Dự án của Việt Nam giành giải Nhất “Sáng tạo kinh doanh xã hội” tại Canada

GD&TĐ - Dự án Nanoneem do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) làm trưởng nhóm, đã giành giải Nhất tại cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021” tại Canada.

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng team dự án Nanoneem.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng team dự án Nanoneem.

Cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021” (Social Business Creation - SBC) vừa khép lại  với vòng Chung kết toàn cầu vô cùng hấp dẫn và gay cấn.

Kết quả chung cuộc, dự án Nanoneem của Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM đã đạt giải Nhất (Giải Scotiabank) với số tiền thưởng 30 nghìn đô la Canada và 4.200 đô la Canada học bổng từ MOSAIC Summer school. Về nhì là đội Argentina với dự án dạy nghề và tìm việc cho người trẻ yếu thế. Thứ ba là đội Mexico với dự án làm sạch hệ sinh thái sông ngòi. 

Vòng Chung kết diễn ra với sự tranh tài của TOP 5 SBC 2020 và TOP 5 SBC 2021. Năm nay cũng là năm đặc biệt khi quy tụ đội thi từ cả năm 2020 và 2021, nên sức cạnh tranh nóng hơn những năm trước. Tổng cộng có 265 đội thi của 80 trường ĐH đến từ 24 quốc gia trên thế giới. 

Nanoneem là dự án nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được ứng dụng công nghệ nano trong việc đưa các thành phần tự nhiên về dạng bền hơn và dễ thẩm thấu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Với nguồn gốc thảo mộc, Nanoneem hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường.

Dự án do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung (Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM) làm trưởng nhóm cùng sinh viên IU và một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tham gia hỗ trợ.

Nói về thông tin đoạt giải Nhất cuộc thi, TS Dương Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc xen lẫn vinh dự và tự hào. Lần này tất cả các đội ở Việt Nam không tham gia trực tiếp được ở Canada do tình hình dịch bệnh mà phải thông qua Zoom, là một điều bất lợi lớn so với các đội từ những quốc gia khác.

Tuy nhiên nhóm đã cố gắng khắc phục và khai thác tối đa ưu thế của việc tham gia trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên một đội từ Việt Nam đạt giải nhất, với sự công nhận từ những chuyên gia trong giới tài chính, đầu tư, khởi nghiệp của thế giới. 

Trải qua 9 tháng với nhiều vòng thi và những thử thách từ các vị giám khảo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, họ đưa ra những câu hỏi rất sắc sảo, đòi hỏi mình phải chuẩn bị và liên tục đổi mới, tiến bộ hơn. Có giám khảo/cố vấn còn kết nối giúp nhóm để thử nghiệm sản phẩm ở Canada, New Zealand, Úc… chứng tỏ nông nghiệp sạch vẫn luôn là vấn đề rất nhiều quốc gia quan tâm. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục và cố gắng hơn nữa”.

Tại buổi trao giải, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM được xướng tên là 5 ứng viên sáng giá cho giải “Global Institutional Prize” của cuộc thi. Theo đại diện IU, đây là niềm vinh dự và sự ghi nhận to lớn mà Ban tổ chức cuộc thi dành cho các cống hiến của IU trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế nhà trường với các trường bạn, đối tác trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM còn có dự án Brain Analytics của nhóm sinh viên Kỹ thuật Y sinh đã xuất sắc góp mặt tại Vòng Bán kết và dự án sẽ tiếp tục đến Canada tham gia vòng cuối của cuộc thi SBC 2022. Đây là dự án nghiên cứu về phần mềm ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh Alzheimer thông qua kết quả ảnh MRI.

Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021 (Social Business Creation) – do Trường Đại học HEC Montréal Canada (HEC) và Giáo sư Muhammad Yunus (đoạt giải Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng, tổ chức và đảm bảo về chuyên môn, phương pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.