Đức, Phần Lan và Nhật Bản là những hình mẫu tiên phong khi lựa chọn giáo dục trẻ nhỏ để thay đổi thói quen sống hướng đến bền vững.
Bền vững là kỹ năng sống
Sống xanh, hay còn gọi là sống bền vững, hướng đến sự cân bằng giữa cuộc sống hiện đại và việc bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống và đa dạng sinh học của Trái đất. Theo nền tảng giáo dục châu Âu, giáo dục về sống bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, chuyển đổi mô hình và thúc đẩy lối sống xanh.
Tại Phần Lan, giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) không phải một nội dung phụ trợ, mà là trục xuyên suốt chương trình học từ mầm non đến đại học. Trẻ mầm non đã được làm quen với khái niệm về tái chế, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua các trò chơi, hoạt động ngoại khóa và thực hành trong lớp.
Một ví dụ tiêu biểu là dự án “Palloässät” (tạm dịch: Quả bóng thông minh) giúp trẻ tiếp cận 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) bằng các hình thức sáng tạo như kể chuyện, video tương tác hay các ủy ban khí hậu nhỏ trong lớp học. Lên tiểu học, học sinh tiếp tục tham gia các dự án tái chế, vẽ tranh bằng rác thải, theo dõi mức sử dụng nước trong gia đình, từ đó nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với môi trường ngay trong đời sống thường nhật.
Đặc biệt, giáo dục ngoài trời là một phương pháp phổ biến tại Phần Lan. Trẻ em học giữa thiên nhiên, nơi rừng cây, suối nước và không khí trong lành trở thành lớp học mở. Không gian này giúp các em phát triển thể chất, kết nối cảm xúc với tự nhiên và hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống.
Không dừng lại ở đó, các trường nghề và đại học tại Phần Lan cũng tích cực lồng ghép giáo dục bền vững vào chương trình đào tạo. Nhiều sinh viên được tham gia các dự án thực tế liên quan đến năng lượng tái tạo, tái chế chất thải hay thiết kế đô thị xanh. Những kiến thức trên không chỉ có ý nghĩa giáo dục môi trường, mà còn giúp các em tiếp cận các mô hình làm việc hiện đại.

Từ rừng cây đến nhận thức sinh thái
Đức là nơi khai sinh mô hình “Waldkindergarten”, còn được thế giới biết đến là trường mẫu giáo trong rừng, nơi trẻ em học tập hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Thay vì bảng đen và ghế nhựa, lớp học là những khu rừng. Trẻ học cách dùng cành cây làm bút, lá cây làm trò chơi và đất đá làm vật liệu học tập.
Phương pháp này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, sự tự lập, mà còn khơi gợi lòng yêu thiên nhiên một cách sâu sắc và tự nhiên nhất. Mô hình của Đức được nhân rộng trên thế giới bởi tính thiết thực của nó trong bối cảnh môi trường tự nhiên ngày càng thu hẹp, thay vào đó là các hệ thống thành phố đô thị sầm uất.
Ở các cấp học tiếp theo, Đức chú trọng tích hợp nội dung sống xanh vào các môn học như Toán, Khoa học, Ngôn ngữ. Thông qua chương trình MINT (tương đương STEM), học sinh được tiếp cận các vấn đề môi trường theo góc nhìn khoa học và thực hành.
Các tổ chức giáo dục tại Đức như Deutsche Telekom Stiftung còn tài trợ các chương trình đọc sách, kể chuyện về bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học, giúp nội dung trở nên gần gũi và dễ tiếp thu.
Ngoài ra, Chính phủ Đức đã tài trợ triển khai dự án HOCH-N nhằm xây dựng mạng lưới giáo dục bền vững giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề. Dự án thúc đẩy các cơ sở tích hợp yếu tố môi trường vào giảng dạy, nghiên cứu và quản lý vận hành. Đây là bước đi thể hiện cam kết dài hạn trong việc biến giáo dục thành động lực thay đổi văn hóa tiêu dùng của cả xã hội.

Mỗi học sinh là một tác nhân xanh
Tại Nhật Bản, các “trường học thiên nhiên” (nature schools) phát triển mạnh mẽ từ những năm 1990. Trẻ em được trải nghiệm học tập trong nông trại, rừng rậm và các khu sinh thái.
Tuy nhiên, khác với Đức là học sinh học trong rừng, thì ở Nhật Bản, học sinh “mang thiên nhiên vào trường học”. Các em trồng cây, chăm sóc vườn rau tại trường; từ đó xây dựng mối liên hệ mật thiết với tự nhiên, hiểu rõ giá trị của lao động và môi trường.
Không chỉ dừng ở trải nghiệm, Nhật Bản còn đưa giáo dục sống xanh vào khung chương trình quốc gia. Tại nhiều trường phổ thông, học sinh được thực hiện các dự án môi trường mang tính cộng đồng như chiến dịch giảm nhựa, tiết kiệm điện trong trường học hay tuyên truyền về phân loại rác. Từng cá nhân là một tác nhân giúp thành phố nói chung và các khu phố nói riêng giữ gìn sự trong sạch.
Một dấu ấn lớn trong chương trình giáo dục bền vững của Nhật Bản là việc tài trợ cho UNESCO-Japan Prize on Education for Sustainable Development. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các sáng kiến giáo dục bền vững toàn cầu.
Điều này phản ánh tầm nhìn của Chính phủ Nhật: Coi giáo dục không chỉ là công cụ truyền đạt kiến thức, mà là cách để nuôi dưỡng những công dân có trách nhiệm với tương lai của hành tinh.
Điểm chung của Đức, Phần Lan và Nhật Bản là đều coi trẻ em là trung tâm của sự thay đổi. Những quốc gia này không đợi đến khi các em trưởng thành mới dạy các nguyên tắc xanh. Họ gieo mầm thói quen ngay từ khi trẻ còn đang chơi đùa, khám phá thế giới qua đôi mắt hồn nhiên.
Phần Lan
- Tích hợp giáo dục về sự phát triển bền vững (ESD) vào chương trình phổ thông quốc gia: Năm 2014.
- Trường học thuộc mạng lưới UNESCO ASPlanet (mạng lưới toàn cầu cam kết thúc đẩy các mục tiêu của UNESCO, trong đó có phát triển bền vững): 120 trường.
Đức
- Dự án “HOCH-N” giai đoạn 2016 - 2020 thu hút 125 cơ sở đại học.
- Tích hợp giáo dục về sự phát triển bền vững (ESD) vào chương trình phổ thông quốc gia: Năm 2015.
- Trường học thuộc mạng lưới UNESCO ASPlanet (mạng lưới toàn cầu cam kết thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO): 260 trường.
Nhật Bản
- Tích hợp giáo dục về sự phát triển bền vững (ESD) vào chương trình phổ thông quốc gia: Năm 2016.
- Trường học thuộc mạng lưới UNESCO ASPlanet (mạng lưới toàn cầu cam kết thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO): Khoảng 1,1 nghìn trường, cao nhất thế giới.