Con cháu là điểm tựa của ông bà, cha mẹ

GD&TĐ - Trong cuộc sống, ai cũng cần có điểm tựa tinh thần. Với những người cao tuổi, nhu cầu đó càng cần hơn, bức thiết hơn.

Con cháu là điểm tựa của ông bà, cha mẹ

Người già sẽ dần dần thấy xuất hiện nhiều khó khăn, bất tiện trong việc đi lại, không thể tìm đến những bạn bè tâm đầu ý hợp hay tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí khác. Từ đó thường họ có cảm giác cô đơn, bị con cái hờ hững, hay bỏ rơi ngay chính trong ngôi nhà của mình.

Người bước vào tuổi xế chiều, không còn làm gì được, lại luôn đau ốm, mất ngủ, tinh thần suy sụp, họ luôn mang tâm trạng tự ti, bất an, thấy mình vô tích sự, là gánh nặng của gia đình, con cháu nên họ phiền muộn, ưu tư, tâm lý nặng nề.

Người già thường có cảm giác cô đơn, bị con cái hờ hững, hay bỏ rơi ngay chính trong ngôi nhà của mình

Thêm nữa, người già buộc có nhiều thay đổi tự nhiên sinh học theo lứa tuổi. Thay đổi tập quán, thói quen hằng ngày, khiến họ hụt hẫng, chơi vơi mặt dù hằng ngày chỉ có nghỉ ngơi, an nhàn.

Về thể trạng ít nhiều đều có những căn bệnh của tuổi già như cao huyết áp, ăn không tiêu, mất ngủ làm cho chất lượng cuộc sống kém đi khiến họ đâm ra bực bội, cáu gắt với con cháu.

Các thành viên trong gia đình có người già thường căng thẳng vì sự trái tính trái nết của các cụ. Chịu đựng lâu ngày, có khi con cháu không giữ được bình tỉnh, phản ứng lại khiến cho mái ấm gia đình nhạt nhẽo, trầm uất, không vui. 

Xung đột, bất đồng về quan điểm, sinh hoạt, thói quen... giữa hai, ba thế hệ trong gia đình cũng là điều thường hay xảy ra với các gia đình nhiều thế hệ sống chung. Thói thường, người già cần đi ngủ sớm. Trong khi thời gian đó, con cháu trong nhà có những sinh hoạt như xem tivi, chơi game, tụ tập bạn bè... Sự ồn ào đối với người già nhiều ngày như là sự hành hạ, tra tấn. Cho nên không tránh khỏi gây phiền cho ông bà khi tuổi đã cao.

Người già rất cần có con cháu bên cạnh

Mặt khác, ba bốn giờ sáng thì người già không ngủ được, thức dậy bật đèn sáng choang sinh hoạt, đi lại, gây mất giấc ngủ cho con cháu, cũng là điều phiền phức... Bên cạnh, món ăn, khẩu vị của người già và người trẻ cũng khác nhau. Cho nên, nếu con cháu trong nhà không khéo, hoặc thiếu quan tâm, lưu ý tới những điều tưởng chừng như vụn vặt ấy gây ra bữa ăn luôn dẫn đến mất vui, bất hòa.

Vậy nên muốn dung hòa những điều nêu trên cũng không hề đơn giản. Dù vậy, nếu ta nhận ra điều đó, bằng quyết tâm, bằngtình thương để giữ lửa cho mái ấm thì ắt sẽ làm được.

Thực tế cho thấy không ít cụ già dù có con cháu đề huề, thành đạt, nhà cao cửa rộng  nhưng vẫn muốn sống một mình. Cũng không ít cụ thay đổi tính nết, hay hờn giận con cháu, về già cứ sống lang thang, nay chỗ này mai chỗ khác, khiến cho gia đình phải bất an, khổ sở. Có người lặng lẽ xin vào nhà dưỡng lão như là sự giải thoát cho các thành viên trong gia đình trong khi con cháu không hề muốn. Không phải họ không thương yêu hay quan tâm đến con cháu, chỉ là họ có cảm giác như con cháu không quan tâm, đoái hoài gì tới họ, họ thấy mình như người thừa trong gia đình nên tủi thân, mà hành xử như vậy.

Có con cháu làm điểm tựa là hạnh phúc của người già

Phong tục, văn hóa ứng xử trong gia đình người Việt chúng ta bao đời nay là “trên bảo dưới nghe”, “tôn ti trật tự” đã trở thành nếp. Cho nên, thiết nghĩ con cháu nên biết lắng nghe cha mẹ, ông bà khi tuổi già. Nếu có những điều chưa vừa ý, hoặc khác quan điểm cũng xin nhúng nhường, lựa lời trao đổi nhằm đi đến một mẫu số chung cho vui lòng cha mẹ.

Như đã nói trên, cháu con luôn là điểm tựa của  ông bà, cha mẹ. Vậy nên, dù bận rộn với muôn vàn công việc cũng nên dành thời gian quan tâm, theo dõi sức khỏe, hay tâm tư nguyện vọng của ông bà, cha mẹ.

Thiết nghĩ, đối với người già, con cháu nên là bờ vai đầy ấm áp, trân quí để cho cha mẹ tin cậy, an lòng tựa vào. Chữ hiếu đối với bậc sinh thành, đôi khi chỉ là sự lắng nghe, chia sẻ, hay đáp ứng những nguyện vọng của họ bằng hết khả năng của mình. Có như thế, khi người thân hóa người thiên cổ chúng ta không phải ray rứt, ân hận.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ