Đức phớt lờ quan điểm của Ba Lan về Nord Stream 2?

GD&TĐ - Theo tờ Der Spigel, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã không tính đến quan điểm của Ba Lan trong việc đánh giá cấp chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream -2 của Nga.

Đường ống Nord Stream 2.
Đường ống Nord Stream 2.

Cuối tháng 10, Bộ Kinh tế và Năng lượng đã gửi cho Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (cơ quan quản lý ngành năng lượng) một bản phân tích về độ tin cậy của các nguồn cung cấp khí đốt. Theo đó cho rằng việc cấp giấy chứng nhận Nord Stream 2 “không gây nguy hiểm cho an ninh của nguồn cung khí đốt cho Đức và Liên minh châu Âu”.

Theo Der Spiegel, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã phớt lờ lập luận của Văn phòng Điều tiết Năng lượng Ba Lan. Cơ quan này trước đó đã gửi thư cho các nhà chức trách Đức bày tỏ lo ngại rằng tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga có thể “gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia thành viên, các khu vực hoặc thậm chí toàn bộ Liên minh châu Âu”.

Sau đó, tổ chức môi trường Đức Deutsche Umwelthilfe (DUH) kêu gọi tạm dừng việc triển khai đường ống dẫn khí đốt. Giám đốc DUH Sascha Muller-Kraenner nói rằng “chính phủ liên bang đang phớt lờ những lo ngại chính đáng từ các nước láng giềng của chúng ta”. Theo ông, đường ống dẫn khí đốt của Nga đe dọa an ninh năng lượng châu Âu và gây nguy hiểm cho việc tuân thủ các mục tiêu khí hậu.

Đồng thời, Bộ Sinh thái Đức nhấn mạnh rằng Berlin đã tổ chức tham vấn với Ba Lan và các quốc gia khác, bao gồm Áo, Estonia, Latvia, Litva, Hungary, Cộng hòa Séc và điều này “đã được phản ánh trong phân tích”.

Vào ngày 8/9, Cơ quan Mạng Liên bang Đức đã khởi động quy trình chứng nhận đường ống. Cơ quan này cho biết quy trình này mất tối đa 4 tháng. Dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán, dự thảo quyết định sẽ được gửi tới Ủy ban Châu Âu. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết có thể xin phép khởi động đường ống dẫn khí đốt vào năm 2022.

Nord Stream 2 được hoàn thành vào ngày 10/9. Đường ống với công suất 55 tỷ mét khối mỗi năm sẽ được Gazprom sử dụng để vận chuyển khí đốt đến Đức qua các vùng lãnh thổ ngoài khơi của Nga, Đức, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Việc xây dựng đã bị chính quyền Mỹ, Ba Lan và Ukraine phản đối.

Theo UAwire

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ