Đường mòn ở Sifnos

GD&TĐ - Hòn đảo Sifnos mang vẻ đẹp Địa Trung Hải quyến rũ với những tàn tích có từ thời cổ đại và các ngôi làng giống như trên tấm bưu thiếp.

Con đường đá dẫn đến nhà thờ Eftamartyres.
Con đường đá dẫn đến nhà thờ Eftamartyres.

Lâu đời nhất thế giới

Trên hòn đảo Sifnos của Hy Lạp, một mê cung với những con đường mòn uốn khúc qua những cây ô liu hoang dã và những cánh đồng ruộng bậc thang đưa du khách khám phá thời quá khứ xa xưa ở nơi đây.

Đường mòn Sifnos là một trong số mười chín tuyến đường mòn đi bộ đường dài có từ những năm 3000 trước Công nguyên. Con đường luôn ở trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng kéo dài nhiều năm cho đến khi được khôi phục vào năm 2015 với sự đóng góp của cộng đồng lãnh đạo cùng hợp tác xã xây dựng đường mòn Paths of Greece.

Ngày nay, du khách có thể lần theo dấu chân của nông dân, thợ mỏ và binh lính, những người đã khai sinh ra một trong những mạng lưới đường bộ dài và lâu đời nhất trên thế giới.

Các biển chỉ dẫn và vạch đánh dấu đường mòn mới hướng dẫn du khách khám phá những mỏ bạc lâu đời, đồng cỏ hoa dại và làng chài quyến rũ, một thế giới khác xa với sự nhộn nhịp của Santorini và Mykonos vào mùa Hè. Đi bộ trên con đường mòn là cách trải nghiệm trọn vẹn tốt nhất hòn đảo Địa Trung Hải ít được biết đến này.

Khám phá và trải nghiệm

Nằm ở phía Nam lục địa Hy Lạp, Sifnos là một trong hai trăm hòn đảo tạo thành Quần đảo Cyclades. Vào thời cổ đại, Sifnos rất giàu có nhờ việc sản xuất gốm sứ và khai thác các mỏ vàng, bạc. Nó cũng là trung tâm của nền văn minh Cycladic.

Những con đường mòn của Sifnos là cánh cửa sổ nhìn vào lịch sử lâu đời của hòn đảo. Các địa điểm khảo cổ đánh dấu nhiều tuyến đường uốn lượn lặng lẽ qua chân đồi xanh tươi hoặc mang đến tầm nhìn toàn cảnh ra biển sau chuyến hành trình leo núi mệt nhọc.

Đường mòn Sifnos Insiders là một trong những con đường khó khăn và xa xôi nhất. Từ thị trấn cảng Kamares, chuyến hành trình bắt đầu bằng một cuộc leo dốc dẫn đến Apollonia, thành phố mang tên vị thần Mặt trời được tôn kính thời cổ đại, là thủ phủ của Sifnos từ năm 1836.

Con đường uốn lượn dọc theo bờ biển, xuyên qua những cây thông, cây bách xù, băng qua vùng đất nông nghiệp rải đầy bông hoa trắng, nơi tiếng kêu be be của đàn dê và tiếng chuông ngân vang của chúng tạo nên một bản nhạc êm dịu. Trên các sườn đồi là những dấu tích bằng đá đổ nát của cuộc sống nông thôn, trong đó có themonies (các trang trại nhỏ) và một vài tháp quan sát trong số bảy mươi tòa của hòn đảo.

Tulsi Parikh, một nhà khảo cổ học tại Trường Anh quốc ở Athens, cho biết: “Thật khó để xác định niên đại của những con đường này bằng cách nhìn vào chúng mà không có sự trợ giúp của các đồ vật đã được khai quật dọc theo tuyến đường”.

Để bảo vệ các nguồn tài nguyên quý giá được khai thác trên Sifnos và những thứ đã làm cho hòn đảo trở nên giàu có, nhiều tháp quan sát đã được xây dựng. Những ngọn đuốc lắp trên đỉnh được thắp sáng để cảnh báo cư dân về những con tàu đang đến gần.

Các con đường khác dẫn đến những khu định cư cổ đại, giống như thành cổ Mycenaean của Agios Andreas và thành Kastro của Venice, nơi biển Aegean đầy sóng vỗ được bao quanh bởi những con đường hẹp có những quan tài bằng đá cẩm thạch và đá vôi thời La Mã và các công trình bằng đá có niên đại từ thời cổ đại.

Ở phía Bắc xa xôi của hòn đảo, một con đường đá được bao quanh bởi những bụi cây nhỏ bắt đầu từ Kabanario hướng đi xuống Cheronissos, một cảng nhỏ nơi nhiều thế hệ ngư dân Sifnos đã sinh sống và làm việc. Ở đó, du khách có thể thưởng thức trực tiếp món cá chiên được rưới nước cốt chanh. Cá thường được đánh bắt vào buổi sáng sớm.

Route of the Mines dài 6,5 km bắt đầu gần làng Artemonas men theo con đường bên sườn đồi được bao bọc bởi bức tường đá khô dẫn đến Agios Sostis. Tại đây, nhà thờ trắng tinh nằm trên một trong những mỏ vàng và bạc lâu đời nhất trên thế giới, hoạt động từ Thời đại đồ đồng đến thế kỷ 20.

Tulsi Parikh giải thích: “Chúng tôi được biết người dân đã đi bộ xuống đó trong hàng thiên niên kỷ bởi vì cách duy nhất để đến đó là đi bộ. Vì vậy, bạn đang đi theo bước chân của những người thợ mỏ”.

Cây bách xù ở Sifnos.

Cây bách xù ở Sifnos.

Du lịch xanh bền vững

Những con đường mòn đó không chỉ tôn vinh lịch sử của Sifnos. Từ năm 1997, một phần đất ở bờ biển phía Tây hòn đảo đã được đưa vào mạng lưới Natura 2000 của Ủy ban châu Âu, nhằm bảo vệ các loài và môi trường sống có giá trị và bị đe dọa nguy cấp nhất của châu Âu. Nhà khảo cổ học Parikh nói: “Đó là một trong những cách tốt nhất để mọi người khám phá hòn đảo và quan tâm đến việc bảo tồn nó”.

Đường mòn Thực vật được tạo ra gần đây băng qua khu bảo tồn bảo vệ mười môi trường sống đang bị đe dọa, bao gồm rừng cây bách xù và hệ sinh thái sông.

Thủ phủ Apollonia kết nối với làng Kamares thông qua mạng lưới Đường mòn Sifnos.

Thủ phủ Apollonia kết nối với làng Kamares thông qua mạng lưới Đường mòn Sifnos.

Các bảng thông tin giới thiệu các loài thực vật và hoa đặc hữu mỏng manh được đặt trên tuyến đường đi, ví dụ như loài hoa Ipomoea lacunosa và đa dạng loài thuộc Silene caroliniana. Và nếu chú ý quan sát, may mắn một chút, du khách có thể thấy được rắn lục Milos, một trong hai loài rắn đang bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng trong vùng.

Mục đích xây dựng những khu bảo tồn là khuyến khích phát triển du lịch trong suốt cả năm, không chỉ những tháng mùa Hè. Fivos Tsaravopoulos, người sáng lập Paths of Greece, cho biết: “Những con đường mòn giới thiệu cho du khách về quá khứ của hòn đảo. Bằng cách giúp du khách nhận thức được vấn đề môi trường, họ cũng giúp chúng tôi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Theo Nationalgeographic.fr

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.