Những năm trở lại đây, khi nền giải trí phát triển, giới trẻ Việt được tiếp cận với âm nhạc, phim ảnh thế giới. Cùng với đó, xuất hiện nhiều ca sĩ, diễn viên với ngoại hình long lanh, tài năng khiến nhiều người hâm mộ.
Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu không có một bộ phận giới trẻ thể hiện sự hâm mộ thái quá đến mức phát cuồng. Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn khi làn sóng âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với rất nhiều mỹ nam, mỹ nữ.
Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh các fan nam của nhóm nhạc T-ara ôm nhau khóc nức nở vì được chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt tại Kpop Festival 2012. Hình ảnh này đã được lan truyền trên khắp mạng xã hội và trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận.
Cực đoan hơn nữa phải kể đến vụ việc một fan của nhóm nhạc Super Junior viết trên blog cá nhân dọa giết bố mẹ vì không cho tiền đi mua vé xem show của thần tượng.
Mới đây, một vụ việc đau lòng xảy ra tại Trung Quốc khiến nhiều người giật mình về sự cuồng thần tượng của giới trẻ. Một cô bé 13 tuổi đã bị bố đâm chết vì quá đam mê nhóm EXO mà quên ăn quên ngủ, nhà nghèo nhưng luôn đòi tiền mua vé xem thần tượng biểu diễn và còn cho rằng “bố mẹ không tốt bằng thần tượng”.
Những ngày qua, fan Việt đều nóng lòng chờ đợi sự kiện HEC Kpop Festival diễn ra tại TP.HCM. Câu chuyện cuồng thần tượng một lần nữa lại được bàn luận sôi nổi. Nhiều bạn trẻ thuộc các thế hệ 8X, 9X, 10X có cách nghĩ và bày tỏ tình cảm với thần tượng giống và khác nhau.
Thế hệ 8X
Thế hệ 8X được xem là thế hệ giao thoa. Dù sinh ra trong thời điểm văn hóa thế giới chưa du nhập mạnh vào Việt Nam nhưng khi lớn lên, họ lại được tiếp nhận được nhiều luồng khác nhau. Thần tượng trong mắt 8X không hẳn là những ngôi sao mà là những người gần gũi trong cuộc sống.
“Hồi còn đi học, thần tượng của mình là thầy giáo dạy Toán. Thầy dạy rất giỏi và tâm lý. Lúc nào mình cũng chỉ mong đến tiết của thầy để được nghe thầy giảng. Có lẽ vì thế mà mình học khá tốt môn Toán”, Phạm Tân, sinh năm 1986 chia sẻ.
Còn đối với Việt Hà (sinh năm 1988) thì: “Hồi cấp 3 mình cũng mê phim Hàn. Có bộ phim Hàn nào chiếu trên ti vi mình cũng phải tìm cách xem bằng được, dù lúc đó bố cấm.
Thấy tờ báo nào có các ngôi sao Hàn Quốc như Bae Yong-joon, Song Hye Kyo, Chae Rim... là mình năn nỉ xin xỏ để về dán ở góc học tập. Dù vậy, với mình mọi việc chỉ dừng lại ở đó”.
“Bây giờ mình đã đi làm và phải lo toan cuộc sống, cơm áo gạo tiền nên không còn hâm mộ hay thần tượng ai như nhiều bạn trẻ. Tất nhiên, mình vẫn thích một vài ca sĩ trong nước nhưng chỉ có thể ủng hộ họ bằng cách xem MV trên Youtube hay chia sẻ link lên Facebook”, Độ Trần, sinh năm 1988, hiện sinh sống tại Yên Bái, cho hay.
Thế hệ 9X
Là một 9X đời đầu, Nguyễn Hữu Tiệp, sinh viên đại học Mỏ địa chất cho biết: “Mình khá hâm mộ Will.i.am - một rapper da màu khá nổi tiếng của làng âm nhạc US-UK.
Mình có thể ngồi xem các MV, sản phẩm của anh ấy cả ngày. Mình ăn mặc theo phong cách hay sáng tác nhạc trên beat nhạc của anh ấy. Những điều đó, đơn giản chỉ là để thỏa mãn đam mê và sự hâm mộ của mình với thần tượng và không ảnh hưởng đến ai”.
Quỳnh Hương (sinh năm 1992, Long Biên, Hà Nội) là một fan khá trung thành của nhóm nhạc DBSK. Dù vậy, với cô việc hâm mộ này không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống cá nhân. “Thần tượng có thể giúp cuộc sống của mình tốt lên nhưng cũng chỉ về mặt tinh thần và một phần rất nhỏ. Họ ảnh hưởng đến mình.
Nhưng mình chỉ là một trong số hàng vạn người mến mộ họ thôi nên d làm gì quá họ cũng không để ý, tốt nhất là cứ cư xử bình thường”, Hương nói.
Về cách bày tỏ tình cảm với thần tượng của mình, Hương chia sẻ: ”Mình thần tượng nhóm DBSK nhưng thật ra cũng không theo dõi họ quá thường xuyên.
Khi họ có một sản phẩm mới về âm nhạc hay phim ảnh... thì mình vẫn ủng hộ nhiệt tình bằng cách xem và giới thiệu với bạn bè. Mình quan niệm, hãy làm những gì có ích, không thể chỉ ngồi nghĩ đến thần tượng và làm khó bố mẹ bằng cách ép bố mẹ cho tiền mua vé đi xem hay mua quà tặng. Điều đó thật là có lỗi với mồ hôi nước mắt của bậc sinh thành”.
Thế hệ 10X
Anh Quân sinh năm 2000, hiện học lớp 8 tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, bảy tỏ: “Mình thấy hâm mộ thần tượng cũng không có gì quá đáng. Mỗi người một sở thích khác nhau và có quyền theo đuổi, miễn là không làm ảnh hưởng đến người khác.
Mình cũng có thích một vài ca sĩ trong nước nhưng bảo hâm mộ hay cuồng thì không phải, chỉ đơn giản là có cảm tình, yêu mến hơn người khác. Đối với những người này thì mình sẽ bày tỏ tình cảm bằng cách như mua đĩa, ảnh về dán trong nhà, có chương trình biểu diễn thì đi xem…”.
Ngọc Quỳnh sinh năm 2002, là một fan của SNSD chính hiệu. Cô khá thích thú khi đề cập đến vấn đề này: ”Mình nghĩ việc hâm mộ thần tượng không có gì là xấu, thậm chí còn là một hiện tượng tốt nếu ở mức độ hợp lý.
Bản thân mình thích SNSD và giành khá nhiều thời gian để xem MV. Mình cũng như bỏ kha khá tiền ra mua tranh ảnh của S9. Mình thấy thế là bình thường. Mình vẫn học tốt và duy trì tốt các mối quan hệ với bạn bè, người thân. Và mình nghĩ điều đó hoàn toàn chấp nhận được”.
Có thể nói, dù độ tuổi khác nhau nhưng nhìn chung, nhiều bạn trẻ 8X, 9X hay 10X đều cho rằng hâm mộ thần tượng không có gì là xấu. Tất nhiên, việc hâm mộ này dừng lại ở những hành động chấp nhận được.
Khó có thể xác định thế hệ nào cuồng thần tượng hơn bởi mỗi người có cách thể hiện khác nhau. Thế hệ 8X thể hiện sự mến mộ một cách hiền lành, thiết thực, trong khi đó, thế hệ 9X, 10X thể hiện một cách sôi động, cá tính và có bước đột phá.