Đường làm giàu trải đầy hoa hồng của tỉ phú trẻ nhất thế giới

GD&TĐ - Cộng đồng khởi nghiệp ở thung lũng Silicon không thiếu những câu chuyện tay trắng làm nên sự nghiệp, vươn thành tỷ phú từ gia cảnh nghèo khó. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại những câu chuyện làm giàu trải đầy hoa hồng khiến nhiều người ghen tị. Nổi trội nhất trong số đó phải kể đến Evan Spigel - đồng sáng lập, CEO Snap.inc.  

Đường làm giàu trải đầy hoa hồng của tỉ phú trẻ nhất thế giới

Không chỉ sinh ra trong gia đình giàu có, “ngậm thìa vàng” từ trong trứng nước, Evan còn được biết đến là rich kid học giỏi, có “máu liều” và tự gây dựng sự nghiệp thành công rực rỡ, đưa tên mình vào danh sách những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới từ khi mới 24 tuổi.

"Liều" và "điên"

Giống như Facebook , ý tưởng về Snapchat được Spiegel nảy ra khi đang bàn về những cô nàng nóng bỏng với các "anh em" gồm Frank Reginald Brown và Bobby Murphy trong ký túc xá trường Stanford. Ý tưởngkỳ dị về một ứng dụng nhắn tin... tự động xóa tin nhắn sau khi người đọc đã xem là điều không ai nghĩ tới lúc bấy giờ, thậm chí bị coi là "điên". Suy nghĩ của nhóm Spiegel là người ta chẳng nên cố gắng xây dựng một "bức tường thông tin" của họ trên mạng xã hội làm gì, họ chỉ nên chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, những cảm xúc tại thời điểm nói chuyện với nhau. (Frank Brown sau này đã được trả hơn 100 triệu USD sau khi kiện về việc anh này có liên quan tới việc khai sinh ra Snapchat).

Có ý tưởng trong tay, Spigel khi đó chỉ còn phải hoàn thiện vài môn học nữa là tốt nghiệp Stanford đã quyết định bỏ học để thành lập công ty cùng Murphy. 2 năm sau khi Snapchat xuất hiện và rất được ưa chuộng, ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg thật sự lo ngại và phải gửi lời mời gặp gỡ với 2 nhà sáng lập. Cuộc gặp diễn ra ở một nơi bí mật và mang bầu không khí căng thẳng. Mark chẳng nói gì nhiều với 2 "gã trai trẻ" ngoài việc giới thiệu cho họ Poke, một ứng dụng mới của Facebook với tính năng gần như y hệt Snapchat. Ngụ ý của Mark khá rõ ràng: "Các bạn nên biết thân phận đi vì chúng tôi sẽ vùi dập Snapchat".

Đáp lại lời tuyên chiến đó, Spiegel lẳng lặng quay về phòng làm việc và đặt 6 cuốn sách The Art of War (Binh Pháp Tôn Tử) cho 6 nhân viên lúc đó của Snapchat, mỗi người một cuốn.

Ngay khi Poke được trình làng vào cuối năm 2012, Mark gửi tiếp một lời mời sử dụng Poke cho Spiegel và hy vọng anh sẽ thích ứng dụng mới này. Gần như ngay lập tức, Spiegel và Murphy đã... khóa tài khoản Facebook của họ. Điều đáng nói là chỉ trong 3 ngày, từ một ứng dụng cực kì "hot" ở thời điểm ra mắt thì Poke nhanh chóng lụi tàn và bị chính Snapchat đá bay khỏi vị trí top 1 trên App Store. Và đó là lúc Spiegel và Murphy mỉm cười.

Đỉnh điểm của sự căng thẳng, năm 2013, Mark Zuckerberg đã tuyên bố muốn mua lại ứng dụng này với giá 3 tỷ USD - mức giá được cho là "điên rồ" với 1 ứng dụng 2 năm tuổi. Thế nhưng còn "điên" hơn cả quyết định của Mark, Spiegel cùng Murphy đã đáp trả đơn giản: "Không". Và đến thời điểm hiện tại, họ đã chứng minh quyết định đó của mình là đúng. Dù nhiều tin xấu đang bủa vây khiến cổ phiếu sụt giảm đáng kể từ sau thương vụ IPO nhưng không ai có thể phủ nhận những gì Evan đã nỗ lực xây dựng được. Với mức định giá gần 18 tỷ USD hiện tại của Snap cùng lượng cổ phiếu nắm giữ, khối tài sản của Evan vào khoảng 4 tỷ USD, trở thành tỷ phú dưới 30 tuổi giàu có bậc nhất thế giới.

Nói về Evan, cựu chủ tịch Google Schmidt từng dành những lời có cánh như thế này: "Evan có cách cư xử tuyệt vời, điều mà cậu ấy nói là được thừa hưởng từ mẹ. Rồi cậu ta cũng học hỏi được rất nhiều trong lĩnh vực pháp lý từ người cha luật sư của mình. Chính điều đó khiến Evan có quan điểm về kinh doanh và cấu trúc như một người đàn ông rất trẻ".

Một chuyên gia từng gọi tất cả những thứ mà Evan có kể trên là "lợi thế không công bằng". Giống như từ "không công bằng" mà Evan nhắc đến khi được hỏi về cuộc sống "ngậm thìa vàng" từ trong trứng của mình. Tuy nhiên, từ "không công bằng" đó không phải theo nghĩa tiêu cực. "Tất cả chúng ta đều có những lợi thế không công bằng, chúng ta chỉ cần xác định và tận dụng chúng miễn là đúng đạo đức". Bản thân Evan đã chứng tỏ anh ấy thực sự tự làm mới nhận thức và trung thực về các đặc quyền của mình, đó là điều rất đáng được khen ngợi.

Cận cảnh cuộc sống “ngậm thìa vàng”

Evan Spiegel (sinh năm 1990) lớn lên tại Pacific Palisades, một mảnh đất giàu sang thuộc Los Angeles, nằm phía đông Malibu và cha mẹ của anh đều là luật sư nổi tiếng tốt nghiệp trường Ivy League. Ngay từ nhỏ anh đã được hưởng một cuộc sống thoải mái, xa hoa với những chiếc xe hơi đắt tiền, các kỳ nghỉ dài ngày cùng khoản tiền tiêu vặt khổng lồ hàng tháng.

Năm Spiegel 16 tuổi và thi đỗ bằng lái xe, anh được tặng một chiếc Cadillac Escalade và thường đỗ nó tại cổng Southern California Edison, nơi nằm cạnh trường học. Spiegel đã dành những năm đầu theo học tại ngôi trường độc đáo mang tên Crossroads ở Santa Monica với chi phí lên đến hàng ngàn đô mỗi năm. Nơi đây còn là "cái nôi" của nhiều gương mặt đáng chú ý khác như Sean Rad, Kate Hudson, Jonah Hill, Jack Black hay Gwyneth Paltrow.

Được biết, gia đình Spiegel ngày trước có gia nhập một số câu lạc bộ như câu lạc bộ Jonathan Club ở Santa Monica, La Jolla Beach hoặc câu lạc bộ Tennis. Ngoài ra, họ thường thuê một quản gia rồi đến châu Âu nghỉ dưỡng, thậm chí còn từng đi trượt tuyết bằng trực thăng ở Canada.

Sau khi tốt nghiệp từ Crossroads, Spiegel theo học tại Stanford - trường cũ của cha anh – với chuyên ngành thiết kế sản phẩm. Tại đây, Spigel dính vào không ít tai tiếng về thói hư tật xấu bao gồm cả tình dục, kỳ thị hôn nhân đồng tính và trọng nam khinh nữ. Những bằng chứng quá rõ ràng tới mức sau này Spigel phải gửi thư xin lỗi công khai.

"Tôi là một người đàn ông trẻ tuổi, da trắng và được giáo dục tốt. Tôi thừa nhận mình rất rất rất may mắn. Cuộc sống này vốn dĩ không công bằng mà" - Spiegel đã từng nói khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình mình tại hội nghị kinh doanh của Stanford như vậy.n

Theo CafeF

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ