Chuyển đổi số cho công tác hướng nghiệp
Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, các cơ sở đào tạo nghề cho rằng cần phải tăng tốc hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, việc làm. Đặc biệt, áp dụng chuyển đổi số trong các hoạt động này là phương án hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay và xu thế của thời đại.
Trong đó, cần xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng đánh giá năng lực bản thân, xác định sở thích, đam mê, mục tiêu nghề nghiệp. Từ đó đưa ra các gợi ý thông tin cho việc lựa chọn ngành nghề. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tổng hợp, phân tích các thông tin, xu hướng việc làm trong tương lai.
Về phía nhà trường, chuyên gia cũng khẳng định việc lồng ghép kỹ năng, kiến thức thực tế vào chương trình đào tạo đang gặp một số khó khăn. Điển hình như: Khối lượng các môn học, mô-đun hiện đang lớn nhưng có nhiều kỹ năng hỗ trợ khác mà nhà trường muốn giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Đội ngũ nhà giáo chưa sẵn sàng, cách thức lồng ghép sao cho mềm dẻo tránh cứng nhắc…
Thực tiễn đã chứng minh kết quả của công tác tư vấn hướng nghiệp tỷ lệ thuận với tình trạng thất nghiệp. Điều này có nghĩa, làm tốt công tác hướng nghiệp sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp cho học sinh, sinh viên khi ra trường.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Đỗ Năng Khánh cho rằng, việc xây dựng và ban hành “Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cơ sở GDNN cũng cần chủ động cung cấp các thông tin về thị trường lao động phù hợp. Từ đó giới thiệu việc làm miễn phí phù hợp cho học sinh, sinh viên của mình. Đây là điều mà nhiều trường đã làm được khi cam kết với người học về mức lương, cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Theo bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Tổng cục GDNN), dự thảo này được xây dựng dựa trên tình hình thực tế. Thống kế tính đến tháng 6/2021, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN. Tuy nhiên, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, thông tin dự báo cung cầu về thị trường lao động còn nhiều bất cập. Việc tổ chức tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN chưa được triển khai đồng bộ...
Việc xây dựng thông tư trên nhằm cung cấp thông tin về các ngành, nghề, việc làm và cơ sở GDNN. Điều này giúp người học tự nhận thức về khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân. Đồng thời có kiến thức, hiểu biết để lựa chọn ngành nghề học phù hợp. Ngoài ra, thông tư còn cung cấp một số kỹ năng thiết yếu để hình thành thái độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp. Đó cũng là những thông tin mà doanh nghiệp đang sử dụng lao động đối với các ngành, nghề đang đào tạo, theo học ở nhà trường.
Đáng chú ý, trong dự thảo Thông tư yêu cầu các trường chuyển đổi số trong công tác hướng nghiệp. Trong đó, có nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tổng hợp, phân tích các thông tin, xu hướng ngành, nghề trong tương lai để hỗ trợ việc hướng nghiệp... Đồng thời đưa ra các quy định về công tác tư vấn việc làm, công tác hỗ trợ khởi nghiệp.
Không phải chờ có Thông tư mới làm
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý các dự thảo Thông tư. Trong đó có Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN. Cùng với đó là Thông tư quy định về lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN.
Ông Trần Bá Uẩn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên cho biết, thời gian qua, trường đã có sự liên kết với doanh nghiệp trong định hướng đào tạo nghề. Tuy nhiên hoạt động mới mang tính tự phát, chưa có sự chuẩn chỉnh về nội dung. Do vậy, việc xây dựng Thông tư trên là hoàn toàn phù hợp.
Ông Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 (TPHCM), đánh giá, Thông tư sẽ tạo đột phá trong công tác đào tạo GDNN. Điều này thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN trong thời gian tới theo đúng nhiệm vụ là nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời giúp người học có việc làm sau đào tạo, chọn được nghề phù hợp với năng lực bản thân.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng cần làm rõ hướng nghiệp trong dạy nghề khác với hướng nghiệp phổ thông, cũng như hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo. Đặc biệt, khi có học sinh thì các trường cũng cần “giữ chân”, định hướng học tập cho các em.
Bà Nguyễn Thị Nga, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, làm sao nội dung trong Thông tư trên phải gắn kết được với thế giới việc làm bên ngoài. Có nghĩa là người học phải hình dung thế giới công việc khi tốt nghiệp ra trường.
Bà Nga cũng chia sẻ thêm, từ quá trình tiếp xúc với người học sẽ thấy họ cần thông tin về thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp, việc làm trong tương lai. Họ cũng mong muốn tìm hiểu yêu cầu trình độ với một số công việc, yêu cầu kỹ năng với một số ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, các trường cũng cần cung cấp cho học sinh bối cảnh chung về tiền lương của công việc đó, tránh sự thất vọng ngoài mong đợi cho người học. Để làm được việc này, vai trò của Tổng cục GDNN rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin ban đầu về thị trường việc làm.
Từ những góp ý về dự thảo, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho hay, trên thực tế không phải chờ có Thông tư ban hành thì các trường mới làm. Bởi nhiều trường cũng đã và đang thực hiện các yêu cầu của công tác hướng nghiệp, tìm việc làm và tư vấn khởi nghiệp. Trên cơ sở các góp ý, tổng cục sẽ tiếp tục sửa đổi để nâng cao hiệu quả, tính khả thi trên thực tế.