Để di sản sống trong lòng Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có thể nói, tiềm năng về di sản kiến trúc, di sản văn hóa lịch sử của Hà Nội vô cùng phong phú đa dạng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những ngày gần đây, cộng đồng yêu di sản Hà Nội hồ hởi trước tin vui công trình tháp nước Hàng Đậu đã được tu sửa, tôn tạo, trở thành không gian nghệ thuật và sẽ mở cửa cho công chúng tham quan từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12 năm nay.

Kết nối với tháp nước Hàng Đậu là cầu Long Biên và nhà máy xe lửa Gia Lâm, tạo nên một “con đường di sản” hòa vào “Dòng chảy” - chủ đề của Lễ hội thiết kế sáng tạo lần này. Đặc biệt, nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi nhiều lần đứng trước quyết định di dời, trở thành trung tâm của lễ hội.

Theo dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ, người từng đề xuất cải tạo tháp nước Hàng Đậu vào ba năm trước, Hà Nội có một trục di sản từ cầu Long Biên, qua tháp nước Hàng Đậu đến Cửa Bắc và thành cổ Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội, Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, Lăng Bác Hồ và các khu vực quanh hồ Tây với nhiều di tích vô cùng giá trị, ý nghĩa.

Trong khu vực phố cổ, Hà Nội cũng có rất nhiều di tích đã được tu bổ, cải tạo, đưa vào hoạt động, trở thành những không gian nghệ thuật thường xuyên sáng đèn, như Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Nơi đây liên kết với hồ Hoàn Kiếm, các khu “phố Tây” như Tràng Thi, Trần Hưng Đạo, với hàng trăm biệt thự có giá trị về kiến trúc và lịch sử. Phía bên kia là sông Hồng trải rộng.

Có thể nói, tiềm năng về di sản kiến trúc, di sản văn hóa lịch sử của Hà Nội vô cùng phong phú đa dạng. Như hiện nay, những di sản ấy đang tồn tại khá đơn lẻ, đứng trước những thách thức của thời gian, của đời sống kinh tế thị trường xô bồ và áp lực dân số nội đô.

Hệ thống di sản ấy nếu được kết nối, được đưa vào hoạt động sẽ tạo nên một “dòng chảy” vừa đa dạng, vừa thống nhất, trong trầm sâu của văn hóa Thăng Long ngàn năm tuổi.

Tất nhiên, để những di sản được đánh thức, bên cạnh nguồn lực về tài chính thì vai trò của các nhà chuyên môn vô cùng quan trọng. Phục dựng, bảo tồn di sản vốn là lĩnh vực đòi hỏi nhiều tiền của, tâm sức. Phục dựng xong phải có những kế hoạch hoạt động để đưa di sản vào cuộc sống, gắn với các hoạt động của đời sống đương đại, đem lại lợi nhuận từ đó.

Đánh thức các di sản cũng là một phần quan trọng của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hàng năm, từ đây mở ra các cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển về du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thương mại, sản xuất.

Tất cả mới chỉ bắt đầu. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn. Nhưng nếu có một thái độ ứng xử đúng đắn, một chiến lược hành động hợp lý thì di sản sẽ trở thành điểm tựa vững vàng cho chúng ta hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ