Cánh cửa sổ phòng ngủ đã móc khuy mà vẫn rập rình, đập ra đập vào khiến cô Đoan tỉnh giấc. Gỗ xấu, vài mùa lạnh cửa đã co lại, vênh vẹo. Cô Đoan vùng dậy, lần tay lên công tắc bật điện tìm miếng giẻ nhét vào khe hở. Cửa thôi đập nhưng cô vẫn trằn trọc không tài nào ngủ lại được. Căn nhà nhỏ của cô nằm ven sông, mùa nào cũng hứng gió. Nghe âm thanh và tốc độ của từng trận gió ùa qua là cô đoán được trời có mưa hay chỉ giông khan.
- Bụp… bụp… cộc… cộc – cô Đoan dỏng tai lên nghe! Không phải tiếng gió nhưng rõ ràng có tiếng đập vào cửa chính, tiếng chân người lướt qua. Điện bị cúp, trong nhà tối đen. Cô lật cuối giường lấy cái đèn pin. Bụng phấp phỏng lo lắng. Thân đàn bà con gái, sống một mình nơi đầu làng cuối xóm nên cô luôn phòng thân với con dao gối đầu giường và chiếc điện thoại đi động loại cục gạch. Nhỡ có gã đàn ông biến thái nào giở chứng trêu chọc giữa đêm hôm khuya khoắt hay mấy thằng thanh niên choai choai làng bên bị nghiện muốn trộm cắp, cướp giật thì cô đã có vũ khí để tự vệ.
Cánh cửa vừa hé ra, gió đã thốc vào nhà lạnh toát. Cô Đoan khẽ rùng mình, với cái áo phao khoác lên người. Cô rọi đèn pin xung quanh nhà. Không thấy gì khác thường. Gió vẫn phần phật trên những tàu lá chuối sau vườn. Bỗng tiếng oe… oe ré lên như tiếng mèo hoang ở phía miếu, cách nhà vài chục mét, khiến cô Đoan khựng lại. Tiếng mèo, tiếng người hay tiếng ma? Tim cô đập liên hồi. Cô đứng lặng nghe ngóng. Ngôi miếu im lìm bên gốc đa cổ thụ đang chìm trong bóng đêm và gió rít. Cô đã gắn bó với ngôi miếu này bao năm nay.
Người làng Đồn đặt cho cô biệt hiệu “bà cô canh miếu” vì cô ở vậy, không lấy chồng và phụ trách việc hương đèn cho miếu làng nhưng chưa bao giờ cô nhìn thấy ma. Người làng Đồn từ xưa đến nay vẫn truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ, hoang đường xung quanh ngôi miếu này. Bà Tuất bán hàng lặt vặt ở ngã tư hay đi chợ sớm nhiều lần khẳng định bà đã nhìn thấy một đàn lợn con từ trong miếu chạy ra, đuổi bắt thì chúng chạy ào xuống sông biến mất. Cái Xoan đi kéo vó tôm buổi tối thì vứt cả vó và rổ tôm ù té chạy thục mạng về nhà khi nhìn thấy một người con gái mặc quần áo trắng tinh, đứng trên ngọn đa xõa tóc.
Anh Thuận làm nghề thả lưới ven sông có hôm nhập nhoạng mới cho thuyền cập bờ, bắt gặp con chó trắng rất đẹp đứng trước cửa miếu nhưng khi lại gần thì không thấy chó đâu. Tóc gáy anh dựng lên, về ốm mất ba ngày. Từ bữa đó, anh không dám ra sông đánh cá vào giờ các quan âm đi tuần nữa. Mấy tay cán bộ xã thì quắc mắt: “Đúng là làng Đồn, chuyện gì cũng đồn đại linh tinh được”. Họ cho rằng, những người kia hoa mắt, thần hồn nát thần tính. Cô Đoan chẳng biết thực hư thế nào. Cô nhớ lúc sinh thời, cha cô đọc nhiều sách nho, nghiên cứu lịch sử của làng nên ông cụ khẳng định ngày xưa Hai Bà Trưng từng chọn mảnh đất cao ráo cạnh bờ sông này để đóng đồn bốt.
Ngôi miếu đầu làng thờ một trong những tướng lĩnh của Hai Bà. Ông cụ còn kể cho cô nghe về anh bộ đội bơi qua sông để liên lạc thì bị giặc Pháp bắn chết ở quãng sông trước cửa miếu. Người nhà không bắc cầu gọi hồn nên anh bộ đội ấy vẫn quanh quẩn bên miếu. “Những người chết trẻ thiêng lắm” – Cha cô từng nói như thế. Nhưng người làng Hạ ở bên kia bờ sông lại cho rằng ngôi miếu này lúc đầu chỉ là một đống đất nổi, thờ người ăn mày bị chết đói giữa đường nên họ không tín. Hai làng thuộc cùng một xã, cách nhau con sông nhỏ và cây cầu bắc qua nhưng quan điểm và lối sống thì khác hẳn nhau.
Người làng Hạ có nghề nuôi lợn và nấu rượu nức tiếng một vùng. Họ rất thức thời, quyết đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn để thoát ly ruộng đồng. Người làng Đồn thì mải mê với cấy lúa và trồng ngô trồng khoai, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Trẻ con học chưa hết cấp hai đã phải nghỉ học để đi mò cua bắt ốc, theo sau đuôi trâu đuôi bò hoặc hì hục đóng gạch, đốt lò thủ công, mặt mũi đen nhẻm, lấm lem bùn đất. Dân làng Hạ thường chê bai dân làng Đồn là nghèo, là dốt, là “dân cua ốc”, ai lại đi thờ “kẻ ăn mày” chả trách không ngóc đầu lên được.
Khi tay Phát làng Hạ lên làm Chủ tịch xã thì miếu làng Đồn bị ra lệnh phá bỏ để bờ sông quang quẻ, giữ mĩ quan cho hai làng. Cha cô Đoan nghe tin, bủn rủn cả chân tay. Ông cụ chống gậy hấp tấp lao ra ngăn cản. Hai tay chắp lại van xin cán bộ xã đừng phá, giọng ông cụ phều phào, gấp gáp: “Ngôi miếu này thiêng lắm! Phá đi là to chuyện đấy. Làng Đồn sẽ không khấm khá lên được”. Tay Phát nói trắng như hành bóc: “Làng Hạ có miếu để thờ đâu mà vẫn phát triển ầm ầm, nhà nào cũng có của ăn của để, thanh niên đi thoát li thành đạt chứ có đâu như làng Đồn”.
Ông cụ vẫn tha thiết: “Nhưng nó là cái hồn của làng tôi, xin các người đừng phá, phải hỏi ý kiến của dân chứ”. Nhưng cán bộ không nghe, không hỏi, ra lệnh phá là phá. Tay Phát kết luận: “Để cái miếu này vừa mất mĩ quan, vừa sinh mê tín dị đoan. Cụ già đừng lầm cẩm nữa”. Ông cụ uất quá, nằm bệt trên giường, ốm một trận thập tử nhất sinh.
Ảnh minh họa: ITN |
Bao nhiêu thang thuốc bắc chẳng ăn thua gì thế mà nghe cô Đoan kể lại những chuyện xung quanh hậu phá miếu thì ông cụ tỉnh táo, khỏe hẳn ra. Cô kể cho ông cụ nghe mấy người làng Hạ xin vật liệu từ miếu mang về nhà đều có chuyện chẳng lành. Lão Mục xin ngói miếu về lợp chuồng lợn, vừa lợp xong thì cả đàn lợn lăn ra ốm chết. Lão Mục lo quá, dỡ hết ngói mang thả xuống sông. Bà Miến xin tảng đá xanh ở cửa miếu về bắc cầu ao thì lúc ra vo gạo, trượt ngã, gẫy chân phải bó bột, lúc ngủ toàn mê sảng ú ớ. Mấy đứa con của bà hoảng sợ vội khuân tảng đá ra bờ sông, làm lễ tạ hoàn lại cho miếu.
Ông cụ trầm ngâm, nghĩ ngợi rồi thủng thẳng: “Đấy! Thầy đã nói rồi mà. Ngôi miếu làng mình thiêng lắm”. Mấy chuyện ấy còn chưa sợ bằng chuyện tay Phát chủ tịch, đương chức chưa được sáu tháng thì dính vào vụ sai phạm quản lý đất đai, phải đi tù. Bí thư, kế toán, trưởng ban địa chính của xã người thì bị án treo, người thì bị kỷ luật phải về vườn, tay trắng. Sự thật rành rành ra đó ai cũng nhìn thấy nên cứ nhắc đến cái miếu bị phá là người làng Đồn lại mắt tròn mắt dẹt, người làng Hạ thì xì xầm: “Ngôi miếu ấy thiêng thật, đâu lại có sự trùng hợp lạ kỳ như thế”.
Ông cụ giục cô Đoan: “Con thảo ngay cho thầy một cái đơn để thầy đi xin chữ ký cả làng đề nghị chính quyền xã cho dựng lại ngôi miếu ấy thật đàng hoàng”. Quả nhiên, ngôi miếu được dựng lại bên gốc đa trong sự hoan hỉ của người làng Đồn. Ông cụ vinh dự khi chính tay mình được cắt băng khánh thành và tự nguyện quét dọn, trông nom hương đèn hằng ngày. Khi cha mất, cô Đoan thay cha làm việc ấy rất chu đáo.
Người làng rỉ tai nhau rằng cô bị thần miếu giữ chân, không cho lấy chồng. Mấy bà già còn khuyên cô nên đi đội bát nhang hoặc cắt tiền duyên để lấy được tấm chồng mà nương tựa nhưng cô chỉ cười trừ. Thời trẻ, cô đã từng có mối tình đầu lãng mạn với anh con trai làng Hạ. Hai người học cùng lớp cấp hai. Tình yêu nảy nở từ những ánh mắt nhìn trộm trong giờ học đến những buổi cùng nhau đi nhổ hành thuê, những sản phẩm thủ công trao nhau. Người ấy đan rổ, đan rá còn cô Đoan thêu thùa.
Học hết lớp 7 trường làng thì cô phải nghỉ để học nghề may vì con gái làng Đồn chẳng ai học cao cả. Người ấy chuyển lên trường huyện nhưng hai người vẫn thậm thụt hẹn hò. Tình cảm ngày càng sâu nặng. Hai người thường hẹn nhau ra bờ sông tâm tình vào những đêm trăng sáng. Chuyện đến tai thầy cô. Ông cụ cấm cản, không cho cô ra khỏi nhà buổi tối: “Con không về làm dâu làng Hạ được đâu. Đũa mốc không chòi được mâm son. Thầy thương con. Con phải nghe lời thầy”. Thầy cô đã quyết việc gì là vợ con cứ răm rắp mà theo. Bề ngoài cô không dám trái lời cha nhưng trong lòng tình yêu của cô vẫn âm ỉ.
Trước khi đi xuất khẩu lao động bên Đức, người ấy vẫn dặn cô đợi. Cô tin. Cô chờ. Tuổi xuân của cô vụt qua như làn gió từ sông thổi vào rặng tre đầu làng rồi tan loãng. Người ấy không trở về như lời thề thốt năm nào. Người ấy lấy vợ, sinh con, định cư bên trời Âu xa xôi. Khi người ấy dẫn vợ con về quê làm lễ báo hỉ, cô Đoan mới biết sự thật phũ phàng. Cô chết điếng người. Cô không ăn, không uống. Hồn vía cô như bị bắt mất. Cô ra bờ sông, bước lên cầu và trẫm mình xuống dòng nước trắng xóa. Nhưng cô không chết. Anh em nhà Tuấn Tú đi soi ếch ban đêm đã cứu cô, túm mớ tóc dài của cô lôi lên bờ. Người la làng, người vác cô dốc ngược chạy về miếu.
ước từ trong bụng cô ộc ra đằng miệng. Tai cô văng vẳng tiếng thầy rên rỉ: “Sao phải quẫn trí thế con ơi. U con ngất ở nhà kia kìa”. Người làng Đồn xì xầm, đoán già đoán non, người bảo cô thất tình, người bảo cô bị căn cao số nặng. Lúc ấy, cô đã ngoài ba mươi tuổi. Ở cái làng Đồn này, con gái chưa đến hai mươi đã nườm nượp lên xe hoa. Cỡ tuổi cô lúc ấy coi như quá lứa lỡ thì mặc dù cô là người có nhan sắc. Tóc cô dài đến đầu gối, đen nhánh, thường búi gọn sau gáy, chỉ thả ra khi cô gội đầu, thơm nhưng nhức hương bồ kết và lá xả. Mấy người đàn ông góa vợ trong làng đánh tiếng nhưng cô lặng thinh. Cô sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng, tiếng chì tiếng bấc nên cứ lặng lẽ sống bên cạnh thầy u. Thầy u mất thì anh cả giành ngôi nhà thầy u để lại, bảo là làm chỗ thờ tự.
Anh cả cho cô ít tiền cộng với số vàng thầy u để lại, cô mua được mảnh đất cạnh bờ sông, gần ngôi miếu, cất mái nhà nhỏ làm nơi chui ra chui vào, tránh ra đụng vào chạm với các anh các chị. Cô mở tiệm may quần áo cho người già nên cũng tự lo cho bản thân, không phải phiền lụy đến ai. Cô cứ ở đó một mình, bên cạnh bờ sông, bên cạnh ngôi miếu của làng Đồn và chứng kiến làng quê của mình thay da đổi thịt từng ngày. Những lò gạch thủ công đã bị xóa sạch. Người làng Đồn ăn nên làm ra, nhiều người phất lên nhanh chóng với nghề trồng mùi tàu và cà rốt xuất khẩu.
Kinh tế khá giả, trẻ con chú tâm học hành đến nơi đến chốn. Mỗi mùa thi đại học, người làng đến may quần áo ở tiệm của cô lại xôn xao. Cô Đoan bấm đốt ngón tay đếm những đứa đỗ đạt, thành danh, từ làng bước lên phố thị, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Con gái mặt hoa da phấn, móng tay móng chân hồng hào, vẽ đủ các kiểu xinh xinh. Bọn cái Na, cái Mít thò lò mũi xanh, đi mót thóc ngày nào giờ đã làm cô giáo, thi thoảng vào quán của cô may áo tặng bà. Thằng Tuấn, thằng Tú một thời quần đùi be bờ tát cá, móc cua giờ đã làm bác sĩ, kỹ sư. Cái Đào, cái Mận, cái Trang mới ngày nào còn ra bờ sông cất vó, mò ốc mà nay đỗ Ngân hàng, Kinh tế, Ngoại ngữ…
Trong khi đó làng Hạ giáp thị trấn thì chuyển dần lên phố. Các quán game, karaoke, bia hơi, tạp hóa… mọc lên dày đặc. Bọn trẻ không thích thi đại học, có thi đỗ cũng bỏ để đi Hàn, đi Nhật làm ăn. Những đứa không đi đâu thì đổ đốn nghiện ngập. Vì thế, người làng Hạ không còn chê người làng Đồn là “dân cua ốc” nữa. Họ còn truyền nhau câu ca: “Ngày xưa cua ốc ở Đồn/ Ngày nay cua ốc lại dồn về ta”. Làng Đồn nở mày nở mặt. Ai cũng hớn hở và tin rằng tất cả những đổi thay tốt đẹp đó là nhờ ngôi miếu đầu làng mình linh thiêng. Ai đi xa về cũng rẽ vào miếu thắp nén nhang. Người nào trước khi lên đường công tác cũng vào miếu làm lễ.
- Oe…oe – Âm thanh ấy lại phát ra từ phía ngôi miếu, theo gió đưa lại khiến cô Đoan bừng tỉnh, trở về thực tại. Lần này cô nghe rõ mồn một. Không phải tiếng mèo, cũng chẳng phải là tiếng ma. Cô đứng chôn chân một chỗ dỏng tai hồi lâu. Bây giờ da cô bắt đầu nổi gai ốc, tim đập nhanh hơn. Lẽ nào tiếng trẻ sơ sinh? Cô quên hết sợ hãi, soi đèn pin đi phăm phăm ra miếu. Chiếc thùng các tông đặt chình ình ngay cửa miếu khiến cô hoảng hốt. Cô nhào đến, vạch ra. Đứa bé đỏ hỏn được quấn trong chiếc chăn màu huyết dụ, kèm một ít tã lót. Cô bế đứa trẻ lên, ấp vào ngực. Cô sợ nó đang bị lạnh. Đứa trẻ như cảm nhận được vòng tay ôm ấp nên nín bặt. Gió từ sông thổi thốc vào cửa miếu. Những cơn gió mang theo hơi nước. Cô rùng mình, chỉ một lát nữa chắc chắn mưa sẽ ào xuống.
- Trời ơi! Ai lại nỡ bỏ con thế này! – Cô Đoan run rẩy, thốt lên. Nhìn quanh chẳng thấy ai, bóng tối đen đặc đang bủa vây. Cô vừa bế đứa bé bước vào cửa nhà thì những hạt mưa bắt đầu lộp độp trên mái tôn. Cô nhớ lại tiếng đập cửa ban nãy, vừa như tiếng gạch ném vào cửa, vừa như nắm đấm của ai cộc cộc đánh động. Ngoài trời, mưa ào xuống. Mưa như trút nước. Nghĩ đến cửa miếu bị nước mưa hắt vào ướt sũng, cô tự nhủ: “May mà mình phát hiện kịp”. Cô cứ ôm đứa trẻ và nhìn nó ngủ ngon trong vòng tay của mình, mặc ngoài kia mưa tuôn xối xả trên những tàu lá chuối…