Mối quan hệ qua lại ấy trong chiến lược công nghiệp văn hóa được kỳ vọng mở ra cánh cửa phát triển bền vững.
Du lịch văn hóa hút khách
Thời gian gần đây, thuật ngữ “du lịch văn hóa” và “du lịch bền vững” được song hành nhắc tới trong các cuộc hội thảo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Năm 2024 chính là thời điểm mới để cánh cửa ngành công nghiệp văn hóa mở ra trong sự kết hợp bền vững để khai thác du lịch dựa trên nền tảng di sản.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT&DL), du lịch văn hóa là một trong những hình thức căn bản của du lịch, là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa tạo thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho quốc gia, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam trong thời hội nhập.
Di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Tuy nhiên, di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi được sử dụng, phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một “cơ thể sống động” trong đời sống, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng, bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối.
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của mô hình du lịch văn hóa chính là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Theo báo cáo của ngành văn hóa - du lịch Ninh Bình, tốc độ tăng trưởng du lịch của khu vực này đã thay đổi nhanh vào năm 2015 - nghĩa là chỉ sau vài tháng khi Tràng An được ghi danh.
Lượng khách tăng trưởng trên 39%; doanh thu từ du lịch tăng 50,72%. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2014 - 2019 của Ninh Bình.
Trong 9 tháng năm 2023, tổng số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch ở Ninh Bình ước đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 99,1% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý, mặc dù khi đưa di sản vào khai thác du lịch với lượng khách rất đông nhưng các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của di sản vẫn luôn được tôn trọng, gìn giữ. Đặc biệt, hoạt động du lịch văn hóa ở Quần thể danh thắng Tràng An đem lại sinh kế cho cộng đồng khi 7.000 phụ nữ địa phương (chiếm 90%), tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch và bảo vệ di sản, chủ yếu là hoạt động chèo đò, đảm bảo an ninh, trật tự, dọn vệ sinh môi trường.
Học hỏi chiến lược phát triển du lịch văn hóa từ Ninh Bình, tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực xây dựng di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Lễ hội Tịch điền ra đời cách đây hàng nghìn năm, bắt nguồn từ sự kiện vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi năm 987 để cày ruộng. Sau này nhiều triều đại vẫn duy trì mỹ tục này nhưng vì nhiều lý do mà mỹ tục bị gián đoạn.
Từ năm 2010, lễ hội được cộng đồng trong huyện Duy Tiên phục dựng, duy trì cho đến nay. Và cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng, hàng vạn người từ khắp các nơi kéo về Đọi Sơn trước đàn tế Thần Nông không chỉ để xem “vua cày ruộng”, mà còn để thấy các giá trị cổ xưa bậc nhất Việt Nam.
Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam). |
Đừng đặt kinh tế lên trên hết
Trước xu hướng phát triển du lịch văn hóa kết hợp giá trị di sản, dù có nhiều lợi ích qua lại giữa nguồn thu du lịch và quảng bá văn hóa. Song, giới chuyên gia vẫn không khỏi lo ngại nếu các địa phương không có chiến lược cụ thể, không đặt vấn đề bảo tồn lên trước hết. Bởi vậy, trong các hội thảo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giới chuyên gia đều nhấn mạnh thuật ngữ “phát triển bền vững”.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho hay, hiện nay phát triển bền vững không chỉ là câu cửa miệng, mà còn là mục đích hướng tới của mọi quốc gia. Tuy nhiên, phát triển bền vững như thế nào, hành động như thế nào thì lại thường hay mắc sai lầm.
“Đừng đặt vấn đề khai thác kinh tế du lịch lên trên hết, vượt qua hết mọi quy chuẩn. Khách đến du lịch và chúng ta mong muốn họ trở lại – đó không chỉ là mong muốn mà còn là định hướng du lịch. Chúng ta phải tính đến tính bền vững chứ không phải ăn xổi.
Với quan niệm triết lý du lịch vừa bảo tồn được di sản, vừa thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch thì mọi tiêu chí phải mang tính văn hóa, và chúng ta phải tạo ra văn hóa du lịch”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm.
Ông Huy cũng cho rằng, giới quản lý và những người làm chính sách nên đặt mình vào vị trí khách du lịch. Trong mô hình du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, khách đến một vùng đất xa xôi, vùng dân tộc với mong muốn tìm hiểu cuộc sống thật nhưng thường hay “bị lừa” bởi cách địa phương bày vẽ, trang hoàng cho hoành tráng. Ngay cả việc tái hiện phong tục cũng toàn là “diễn” thì làm sao đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong xây dựng phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa với hơn 40.000 di tích (hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt), 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh...
Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, các địa phương nên có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, bài bản, chuyên nghiệp. Dù là câu chuyện lợi ích qua lại giữa kinh tế du lịch và quảng bá di sản, song dù thế nào cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa, ứng xử giữa con người với di sản”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
Mới đây, tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), Việt Nam tiếp tục được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023”.
Cùng với danh hiệu này, còn có các điểm đến cấp địa phương được trao tặng hạng mục giải thưởng: Hà Nội nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”, đảo Ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”, Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”, Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”, Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023”.