(GD&TĐ) - Trong Luật Giáo dục, cũng như Điều lệ trường học ở các cấp học khác nhau, không có quy định giáo viên (GV) phải trực tiếp thu các khoản tiền trường. Trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng và bộ phận tài vụ nhà trường. Riêng các khoản thu do Hội Cha mẹ học sinh (CMHS) tự thu - tự chi, theo Điều lệ Ban đại diện Hội CMHS thì trách nhiệm chính thuộc về Ban đại diện Hội CMHS trường. Ban đại diện sẽ lập bộ phận tài vụ chuyên trách công việc này. Riêng Ban đại diện Chi hội CMHS các lớp chỉ được phép thu tiền, nếu được Ban đại diện Hội CMHS trường uỷ quyền. Tất cả các khoản thu tiền trường trong quy định hay ngoài quy định, phải được Hội nghị CMHS đầu năm học thống nhất, trên cơ sở công khai, dân chủ bàn bạc và tự nguyện đóng góp. Kết quả Hội nghị là Nghị quyết phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi đó mới có giá trị pháp lý thi hành.
Tiếc rằng, ở không ít trường học đã xảy ra tình trạng bội thu tiền trường. Chỉ có một nhóm người (Ban giám hiệu và thường trực Ban đại diện Hội CMHS trường) tự ý “đẻ” ra một số khoản thu ngoài quy định. Sau đó họ công bố (coi như việc đã rồi) và yêu cầu Hội nghị CMHS triển khai thực hiện, hầu như không sắp xếp thời gian để các bậc CMHS thảo luận dân chủ, công khai. Đã vậy, Ban đại diện Hội CMHS hầu hết là những vị có kinh tế gia đình khá giả. Do đó, khi mở hầu bao đóng góp các khoản tiền trường ngoài quy định (lạm thu), những vị Ban đại diện kiểu này, thường mở đầu “sân chơi” : mỗi vị tự nguyện đóng góp ít nhất vài triệu đến cả chục triệu đồng để làm “gương”! Không ít bậc CMHS nghèo và cận nghèo méo mặt là vì thế. Người ta đóng khoản A tới cả triệu đồng/người, không lẽ mình chỉ đóng một trăm ngàn, coi sao được? Mà có tới 5-7 khoản, thậm chí mười mấy khoản thu ngoài quy định, cộng hết lại số tiền lớn lắm.
Để khoẻ cho mình, Ban giám hiệu các trường thường giao trách nhiệm cho các GV chủ nhiệm lớp trực tiếp thu tất cả các khoản tiền trường (kể cả thu tiền dùm các khoản thu thuộc trách nhiệm của Ban đại diện Hội CMHS và khoản thu dùm Bảo hiểm Y tế thuộc trách nhiệm của BHYT). Nhiều chuyện khóc - cười đã từ đây nảy sinh. Có GV thu kịp thời và đầy đủ đã được khen thưởng. Có GV thu không đầy đủ hoặc chậm trễ đã bị phê bình (thậm chí tập thể lớp do GV này làm chủ nhiệm cũng bị phê bình và trừ điểm xếp loại thi đua).
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Không thầy cô nào muốn bị “chỉ tên điểm mặt”, cũng như không GV chủ nhiệm nào muốn lớp của mình bị “coi thường”, do đó không ít GV đã nặng lời chỉ trích một số HS chậm nộp tiền hoặc nộp không đầy đủ. Những HS này thậm chí bị coi là “HS cá biệt” là “con ghẻ”, đã vô tình làm “hại” đến uy tín chủ nhiệm và danh dự của lớp!?
Xưa nay chưa có ai dám quy kết “đói nghèo” là tội lỗi. Một số HS vì lý do nào đó thiếu nợ tiền trường có thể bị coi là “chậm tiến”, tất nhiên các em sẽ rơi vào tự ti, mặc cảm trầm trọng. Có HS sau khi chạy đủ các khoản tiền trường, đã nói thẳng với GV chủ nhiệm: “Em và cô hết nợ nghen, đừng quấy rầy em nữa!”. Lẽ ra ở trường học phải là nơi tốt nhất để xoá bỏ hố sâu ngăn cách giàu - nghèo ; phải là nơi đẹp nhất giúp đỡ những thân phận HS bất hạnh, nghèo khổ sớm vươn lên theo kịp bạn bè. Trường học là nơi thuận lợi nhất để giáo dục về lẽ phải và công bằng trong việc đánh giá xếp loại GV cũng như HS.
Tiếc thay, khi GV buộc phải kiêm nhiệm “nghề thu tiền” đầy tính chất lạnh lùng vô cảm, dù muốn hay không thì hình ảnh của họ đã bị hoen mờ dưới mắt của không ít HS và CM các em. Một số HS đã không ngần ngại gọi GV chủ nhiệm thân yêu của mình là “cỗ máy hốt hụi chết” ; là “máy casino di động” ; là “kẻ gieo rắc nỗi buồn” ; là “người khoét sâu nỗi đau” với HS nghèo...
GV có quyền từ chối “thu giùm tiền trường” được hay không? Ai là người sẽ giúp GV luôn luôn và mãi mãi giữ được hình ảnh “tấm gương sáng” cho HS noi theo? Bên cạnh đó, dư luận cũng đang khá bức xúc đặt câu hỏi: “Hiện tượng lạm thu tiền trường kéo dài đã lâu. Trách nhiệm chính để xảy ra câu chuyện buồn này thuộc về cấp trên các trường học, hay tại hiệu trưởng, hay do trưởng ban đại diện Hội CMHS?”.
Đinh Lê Yên