mối liên hệ với khu vực thương mại tự do kinh tế khổng lồ của châu Âu, khi hy vọng đàm phán các hiệp định riêng biệt có thể giảm thiểu các thiệt hại trong việc rời bỏ một phần hay hoàn toàn Liên minh Thuế quan hay không.

Các nhóm doanh nghiệp Anh tỏ ra nhẹ nhõm vì ít nhất đã thấy một kế hoạch quản lý rủi ro, dù là ngắn hạn, cho việc nước Anh thoái xuất khỏi Liên minh châu Âu. Họ nhìn nhận ít nhất là có 2 năm trước mắt có thể kinh doanh một cách ổn định. Tuy nhiên, với các cuộc đàm phán về xuất cảnh đang được tiến hành ở Brussels, kế hoạch dài hạn của Anh đối với các quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu vẫn chưa rõ ràng.

Bất đồng trong nội bộ

Trong nhiều tháng vừa qua, nội các Anh bị chia cắt rõ rệt, giữa những người như Bộ trưởng Bộ Tài chính Philip Hammond, người luôn dành ưu tiên hàng đầu cho lợi ích của nền kinh tế trong việc kiểm soát nhập cư, với những người ủng hộ một cách quyết liệt cho sự tách ra của nước Anh, bất luận các ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Sự căng thẳng nội bộ ngày càng tăng trước những bất trắc kinh tế do Brexit gây ra, dẫn đến việc giảm đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm của Anh, giảm tăng trưởng kinh tế và giảm mức sống khi các doanh nghiệp phải đối mặt với các thay đổi trong các quy tắc thương mại trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, điều mà nước Anh mong muốn từ các cuộc đàm phán thương mại Brexit dường như lại không rõ ràng, thậm chí có những lựa chọn khác nhau đến kinh ngạc. Một là, sẽ cho phép tồn tại hai hệ thống hải quan vốn rất khác biệt của Anh và Liên minh châu Âu. Hai là, một phần của kế hoạch này tương đương với việc không áp dụng bất kỳ biên giới hải quan nào giữa Anh và Liên minh châu Âu, như trước khi nước Anh “Brexit”. Chính phủ Anh cũng phải thừa nhận đây là một thách thức trong việc hướng tới các thỏa thuận thương mại toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ