“Đừng lãng quên người già” gây xúc động trong lễ chào cờ

GD&TĐ - Tiết chào cờ sáng nay, ngày 1/10 tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã lồng ghép chương trình ngoại khóa với chủ đề về người cao tuổi, gây xúc động cho toàn thể các bạn học sinh và thầy cô giáo.

Vở kịch về câu chuyện bà cháu gây xúc động cho các bạn học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Trường Tộ
Vở kịch về câu chuyện bà cháu gây xúc động cho các bạn học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Trường Tộ

Thực hiện một chương trình về người cao tuổi là ý tưởng của cô trò lớp 12 C1, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Thời gian không nhiều, chỉ vỏn vẹn 3 ngày từ thứ 6 tuần trước, nhưng các bạn trong lớp rất khẩn trương, tích cực chuẩn bị:Từ việc đi hỏi khắp trong làng mượn quần áo của các cụ già làm đạo cụ, tập kịch để biểu diễn trong lễ chào cờ ngày 1/10 – cũng là ngày quốc tế người cao tuổi.

Chương trình nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10
 Chương trình nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10

Chương trình gồm 3 phần. Đầu tiên là vở kịch về câu chuyện bà và cháu. Bà rất yêu thương cháu, hay nhắc nhở, chỉnh sửa cháu từng ly từng tí một trong cuộc sống như: Không được đi dép loẹt quẹt, để đồ đạc bừa bộn, nói chuyện điện thoại thiếu tế nhị. Bà cũng không cho cháu ngủ nướng, bắt cháu phải dậy sớm dọn dẹp, nấu sáng cho dù đó là ngày chủ nhật.

Dù vậy bà rất yêu thương cháu, vẫn thường chăm sóc, mua đồ ăn, vẫn tự hỏi mình có khắt khe với cháu hay không.

Đứa cháu ngoan ngoãn, vâng lời nhưng dần dần tỏ ra khó chịu với sự phiền phức của bà. Cháu nghĩ ra 1 cách là giấu gậy của bà để bà không vào được phòng mình nữa. Nhưng không may bà bị ngã gãy chân phải vào bệnh viện.

Những ngày ở nhà, cháu mới nhận ra sự trống trải, vắng lặng, thấy nhớ bà, nhớ cả mọi lời cằn nhằn của bà và nhận ra bà yêu thương mình đén nhường nào. Cuối cùng, cô bé thú nhận mọi chuyện với mẹ, xin được vào bệnh viện, ôm bà và nói lời xin lỗi.

Vở kịch tự biên tự diễn của các bạn lớp 12C1 đã khiến toàn trường xúc động, nhận ra những giá trị tình cảm gia đình đáng trân trọng.

Sau phần diễn kịch, các bạn đã có lời dẫn về vai trò và ý nghĩa của người cao tuổi trong gia đình mình, nhắc nhở các bạn trân trọng, yêu thương, chăm sóc người già.

Phần trình diễn thời trang các cụ già Việt Nam qua thời gian
 Phần trình diễn thời trang các cụ già Việt Nam qua thời gian

Phần cuối là màn trình diễn tái hiện thời trang của các cụ cao tuổi từ xưa đến nay. Từ những bộ áo tứ thân, váy đụp, đeo khăn mỏ quạ đến các trang phục hiện nay. Qua đó tạo sự vui nhộn, hào hứng cho ngày đầu tuần.

Dàn người mẫu không chuyên nên vẫn có nhiều ngại ngùng trong biểu diễn
 Dàn người mẫu không chuyên nên vẫn có nhiều ngại ngùng trong biểu diễn

Cô Phan Thị Hồng – Giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 chia sẻ: Sự lãng quên người già trong cuộc sống hôm nay là có thật. Do sự khác biệt về khoảng cách thế hệ, khiến nhiều con cháu không hiểu ông bà, không quan tâm đến những tâm tư, tình cảm của người già. Dần dần, người trở nên lạc lõng, cô đơn trong chính ngôi nhà có đầy đủ con cháu.

Các em học sinh rất nhiệt tình tham gia chuẩn bị, biểu diễn dù chủ đề này không hề dễ, thậm chí một số em bây giờ mới biết đến ngày người cao tuổi. Nhưng khi được sự hưởng ứng của toàn trường, thì cô trò rất vui, và chương trình cũng đã góp phần nào đó trong giáo dục văn hóa, đạo lý gia đình truyền thống người Việt.

Phần trình diễn trang phục của một cụ ông
 Phần trình diễn trang phục của một cụ ông

Được biết, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ thời gian qua đã thực hiện lồng ghép các hoạt động ngoại khóa vào tiết chào cờ đầu tuần. Theo đó, lần lượt mỗi chi đoàn sẽ được giao chuẩn bị một chương trình để trình diễn.

Dàn diễn viên của lớp 12C1 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ
 Dàn diễn viên của lớp 12C1 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Đình Hoàng cho biết: Các em có thể chủ động lên ý tưởng, kịch bản nội dung sau đó nhà trường sẽ thẩm định và hỗ trợ, góp ý thêm để chương trình đó độ sâu sắc. Qua đó, góp phần giáo dục kỹ năng mềm, tăng sự chủ động, tự tin cho học sinh trong thể hiện sự sáng tạo của mình.

Trước đó, trong các tiết chào cờ khác đã có những hoạt động như: biểu diễn thời trang bảo vệ môi trường, nhảy hiện đại, giới thiệu sách… Tuy nhiên, do thời lượng không nhiều, nên một số chương trình dài hơi, chuẩn bị cho lễ lớn thì nhà trường sẽ tách riêng ra, dành 1 buổi, hoặc 1 ngày để tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?