Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng 'đắp chiếu', ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) chính thức khởi công tháng 6/2016.

Hình ảnh cống ngăn triều Tân Thuận tại Quận 7, TPHCM.
Hình ảnh cống ngăn triều Tân Thuận tại Quận 7, TPHCM.

Triển khai đã 7 năm, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của TPHCM do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đến nay vẫn chưa thể vận hành.

Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư của Nhà nước nằm phơi nắng trong khi người dân vẫn phải đối mặt vấn nạn ngập úng mỗi khi mùa mưa về.

Dự án “đắp chiếu” vì thiếu vốn

“Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của TPHCM có tất cả 9 hạng mục, trong đó có 6 cống và một công trình đê kè ven sông Sài Gòn dài gần 8 km. Tiến độ hoàn thành các cống như sau: Cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân 90%, cống Mương Chuối 93%, cống Cây Khô 85%, cống Phú Định 88% và công trình đê kè - cầu kinh Bà Bướm (85 - 92%)”.

Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) chính thức khởi công tháng 6/2016. Dự án có giá trị gần 10.000 tỉ đồng của Công ty TNHH Trung Nam (Trung Nam Group) đầu tư đi qua Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40 - 160 mét, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định.

Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8 km, đặt mục tiêu hoàn thành dịp 30/4/2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, dự án đã phải tạm dừng thi công hơn 2 năm nay (từ tháng 8/2020) do khó khăn về vốn.

Sau nhiều lần dừng thi công (lần đầu vào tháng 2/2018) và lỡ hẹn thời gian hoàn thành, dự án sau đó được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng cũng không kịp tiến độ do vướng mắc về giải ngân vốn và mặt bằng sạch, đến tháng 8/2020 thì dự án dừng thi công toàn bộ.

Nhiều buổi làm việc và tháo gỡ khó khăn giữa Tập đoàn Trung Nam và TPHCM đã diễn ra. Sau 2,5 năm, ngày 14/3/2023 vừa qua Tập đoàn Trung Nam đã cho thi công trở lại ở công trường cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TPHCM), cống lớn nhất trong sáu cống ngăn triều thuộc dự án.

Về tiến độ thi công, theo báo cáo của Tập đoàn Trung Nam, tại thời điểm cuối tháng 3/2023, toàn bộ 6 cống của dự án đã hoàn thành hầu hết khối lượng công việc, đạt 93%. Dự án đã xây dựng các hạng mục chính và lắp cửa van, chỉ còn một số hạng mục nhỏ hai bên bờ và đang hoàn thiện nhà điều hành.

Theo Tập đoàn Trung Nam nếu các khó khăn về vốn được tháo gỡ thì khoảng tháng 6/2023 sẽ tái thi công ở tất cả các cống của dự án. Khoảng tháng 2/2024, dự án sẽ hoàn thành và vận hành thử nghiệm và đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho TPHCM.

Chậm bàn giao 5 năm, ai chịu trách nhiệm?

Công nhân thi công tại cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè, TPHCM.

Công nhân thi công tại cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè, TPHCM.

Ngoài hoạt động thi công trở lại tại cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TPHCM), ghi nhận của phóng viên cho thấy tại các cống ngăn triều như Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Cây Khô, Phú Định hiện nay chưa thấy có dấu hiệu khởi động lại của dự án, chỉ có vài nhân sự trông coi công trình.

Thông tin từ UBND TPHCM và Tập đoàn Trung Nam, vướng mắc lớn nhất của dự án là phụ lục hợp đồng BT. Do hợp đồng chưa ký, ngân hàng không thể giải ngân vốn khiến dự án bị đình trệ và dừng thi công từ tháng 8/2020.

Được biết, để tháo gỡ khó khăn này, giữa năm 2020, cơ quan chức năng TPHCM đã lập hẳn tổ công tác để gỡ khó khăn cho dự án. Lúc đó, khó khăn được ghi nhận là do phải gia hạn thủ tục hoàn thành nên ngân hàng yêu cầu phải có phụ lục hợp đồng, trong phụ lục phải có điều khoản về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT trong phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh.

Tới tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 40 nhằm tháo gỡ vướng mắc để thành phố tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Hình ảnh cống ngăn triều Cây Khô, trên sông Cần Giuộc nối huyện Nhà Bè với Bình Chánh, TPHCM.

Hình ảnh cống ngăn triều Cây Khô, trên sông Cần Giuộc nối huyện Nhà Bè với Bình Chánh, TPHCM.

UBND TPHCM được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định. Tuy vậy phải tới gần 2 năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 40, dự án mới thông và bắt đầu thi công trở lại.

“Hiện vướng mắc này đã được giải quyết, phụ lục đã được ký từ tháng 1/2023, công việc còn lại của dự án là chờ Ngân hàng BIDV tái cấp vốn để triển khai thi công trở lại”, đại diện Trung Nam cho biết.

Vướng mắc chính của dự án liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định cụ thể tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TPHCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỉ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại là bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.

TPHCM bỏ ra ngân sách tới gần 10.000 tỉ đồng để thực hiện việc chống ngập cho người dân thành phố, nhưng suốt 5 năm qua, cứ mỗi lần triều cường lên hay mưa to thì người dân tại các điểm ngập lại đối diện với cảnh nước dâng và tát nước khiến họ rất bức xúc.

Chị Thái Thị Lành, nhà tại đường Trần Xuân Soạn, Quận 7 cho rằng quá lãng phí và không thể chấp nhận cho một công trình gần 10.000 tỉ đồng mà tới giờ vẫn cứ nằm im, dù chỉ còn chưa tới 10% khối lượng công việc nữa là có thể vận hành.

“Cả một hệ thống ngăn triều, chống ngập bao quanh thành phố đã lên hình hài, nhưng người dân vẫn phải tát nước sau mỗi mùa mưa, lúc triều cường đạt đỉnh thật chua xót.

Đọc báo, thông tin từ chủ đầu tư mà người dân chúng tôi thấy ngán ngẩm. Chúng tôi đã từng rất hy vọng vào việc sẽ không phải chịu cảnh ngập úng vào đầu năm 2020 nhưng đến nay, mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi”, chị Lành nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.