Nguyên nhân đầu tiên mà khách du lịch cảm thấy “sợ” khi đến Việt Nam là bị “chặt chém”. Những gánh hàng rong hay quán xá vỉa hè, kể cả nhà hàng sang trọng cũng luôn buộc họ vào nghi ngờ, cảnh giác khiến sức hút của du lịch Việt Nam đang có xu hướng giảm…
Giá dịch vụ quá cao
Theo bình chọn của The Richest - một trang mạng khá ăn khách ở Mỹ, Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách 10 quốc gia thuộc nhóm du lịch giá rẻ năm 2016 (cùng với các quốc gia khác như Ấn Độ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Guatemala). Theo nội dung đăng tải của trang này thì du khách có thể tìm thấy những phòng nghỉ qua đêm ở Việt Nam chỉ khoảng 10 USD, thậm chí nếu du khách không ngại nghỉ đêm tại những căn phòng nghỉ kiểu ký túc xá thì giá còn rẻ hơn.
Ngoài ra chi phí dành cho đồ ăn, thức uống và phương tiện đi lại tại Việt Nam cũng rất phải chăng. Du khách có thể du ngoạn vòng quanh đất nước hình chữ S với chi phí chỉ rẻ như du lịch Lào và Campuchia.
Tuy xếp hạng của một trang tạp chí quốc tế là vậy, nhưng theo số liệu cung cấp từ Công ty Du lịch Vietrantour thì giá dịch vụ mặt đất (ăn, ở, buồng, bàn, vận chuyển…) của Việt Nam cao hơn các quốc gia trong khu vực khá nhiều.
Chẳng hạn, giá cho cùng một đối tượng khách ở dịch vụ 3 sao ở Thái Lan một đêm là 22,5 USD; ở Malaysia là 30 USD/đêm, Trung Quốc 40 USD/đêm, còn Việt Nam là 80 USD/đêm. Nguyên nhân của hiện tượng này, là do sự khác biệt về giá dịch vụ lưu trú, vận chuyển và cả dịch vụ ăn uống giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, giá dịch vụ lưu trú ở Việt Nam cao hơn 20 - 25%, ăn uống cao hơn 30 - 35%. Tương tự, giá dịch vụ vận chuyển ở Việt Nam cũng cao hơn khoảng 12% - 20%, thậm chí có lúc cao điểm mùa hè, mùa xuân tăng gấp đôi.
Cần một chiến lược quảng bá bàn bản
Trên thực tế, giá thành tour cũng chỉ là một yếu tố để khách hàng lựa chọn điểm đến, chứ không phải là tất cả. Bởi vấn đề mà du khách quan tâm nhất vẫn là chất lượng dịch vụ thế nào; điểm đến có hấp dẫn hay không mà thôi. Vì thực tế, sự quảng bá về sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch và các điểm du lịch đến với du khách của Việt Nam hiện vẫn khá khiêm tốn.
Anh Nguyễn Xuân Hưng ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) - người thường xuyên đi du lịch cho rằng, những hình ảnh quảng cáo về các điểm du lịch của Việt Nam là rất ít, đã thế ngay tại các điểm du lịch, các quảng cáo cũng không bắt mắt khiến cho cá nhân chị và các du khách chưa đủ sự tò mò muốn khám phá…
Còn theo chị Nguyễn Thị Thanh Tình – hướng dẫn viên các tour du lịch cho khách nước ngoài của một công ty du lịch có trụ sở đóng tại Hà Nội thì ngay những thước phim giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá cảnh sắc Việt Nam dẫu được đầu tư dàn dựng, song những cảnh quay nghèo nàn dẫn đến kém hấp dẫn du khách.
Nói về vấn đề này không ít các chuyên gia cho rằng, các chương trình khảo sát, quảng bá lưu động du lịch mà Tổng cục Du lịch huy động các DN lữ hành tham gia tại các thị trường để xúc tiến du lịch hầu như chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, thời gian triển khai ngắn… vì vậy hiệu quả quảng bá du lịch không cao, gây ra sự lãng phí.
Theo các chuyên gia, Tổng cục Du lịch hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch nên chăng giao cho một đơn vị xúc tiến chuyên trách, chịu trách nhiệm thực hiện qua sự tham vấn của DN lữ hành để đảm bảo chương trình chọn lọc đúng đối tượng khách mời, cách thể hiện mới, sáng tạo… thì mới có thể hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một số kiến nghị về các chính sách để thu hẹp dần sự chênh lệch về giá dịch vụ mặt đất như cần có chính sách khen thưởng thiết thực cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch (lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống..).
Bởi hiện ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang rất tích cực chi ngân sách hợp tác với các công ty du lịch triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, quảng bá điểm đến tại các quốc gia trong khu vực với chủ đề xúc tiến đa dạng và nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Trong khi đó, Việt Nam lại quá trông chờ và cơ hội quảng bá, xúc tiến du lịch miễn phí mà chưa tập trung xây dựng chiến lược xúc tiến bài bản qua lắng nghe ý kiến của các DN lữ hành để đảm bảo chiến lược sát với thực tế…
Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, có đến 40% du khách quay lại Singapore, 45% khách du lịch đến Thái Lan lần thứ 2. Còn tại Việt Nam, có 90% đến Việt Nam lần đầu tiên, lượng khách quay lại chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, có 39% đến thăm các điểm du lịch lần đầu, 24% đến lần thứ 2 và chỉ có 13% đến lần thứ 3.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách nước ngoài quốc đến Việt Nam năm 2015 ước đạt 7,943 triệu lượt, giảm 0,2% so với năm 2014. Còn tính 6 tháng của năm 2016, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt khoảng 5.000 nghìn lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng, so với cùng kỳ song theo Tổng Cục Du lịch, du lịch Việt Nam còn ở vị trí thấp so với các nước như: Thái Lan, Malaysia và Singapore.