Luật hóa nội dung Công ước để bảo vệ di sản văn hóa

GD&TĐ - Việc Việt Nam gia nhập Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản đã tạo hiệu ứng lớn, đánh thức nhiều di sản tưởng như đã ngủ quên.

Quang cảnh Hội thảo 'Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng'.
Quang cảnh Hội thảo 'Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng'.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào luật, góp phần vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa trong suốt 20 năm qua.

Quốc gia phải có trách nhiệm

Những giá trị to lớn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trong 20 năm qua khi Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2003 đã được các nhà khoa học, nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá tại Hội thảo “Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng”.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, năm 2003, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là văn bản đề cập toàn diện các khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tham luận của PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh tính “cộng đồng” đối với di sản văn hóa phi vật thể. Điều này phù hợp với các nội dung và thuật ngữ mà Công ước 2003 sử dụng.

Đồng thời cũng nêu bật những khuyến cáo mà Tiến sĩ Frank Proschan - Cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 từng chỉ ra rằng, việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đang bị nhiều quốc gia hiểu sai. UNESCO không vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể, mà di sản văn hóa phi vật thể thuộc về các cộng đồng, không thuộc về quốc gia, nhân loại và chỉ có cộng đồng có quyền công nhận cái gì là một phần di sản của họ. Nhiệm vụ bảo vệ di sản trước hết là của cộng đồng.

Công ước ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng - cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan - mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.

Di sản văn hóa phi vật thể không thuộc về quốc gia, càng không thuộc về nhân loại. Cộng đồng sáng tạo và thường xuyên thực hành nó là chủ sở hữu duy nhất. Nhiệm vụ bảo vệ di sản trước hết phải là của cộng đồng. Cộng đồng nằm trên quốc gia nào thì gắn trách nhiệm với quốc gia đó.

Năm 2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước, và đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Việt Nam cũng là thành viên tích cực, bước đầu vận dụng Công ước vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng những kỷ lục đông người cùng xòe không có ý nghĩa gì với việc bảo tồn di sản. Ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng những kỷ lục đông người cùng xòe không có ý nghĩa gì với việc bảo tồn di sản. Ảnh minh họa.

Lệch lạc khi “vĩ đại hóa di sản”

Việc Việt Nam gia nhập Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản đã tạo hiệu ứng lớn, đánh thức nhiều di sản tưởng như đã ngủ quên. Chỉ tính riêng Hà Nội, từ năm 2013 bắt đầu đẩy mạnh việc lập danh mục, tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả có 1.793 di sản, trong đó di sản về lễ hội chiếm nhiều nhất (1.200); đến nay Hà Nội có 32 di sản được ghi danh là di sản văn hóa.

Tuy Việt Nam đạt được những kết quả đáng mừng, song giới chuyên môn cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng mong muốn di sản phải xứng tầm, phải hoành tráng khiến ý nghĩa vốn có của di sản bị hủy hoại.

GS.TS Nguyễn Thị Hiền - Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc gia nhập công ước và sau đó nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã tạo động lực để các địa phương thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị.

Tuy nhiên một số di sản như hát xoan, dân ca quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... sau khi được ghi danh đã bị gắn thêm ý tưởng và quan điểm về sự xứng tầm, phải hoành tráng làm lệch lạc và méo mó ý nghĩa ban đầu của di sản.

Một trong những sai lầm không kém phần nguy hiểm làm ảnh hưởng tới di sản chính là nhận thức sai khi cho rằng, sự ghi danh trong các danh sách mang tầm quốc tế và tầm quốc gia. Một số địa phương sử dụng di sản văn hóa phi vật thể như một công cụ để khai thác du lịch, lập kỷ lục… không vì mục đích bảo vệ di sản cộng đồng.

Đơn cử như năm 2019 tại Yên Bái, 5.000 nghệ nhân dân gian và bà con dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn tham gia vào tiết mục múa xòe, và có ý định nộp hồ sơ lên Tổ chức Kỷ lục thế giới xin công nhận “Màn đại xòe lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe góp ý của các nhà chuyên môn, tỉnh này đã quyết định dừng việc đăng ký.

Trước đó, năm 2012 Bắc Ninh cũng đề xuất xác lập kỷ lục “Hội Lim: Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh” với con số được chốt là 3.500 người tham gia.

Sự kiện khiến nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan ngao ngán, bởi việc hơn 3.000 người hát quan họ không đúng với thể thức sinh hoạt quan họ ngày xưa. Quan điểm của các nhà khoa học thì phải bảo tồn càng gần với nguyên gốc là tốt nhất, khuếch trương vĩ đại là không đúng với tính chất nguyên bản của di sản.

Không chỉ tồn tại quan điểm “vĩ đại hóa di sản”, GS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam còn cảnh báo thực trạng không ít những vụ việc lấy danh nghĩa đoàn hội, đoàn thể để vinh danh, thu tiền người thực hành di sản. Những việc làm sai trái này cần phải bị xử lý để bảo vệ sự trong sáng của di sản văn hóa.

“Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009) nêu cao vai trò của cộng đồng. Từ những quy định trong Luật, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022, có 1.881 nghệ nhân được phong tặng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.