Đường tàu mùa xuân

GD&TĐ - Cuộc gọi đã kết thúc từ nãy nhưng giọng nói trầm ấm của mẹ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngồi trong căn nhà, chỗ chiếc bàn cạnh cửa sổ có lọ hoa dại vẫn còn tươi rói, tôi tưởng tượng ra khuôn mặt của mẹ tôi. Mẹ hiền từ, bao dung, nhân hậu. Mẹ cũng yêu loài hoa đơn sắc ấy giống như tôi.

Tôi ngồi kiểm tra lại vé tàu đã đặt trước một tháng, xem kỹ một vài thông tin cần thiết như ngày giờ khởi hành, số toa, số ghế… Tôi chọn giường nằm vì đi đường xa. Hình như đã lâu tôi không đi tàu. Tôi thích cái cảm giác tròng trành, rung lắc trên tàu, thích giọng của cô phát thanh viên vang lên mỗi khi tàu đến một thành phố nào có bề dày trầm tích văn hóa, lịch sử.

Trời gió. Nhánh ổi đong đưa cọ vào mái nhà sột soạt. Bé Mi giật mình thức giấc hỏi mẹ đâu. Tôi vén màn bước vào trong buồng với bé Mi. Con bé nở nụ cười tròn xoe khuôn miệng. Tôi ngã người xuống giường. Vào xuân, gió thổi se se lành lạnh. Cánh cửa sổ đóng kín. Cây lá trong vườn run rẩy theo từng đợt gió. Lạnh và khô. Trong không gian thoang thoảng hương mấy hoa mai vàng đầu mùa chớm nở.

- Mi Mi, ngủ chưa con? - Tôi khe khẽ hỏi.

Nép sát vào người tôi, trong chăn nệm âm ấm, Mi Mi khẽ đáp:

- Con chưa. Lúc nãy con vừa chợp mắt được một giấc.

- Con có muốn về ngoại không, Mi Mi? - Tôi hỏi tiếp.

Nghe nói về ngoại, Mi Mi ngồi bật dậy, tay con bé nắm lấy tay tôi. Tay Mi Mi ấm.

- Con muốn. Mình về ngoại thật hả mẹ?

Tôi gật đầu. Con bé reo lên. Nếu không phải đang nằm trên giường chắc Mi Mi sẽ nhảy cẫng lên vì vui mừng khôn xiết. Bao lâu nay Mi Mi vẫn mong được về quê ngoại. Cảnh quê ngoại - trong mường tượng của Mi Mi - khác với quê mình nhiều. Ở đó có nhiều dãy đồi trập trùng, có biển xanh cát trắng, có những mùa đông sương lạnh và xuân sang ấm áp rộ hoa đào.

Tôi nằm ôm Mi Mi, trong căn buồng cũ. Chúng tôi đã sống bên nhau trong ngôi nhà tường cũ kỹ này. Mấy lần tôi định nhờ người đập đi, xây lại căn nhà khác cho vững hơn, phòng khi mưa bão. Nhưng rồi thôi vì chưa thật sự cần thiết. Tôi còn phải lo cho Mi Mi ăn học đến nơi đến chốn. Cũng may ở đây ít bão, không như ngoài quê mẹ, mỗi năm hai ba trận bão, bà con điêu đứng thấy mà thương.

Từ ngày Mi Mi chào đời đến giờ, tôi chưa một lần đưa Mi Mi về thăm bà ngoại. Có mấy lần bà ngoại lặn lội đường xa vào thăm Mi Mi và tôi. Chiều ngồi cùng tôi bên bờ sông chảy ngang qua trước nhà, mẹ tôi khóc ròng.

Mẹ bảo tôi với Mi Mi về ngoài ấy sống, bên cạnh mẹ, để mẹ được chăm sóc cho tôi, bù đắp những thương tổn mà tôi đã chịu đựng trong suốt những năm tháng bôn ba xứ này. Nhưng tôi lắc đầu.

Dù sao tôi cũng đã gắn bó với chốn này nhiều năm rồi, đớn đau cũng trải, hạnh phúc cũng có. Tôi hứa khi nào Mi Mi lớn thêm một chút tôi sẽ đưa con về nhận mặt quê hương, để Mi Mi biết quê ngoại đẹp như thế nào.

Năm nay Mi Mi đã vào lớp Một. Tết này, tôi quyết định đưa Mi Mi về ngoại. Con bé háo hức ra mặt.

Đêm nay, tôi biết Mi Mi không ngủ được. Cũng như tôi lần đầu theo mẹ ra Hà Nội thăm ba và ngắm hoa đào nở những ngày đầu xuân, tôi cũng háo hức vô cùng. Đêm tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để được theo mẹ ra ga, lên tàu rồi ngắm đất nước mình qua cửa sổ con tàu Thống Nhất.

Hay như đêm trước khi tôi vào Nam dạy ở một trường tiểu học nhỏ, trong cái xóm quanh co, xa lắc, tôi cũng không thể nào ngủ được. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh mẹ, quê mình, những ký ức bình yên và miền đất lạ cứ hiện về rõ rệt.

***

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Chúng tôi đi đò một chặng, đi xe khách lên thành phố rồi ra ga tàu. Giáp Tết ga đông, người người nườm nượp dắt díu, tay xách nách mang những thứ đồ lỉnh kỉnh để về quê ăn Tết. Sau những ngày bôn ba xa xứ, cuối năm là dịp để mọi người quay về mái ấm yêu thương, về quê hương nguồn cội. Tôi và Mi Mi cũng đang tất tả tìm về. Một niềm vui, niềm hạnh phúc chen lẫn trong tim bất chợt khiến tôi xúc động rưng rưng nước mắt.

Niềm hạnh phúc đối với mỗi chúng ta là khi mình còn một gia đình, một miền quê để quay về. Đó là nơi xoa dịu, chữa lành những vết thương. Nơi của bình yên, an trú.

Ngồi trên sân ga, tôi ngẫm lại, đã hơn mười năm kể từ ngày tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tiểu học. Cầm tấm bằng đại học trên tay, tôi phân vân giữa những nẻo đường phía trước. Và trong những nẻo đường hiện ra, tôi lại chọn cách di chuyển vào miền Nam xa xôi, dạy học tại một ngôi trường tiểu học thuở ấy chỉ vỏn vẹn sáu phòng, năm lớp học và một phòng giáo viên.

Mẹ hỏi tôi cần gì phải cực đến vậy, trong khi với kết quả học tập loại xuất sắc, tôi thừa sức xin được vào một trường có tiếng ở quê nhà. Tôi thuyết phục mẹ: “Tuổi trẻ là để trải nghiệm”. Một lý do nữa, đơn giản hơn, là vì tôi thấy ấn tượng sâu sắc với miền Nam, với cảnh sông nước nơi này. Thế nên tôi quyết định vào Nam trong thoáng chốc.

Cứ nghĩ rằng mình sẽ dạy học một vài năm, có những trải nghiệm nhất định thì miền đất này sẽ trở thành ký ức. Tôi sẽ về lại quê hương mình để sống với ba mẹ những ngày xế bóng. Ngày ngày tôi đi dạy, mẹ vẫn bán quán hàng nhỏ dưới gốc me đầu làng, ba tôi chạy xe ôm chở khách từ làng ra ga và ngược lại.

Nhưng định mệnh đã khiến tôi yêu một người thanh niên hiền lành, chất phác. Anh là con trai miền Nam, nhà khá giả. Chúng tôi yêu nhau qua hai mùa lúa chín. Anh hứa sẽ dẫn tôi về ra mắt ba má, sẽ cùng tôi về quê để thưa chuyện với ba mẹ tôi.

Khi tình yêu đương thời đẹp nhất, một buổi chiều mùa hạ, có người phụ nữ đứng ngẩn ngơ trước sân trường tôi. Khi đám học trò đã về hết, một kỳ nghỉ hè bắt đầu, người phụ nữ đến trước mặt tôi và van xin tôi trả anh lại cho cô ấy. Tôi đi từ ngạc nhiên đến bần thần, cuối cùng là đau khổ. Thì ra, trước khi đến bên tôi, anh cũng đã yêu một người.

Tôi gọi điện thoại về cho mẹ, khóc rưng rức như một đứa trẻ. Mẹ khuyên: “Đời nhiều cạm bẫy. Mẹ trải qua rồi nên mẹ biết. Thôi, ráng mà lấy lại tinh thần. Rồi con sẽ tìm được người hợp ý, ba mẹ cũng có đứa con rể đúng như mong đợi”. Nhưng, tôi đã không thể dứt được anh ra khỏi cuộc đời mình, bởi anh đã để lại trong tôi một đứa con đang lớn lên từng ngày. Là Mi Mi.

Mi Mi - chỗ dựa tinh thần lớn nhất của tôi. Mi Mi đã giúp tôi quên hết những đau khổ, hận thù, căm ghét. Tôi bây giờ chỉ còn biết ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, sau giờ dạy học lại dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi, lấy sức để cả tôi và Mi Mi được khỏe. Tôi thường trò chuyện với Mi Mi, dù con bé vẫn còn nằm trong bụng tôi.

Tôi nói với con rằng tôi không hờn giận anh nữa. Mọi thứ cũng do duyên. Chúng tôi không đến được với nhau, anh gạt tôi nhưng cũng vì anh yêu tôi. Thật tâm tôi cũng mang ơn anh vì đã để lại cho tôi một Mi Mi thi thoảng vẫn hay đạp vào bụng nhồn nhột, vì anh đã cho tôi được gánh trên vai thiên chức của người mẹ thiêng liêng và cao quý.

Mi Mi chào đời. Cuộc sống của chúng tôi có phần khó khăn nhưng niềm vui không vơi vụt. Tôi hay kể cho Mi Mi nghe về quê ngoại, về cái làng nhỏ hiền lành, xa xa có bờ đê mà ngày nào ba tôi - tức là ông ngoại của Mi Mi - cõng tôi thả diều. Con diều no gió bay vun vút. Về những mùa xuân đi qua, hoa đào nở lấm tấm, sắc hồng rực rỡ khắp nơi nơi.

- Chừng nào con lớn, mẹ dắt con về ngoại một chuyến.

Tôi hứa. Mi Mi mong đợi từng ngày. Con bé vẫn thường vẽ quê ngoại qua lời kể của tôi và hình dung của con bé. Tôi nhận xét con bé vẽ có nét giống, nhất là khuôn mặt bà ngoại hiền từ, nhân hậu, bao dung.

Giờ thì chúng tôi đã lên tàu về quê ngoại. Gió xuân nồng nàn thổi qua. Tiết trời se sắt. Tôi rút chiếc áo ấm trong giỏ đưa cho Mi Mi, con bé mặc vào. Chúng tôi chọn khoang giường nằm vì đường xa, khoảng hai ngày mới đến. Mi Mi không nằm xuống. Con bé thích thú ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn sông núi, biển khơi mênh mông. Thi thoảng con bé lại reo lên:

- Mẹ, biển kìa! Núi kìa! Mẹ, Tháp Chăm kìa…

Tôi nhìn theo. Cũng lâu rồi tôi mới nhìn thấy cảnh vật ấy. Bao nhiêu năm trụ lại ở mảnh đất miền Nam, gắn bó với sông nước, dần dần tôi quen. Những cảnh sắc này trở thành nỗi nhớ trong tôi.

Tôi chợt nhớ những năm nào xa tít tôi ngồi tàu với mẹ ra Bắc thăm ba, tôi cũng tíu tít như bé Mi Mi bây giờ. Khoảng thời gian đó bình yên quá, nhưng cũng trôi qua nhanh quá! Mọi thứ vẫn đọng lại trong tôi như mới hôm qua, hôm kia tôi theo mẹ lên tàu…

Tàu về quê hương. Mùa xuân rộn ràng ngoài ô cửa.

Mi Mi đã ngủ rồi. Nắng lòa xòa, nghiêng ngả. Những cánh đồng mùa xuân mơn mởn. Những đóa mai vàng nở rộ ở phương Nam. Đoàn tàu rầm rộ tiến về phương Bắc. Tôi thấy lòng mình nhấp nhỏm.

Khoảnh khắc giáp mặt với quê hương chắc tôi sẽ khóc ròng như những lúc xa quê trở lại, như mấy năm lên thành phố học đại học, nhân kỳ nghỉ tôi đi xe về thăm mẹ, tôi đã bật khóc khi thấy mẹ quảy gánh chè xanh đi bán ở đầu làng. Những hình ảnh đẹp, quá khứ và hiện tại, vui và buồn, phương Nam và phương Bắc… cứ đan xen trong tâm trí tôi. Tôi thiếp đi tự lúc nào không biết.

***

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

- Mẹ ơi, tới quê ngoại chưa, hở mẹ? - Mi Mi dụi dụi đôi mắt, con bé hỏi tôi.

Tôi mở mắt ra, nhìn qua ô cửa. Tim tôi thắt lại. Một cảm giác hạnh phúc ngập tràn dâng lên.

- Mi Mi, quê mình đó con! Mình tới quê rồi! Không lâu nữa tàu sẽ dừng lại ở ga.

Và ba đã đợi hai mẹ con tôi ở đó. Ngồi trên chiếc xe cà tàng mà thuở nào ba chở tôi đến trường, rồi chở tôi ra ga lên thành phố, chở tôi ra ga vào phương Nam… tôi thấy mình bé lại, như Mi Mi. Tôi thấy tóc ba tôi đã bạc đi nhiều. Và trong nắng xuân, những nếp nhăn trên mặt ba đã hiện ra, rõ ràng, màu thời gian đã phủ.

- Quê ngoại đẹp quá! - Mi Mi thốt lên.

Tôi ôm con bé vào lòng. Thật chặt. Tóc Mi Mi thoảng hương dâu ngọt lành.

- Ừ, sắp gặp bà ngoại rồi con. Bà ngoại hiền lắm! - Tôi nói.

Con bé gật đầu khe khẽ.

Qua làn tóc bay phấp phới của Mi Mi, tôi thấy căn nhà xưa yêu dấu của tôi hiện ra cuối làng. Mẹ tôi đang ngồi đó đợi chúng tôi về. Cái dáng hình quen thuộc khiến nước mắt tôi rơi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ