Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, tuyến tàu “Hành trình di sản” với hành trình qua các ga Hà Nội - Long Biên - Gia Lâm, đưa công chúng Thủ đô ngược về miền ký ức cùng những ấn tượng khó quên.
Đắm chìm trong không gian di sản
Là người yêu thích văn hóa, lịch sử nên khi nghe tin Hà Nội chuẩn bị có tuyến tàu “Hành trình di sản”, Trần Đức Anh (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) háo hức chờ ngày trải nghiệm.
“Từ tuyến tàu “Hành trình di sản”, tôi đã ngắm nhìn Hà Nội theo một cách rất riêng, độc đáo và mới lạ. Tôi được đi qua nhiều di tích vừa ôn lại ký ức lịch sử, vừa khám phá vẻ đẹp của Hà Nội. Đặc biệt, điểm cuối của hành trình là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, từ một nhà máy cũ kỹ, không có người lui tới, đến nay trở thành công trình mang trong mình những câu chuyện lý thú về một Hà Nội đầy sáng tạo”, Đức Anh chia sẻ.
Còn Nguyễn Thùy Linh (sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) lại trải nghiệm “Hành trình di sản” theo cách khác. “Tuyến tàu “Hành trình di sản” có các toa dành riêng cho triển lãm nghệ thuật, kết nối các điểm di sản hai bên bờ sông Hồng.
Lên với tuyến tàu này, chúng tôi đã được múa, hát, giao lưu cùng nhau và khi kết thúc hành trình. Tôi tin rằng, đây chính là hành trình ngược về ký ức để mỗi người sống chậm hơn, sống có trách nhiệm hơn với di sản”, Linh bày tỏ.
Dưới con mắt của một họa sĩ trong tương lai, Thùy Linh đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm được gắn cố định lên mặt kính các ô cửa sổ toa tàu trong triển lãm mang tên “Chuyển động ngoại biên #2”.
“Triển lãm là cơ hội để khán giả ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật thị giác độc đáo, qua đó được thấy cách các nghệ sĩ truyền tải sự đối thoại của nghệ thuật với chuyển động của đời sống. Còn gì thú vị hơn khi vừa được trải nghiệm trên tàu vừa được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc, mang được nét riêng của văn hóa dân tộc”, Thùy Linh nhấn mạnh.
Là người có triển lãm “Tiếng gọi” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, họa sĩ Thu Trần cảm nhận, tuyến tàu “Hành trình di sản” dường như đồng điệu với thông điệp mà chị chuyển tải qua triển lãm.
“Tại triển lãm, tôi khắc họa đậm nét hình ảnh sân ga, cảnh người đưa đón nhau ở đó – một ký ức đầy lưu luyến trong rất nhiều người được “sống lại” trên tuyến tàu đặc biệt này. Những vị khách trên tuyến tàu đã đến với triển lãm của tôi như đến với một hành trình tiếp nối, dẫn dắt mỗi người hướng về chuyện năm xưa đầy đẹp đẽ, thân thương”, nữ họa sĩ nói.
Du khách chụp cho nhau những tấm ảnh kỷ niệm trên tàu. Ảnh: Đình Trung. |
Mở hướng đi mới
Đây là lần đầu tiên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội tổ chức tuyến tàu đặc biệt này. Suốt thời gian diễn ra lễ hội, mỗi ngày có 4 chuyến tàu “Hành trình di sản”.
Ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin: “Sau lễ hội, Tổng Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, trang trí các ga Hà Nội, ga Long Biên để trở thành điểm tham quan, nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử. Đồng thời, Tổng Công ty sẽ đánh giá mức độ quan tâm của du khách cũng như hiệu quả của tour đường sắt này trong việc thu hút du khách, làm “sống lại” di sản Hà Nội, từ đó sẽ có đề xuất để đưa tour trải nghiệm này hoạt động thường xuyên”.
Vui mừng trước việc Hà Nội có một tuyến tàu “Hành trình di sản”, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc sáng tạo doanh nghiệp xã hội “Nghĩ về sân chơi trong phố” cho biết, là người Hà Nội, ông rất thích được trải nghiệm trên tuyến tàu này.
“Lần đầu tiên ngành đường sắt có một tuyến tàu có lợi ích về du lịch lẫn văn hóa. Người ta nói đường sắt đang bị gán cho những gì thuộc về xưa cũ, với tốc độ chậm, không gian và công nghệ cũ kỹ… nhưng thực sự qua sự kiện này chúng ta đã thấy họ đang nỗ lực để khẳng định mình.
Đây cũng là ví dụ sinh động cho thấy việc khai thác di sản đúng hướng và tuyến “Hành trình di sản” lần này như một thử nghiệm cho thấy, dù chỉ là một đoạn ngắn nhưng nó đã thu hút được rất nhiều người dân tham gia, “đánh thức” tiềm năng phát triển của ngành đường sắt khi gắn với di sản”, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt nhấn mạnh.
Du khách thích thú chụp ảnh khi tàu qua cầu Long Biên. Ảnh: Đình Trung. |
Cũng theo ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, để các tour du lịch bằng tàu hỏa thu hút được nhiều hơn nữa người dân tham gia, các cơ quan chức năng cần đầu tư chất xám với sự sáng tạo gắn liền với văn hóa.
“Việc có đến hơn 200 nghìn lượt người đến với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cho thấy sức hút rất lớn của không gian sáng tạo này. Một trong những điều thú vị “kéo” người dân đến với nhà máy chính là tuyến tàu di sản. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là “sân chơi” cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp trong mảng sáng tạo được hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Rõ ràng, những gì đang diễn ra trong lễ hội cho thấy nó vừa mang lại lợi ích cho người kinh doanh, hoạt động văn hóa và ngành đường sắt. Trên đà phát triển của tuyến tàu này, ngành đường sắt hoàn toàn có thể nghĩ đến những tuyến tàu di sản xa hơn lên Lào Cai, Yên Bái hay xuôi về Vinh, Huế, Đà Nẵng”…
Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, tuyến tàu “Hành trình di sản” đã tạo cho cộng đồng một sân chơi trải nghiệm với mục tiêu biến chương trình hành động về phát triển văn hóa thành hành động cụ thể, mang đến sự phát triển cho thành phố.
Với thông điệp thiết kế sáng tạo – đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao, tuyến tàu di sản cần được nghiên cứu, áp dụng, triển khai trên diện rộng.
“Lâu nay ngành đường sắt đang bị “lép vế” so với các loại phương tiện khác nhưng nó là phương tiện gắn bó với ký ức của biết bao người. Nếu ngành đường sắt biết khai thác tốt thế mạnh này thì tôi tin ngành sẽ lấy lại vị thế, niềm tin trong lòng người dân bởi xã hội ngày càng hiện đại thì con người lại có xu hướng quay trở về với ký ức”, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn góp ý.