Khẳng định vai trò quan trọng của tư vấn hướng nghiệp, trong tham luận tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp”, cô Nguyễn Thị Ân và Trịnh Thị Hà (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) cho rằng: vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động giáo dục hướng nghiệp nói chung và tư vấn hướng nghiệp nói riêng chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
Vì vậy, cần có những biện pháp cụ thể, có cơ sở khoa học để nâng cao hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp, từ đó giúp học sinh chọn nghề phù hợp hơn với nhu cầu xã hội, hứng thú, năng lực, tính cách... của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra của các cơ sở đào tạo nghề.
Trong tham luận này, cô Nguyễn Thị Ân và Trịnh Thị Hà chia sẻ 5 giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp như sau:
Làm sớm công tác tư vấn hướng nghiệp
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp nên được thực hiện từ đầu THCS, tức từ lớp 6, không đợi đến lớp 9. Công tác phân luồng sau THCS cần được thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ.
Đảm bảo đội ngũ làm công tác tư vấn hướng nghiệp
Xây dựng đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp để phụ trách hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho học sinh trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Họ phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực sư phạm, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực nghề nghiệp và có tâm huyết trong truyền tải tri thức về nghề đến học sinh.
Để có được đội ngũ như thế, cần xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ở các trường ĐH có chuyên ngành tâm lý giáo dục, đặc biệt là các trường sư phạm.
Ngoài ra, cần phải có chức danh giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp ở các trường THPT. Giáo viên này cũng được hưởng biên chế như tất cả các giáo viên khác ở trường, phụ trách hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề cho học sinh và đóng vai trò cố vấn chuyên môn cho hiệu trưởng, các nhà quản lý trong việc xây dựng các kế hoạch giáo dục liên quan đến hướng nghiệp.
Tổ chức tốt công tác thông tin nghề nghiệp
Tổ chức tốt công tác thông tin nghề nghiệp để giúp học sinh định hướng và lựa chọn nghề. Học sinh cần được trang bị những kiến thức về thị trường lao động, về thế giới nghề nghiệp, về các yêu cầu của nghề đối với người lao động.
Để thực hiện được điều này, các trường cần cải tiến chương trình hoạt động giáo dục hướng nghiệp phù hợp với thực tế của từng trường, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương trên cơ sở nội dung hướng nghiệp đã được ban hành. Ngoài ra, cần lồng ghép hướng nghiệp vào các môn học và các hoạt động ngoại khoá.
Đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hướng nghiệp
Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động hướng nghiệp; hội phụ huynh, doanh nghiệp và các lực lượng xã hội khác cần hỗ trợ kinh phí cho các trường THPT để có thể tổ chức tốt những hoạt động hướng nghiệp.
Các trường cần thành lập phòng tư vấn học đường (trong đó có tư vấn hướng nghiệp) được điều hành bởi ban tư vấn (chủ chốt là giáo viên chuyên trách hướng nghiệp).
Đồng thời, vận động học sinh tham gia sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, các tư liệu có liên quan đến nghề nghiệp để giúp học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng nắm bắt thông tin về nghề, đồng thời làm phong phú nguồn tư liệu cho phòng tư vấn cũng như hoạt động giảng dạy giáo dục hướng nghiệp của giáo viên.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Để tư vấn đạt hiệu quả và có cơ sở khoa học, cần sử dụng các trắc nghiệm hướng nghiệp (như trắc nghiệm về hứng thú nghề nghiệp, tính cách, năng lực trí tuệ).
Qua các trắc nghiệm này, học sinh hiểu bản thân mình hơn, trên cơ sở đó đối chiếu với những yêu cầu của nghề để có thể tự đưa ra sự lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, nhà trường cần mời các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp có uy tín, kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và kết hợp với doanh nghiệp để tư vấn nghề cho học sinh.