Vì sao phải đi làm thuê? Vì sao phải làm giàu cho người khác? Trong khi chỉ với một chiếc máy tính hay đơn giản là chiếc điện thoại thông minh, bạn đã có thể tự làm chủ cuộc đời mình với một công việc 'hit' trong giới trẻ hiện nay - freelancer (làm việc tự do).
Bạn chủ động được thời gian. Bạn muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ. Bạn được quyền chọn sếp và "sa thải" sếp sau khi xong việc. Tiền tươi thóc thật đổ vào tài khoản. Thời gian linh động, không bị ai quản cả. Chà! Thật đáng mơ ước.
Thế nhưng, bạn thân mến! Bạn có chắc cuộc sống của một freelancer thực sự hấp dẫn đến vậy?
Nguồn công việc và thu nhập không ổn định
Ngày đầu mới bước chân ra làm freelancer, bạn có thể tự hào vỗ ngực mình có các nguồn thu nhập đủ tương đương với lương full-time công sở. Thế nhưng, bạn quên mất rằng, mọi công việc bạn đang làm chỉ mang tính thời vụ. Đến một ngày đẹp trời, khi các bên đang thuê bạn tái cấu trúc, thay đổi mô hình hay "lật kèo", bạn cũng mất mối kiếm cơm như chơi.
Vậy là lại thêm một sự đau đầu về việc mở rộng nguồn thu nhập để làm sao duy trì đầu vào liên tục. Nhận nhiều quá thì lo không xuể. Không đặt gạch trước thì nhỡ lại đói ăn.
Mọi phúc lợi xã hội đều hạn chế
Làm freelancer, bạn phải tự xoay sở để chăm lo cho các phúc lợi xã hội mà thường ngày vốn có phòng hành chính nhân sự làm hộ.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ, kê khai hoàn thuế thu nhập cá nhân… Đừng nghĩ rằng những thứ này chỉ là hình thức. Các phúc lợi xã hội được tạo ra nhằm đảm bảo cho bạn một tương lai về hưu an toàn, khỏe mạnh, không phải lo lắng nhiều về tài chính.
Bạn chẳng phải thiên tài, cũng có xác suất thấp để trở thành triệu phú, vậy nên cũng không thể chủ quan bỏ rơi các phúc lợi xã hội của mình.
Nguy cơ trầm cảm và các hệ lụy xã hội dài hạn
Nếu bạn từng thích ý niệm ngồi nhà làm việc mà vẫn kiếm ra tiền thì có lẽ nên thử xoay góc nhìn của mình 180 độ để thấy được rủi ro của việc này ở các freelancer.
Hoạt động độc lập quá lâu và ít giao tiếp với bên ngoài rất dễ khiến bạn trầm cảm hoặc trở nên ngại tiếp xúc với xã hội. Bạn quá quen với việc nhận đặt hàng, trao đổi, gửi sản phẩm qua email hay cùng lắm thi thoảng cà phê gặp 1 - 2 người để trao đổi.
Bạn trở nên ngại đám đông, e dè các sự kiện lớn và dần dà sẽ khó hòa nhập lại với dòng chảy xã hội bên ngoài.
Bạn gần như không có đồng nghiệp, không tương tác xã hội trực tiếp, tương tác thế hệ, không có thêm mối quan hệ thân cận mới. Kết nối xã hội chỉ nằm gọn trong gia đình và một vài mối thân quen cố hữu. Cuộc sống của bạn sẽ dần bó hẹp lại và trở nên tù túng.
Cứ như vậy một thời gian dài, nguy cơ trầm cảm và sự tụt hậu so với xã hội là vô cùng lớn. Rồi ai sẽ thuê một người tụt hậu làm việc đây?
Bạn chỉ đi nhanh được thời gian đầu nhưng sẽ khó đi xa
Làm freelancer, bạn có thể tiến nhanh trong thời gian đầu, nhưng để tiến xa và phát triển hơn nữa trong sự nghiệp thì vô cùng khó khăn, vì đơn giản bạn chỉ đang đi một mình, không hề có ê-kíp như khi làm việc trong công sở.
Hoặc bạn cần tự tạo một công sở cho riêng mình, hoặc bạn sẽ cần một đơn vị đỡ đầu, đón bạn quay trở lại với xã hội, nếu bạn thực sự muốn phát triển sự nghiệp đúng nghĩa và có một tương lai ổn định hơn.
Dù gì rồi cũng phải quay về nơi công sở chứ chẳng thể mãi lẹt đẹt với vòng quay "tìm tiền ở đâu" và "an sinh ra sao" trong mạng lưới các mối quan hệ hạn hẹp của mình.
Freelancer thực chất chỉ là một cách chạy trốn áp lực cuộc sống?
Thực tế, có những người vốn không đủ dũng cảm đối diện với áp lực nơi công sở, không đủ khéo léo để điều tiết các mối quan hệ phức tạp với nhân sự các phòng ban, không đủ khôn ngoan để thể hiện và bảo vệ bản thân giữa những "mưu hèn kế bẩn nơi công sở", không đủ dũng khí để trưởng thành và đối mặt với thử thách. Bạn đổ tại nhiêu đấy hoàn cảnh và quyết định rút về làm freelancer.
Dĩ nhiên, ai cũng có quyền chọn lựa của riêng mình và thật khó khẳng định việc chọn môi trường công sở hay làm freelancer là tốt hay không tốt. Thế nhưng, việc nhìn nhận thẳng thắn vào nguyên nhân của vấn đề sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn với các kế hoạch tương lai chứ không chỉ mải dương dương tự đắc là mình vừa "cho sếp nghỉ việc".
Song có một điều chắc chắn đó là, dù bạn làm công sở hay freelancer, kỷ luật thép và ý thức tự học hỏi, tự bồi đắp các kỹ năng, kiến thức và mạng lưới quan hệ xã hội cho bản thân là vô cùng thiết yếu. Hoàn cảnh chẳng thể quyết định bạn, tất cả là do bạn có chịu thích nghi hay không thôi!
* Bài viết theo quan điểm cá nhân của tác giả.