Theo Tổ chức Y tế thế giới, chênh lệch giữa tuổi thọ và tuổi thọ khỏe mạnh ở Việt Nam, tức là số năm trung bình sống có bệnh tật tương đối cao so với các nước trên thế giới.
Việt Nam chỉ mất 18 năm để chuyển từ giai đoạn “già hóa” sang “dân số già”, nhanh hơn rất nhiều so với Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm... và phải đối mặt với nguy cơ “Già trước khi giàu”. Đặc biệt, tình trạng nữ hóa ở người cao tuổi, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống với vợ/chồng ngày càng gia tăng. Theo thống kê vào năm 2015, có khoảng 2/3 số người cao tuổi sống tại nông thôn.
Từ thực trạng này, nhu cầu về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Theo ước tính, năm 2019 có khoảng 4 triệu người cao tuổi và năm 2049 là 10 triệu người cao tuổi cần chăm sóc dài hạn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, nhiều bệnh nặng đang ngày càng phổ biến như: Ung thư, căng thẳng, bệnh hệ thần kinh... Những xu hướng này khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao.
“Không những vậy, người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác. Để giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội của thời kỳ già hóa dân số hiện nay, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, an sinh xã hội. Cùng đó là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi...” - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, tăng cường công tác y tế cơ sở cho chăm sóc ban đầu, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo hướng tiếp cận chăm sóc toàn diện, liên tục để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025.
Hiện nay, 27 tỉnh thành trên cả nước đã triển khai mô hình chăm sóc dài hạn là CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN). Mỗi CLB có từ 5 - 10 tình nguyện viên (TNV) chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi ốm yếu, có bệnh mạn tính, sống một mình, thiếu người chăm sóc và khó khăn về kinh tế. Cứ mỗi tuần một lần, các TNV sẽ đến nhà để trò chuyện, hỗ trợ làm việc nhà, vệ sinh cá nhân cho các đối tượng cần chăm sóc. Theo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, đến năm 2020 sẽ ít nhất 50% xã có CLB LTHTGN. Theo Kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm nhân rộng mô hình này. Hiện, đang thí điểm bổ sung vào CLB LTHTGN 1 nhân viên hỗ trợ (bác sĩ, y tá nghỉ hưu hoặc đang làm công việc chăm sóc sức khỏe ở thôn, xã) chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi, hỗ trợ viên này được trả công từ 2 - 3 trăm ngàn/tháng.