Nhu cầu khám chữa bệnh tăng
Bà Nguyễn Thị Định (70 tuổi, ở Nam Thăng Long, Hà Nội) mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh… điều trị ngoại trú ở Bệnh viện E. Hầu như tháng nào, bà Định cũng phải vào viện 2 - 3 lần để khám, điều trị các loại bệnh mãn tính trên và phải làm các xét nghiệm cần thiết và lấy thuốc…
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện ngày một tăng. Bệnh tật ở người cao tuổi mắc phải thuộc nhóm các bệnh không lây nhiễm và mạn tính đang ngày càng phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp… Người già lại thường mắc nhiều loại bệnh cùng lúc và nhiều bệnh nặng như ung thư, tim mạch, thần kinh... Vì thế, điều trị bệnh cho người cao tuổi khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao.
Theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam, chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp từ 8 - 10 lần so với người trẻ. Người cao tuổi đến khám và điều trị sử dụng tới hơn 50% chi phí điều trị mỗi năm của nhiều cơ sở y tế. Thực trạng đó cho thấy, việc bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và người cao tuổi hiện nay.
Chăm sóc từ địa phương
Từ thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, nhu cầu về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Theo ước tính, năm 2019 có khoảng 4 triệu người cao tuổi và năm 2049 là 10 triệu người cần chăm sóc dài hạn. Người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn người trẻ. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thứ trưởng Tuấn chia sẻ, hiện mô hình bệnh tật thay đổi và số lượng người cao tuổi tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, tăng cường công tác y tế cơ sở cho chăm sóc ban đầu, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo hướng tiếp cận chăm sóc toàn diện, liên tục để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025.
Theo Đề án này, 27 tỉnh thành trên cả nước đã triển khai mô hình chăm sóc dài hạn là câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Mỗi câu lạc bộ có từ 5 - 10 tình nguyện viên chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi ốm yếu, có bệnh mạn tính, sống một mình, thiếu người chăm sóc và khó khăn về kinh tế.
Hiện nay, đã có một số tỉnh thành thí điểm bổ sung vào nhóm này, một nhân viên y tế hỗ trợ (có thể là bác sĩ, y tá nghỉ hưu hoặc nhân viên được đào tạo về y tế). Cứ mỗi tuần một lần, các tình nguyện viên của nhóm sẽ đến nhà để trò chuyện, hỗ trợ làm việc nhà, vệ sinh cá nhân cho người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe. Nếu mô hình này thành công và được nhân rộng thì người cao tuổi Việt Nam sẽ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế.
Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025” đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng, trong đó nâng cao năng lực cho trạm y tế xã/phường/thị trấn, trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các Khoa Lão của BV Đa khoa tuyến tỉnh và BV Lão khoa Trung ương.
Bên cạnh việc xây dựng bệnh viện phù hợp và triển khai mô hình bác sĩ gia đình cho người cao tuổi. Đề án cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng triển khai thí điểm xã hội hóa mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày và chăm sóc y tế cho người cao tuổi ở các cơ sở dưỡng lão.