Điều này được đông đảo giáo viên mầm non đón nhận và mong chờ sớm thực hiện, bởi tính đặc thù nghề nghiệp nếu kéo dài tuổi hưu sẽ khó đảm bảo hiệu quả công việc.
Vất vả vì đặc thù
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT): Quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 đến 6 tháng tuổi. Với trẻ mầm non, đây là độ tuổi đòi hỏi người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng: Thực tế cho thấy, tuổi làm việc cao sẽ dẫn đến giáo viên mầm non không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Việc quy định tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm là phù hợp. Quyết định sớm việc này không chỉ động viên giáo viên mầm non thêm yêu nghề mà còn thể hiện tính nhân văn đối với loại hình lao động hết sức đặc thù của đội ngũ này.
Qua quá trình gắn bó lâu dài với giáo dục mầm non, bà Nguyễn Vy, Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Yên Bái) cũng chỉ ra: Nghề giáo viên mầm non mang tính chất đặc thù, nếu làm việc đến tuổi 60 sẽ rất khó khăn bởi họ phải: Đứng lớp cả ngày từ 8 - 10 tiếng, thực hiện nhiều hoạt động để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em nhỏ tuổi, đòi hỏi tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường, tổ chức các hoạt động từ nhẹ nhàng đến vận động mạnh (chăm sóc trẻ, vui chơi, múa, ca hát...) do vậy cần sức khỏe, nhanh nhẹn, khéo léo... Giáo viên mầm non ở tuổi 60 không còn phù hợp với việc chăm sóc trẻ em mầm non là một thực tế cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Có thể thấy, giáo viên mầm non là nghề hết sức đặc thù. Do đó, giáo viên mầm non tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, không nhanh nhẹn… để có thể bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, đặc biệt an toàn cho trẻ em mầm non. Thay đổi độ tuổi để giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm là điều mong muốn của đa số giáo viên, trường mầm non, và cấp quản lý GDMN.
Ảnh minh họa ITN. |
60 tuổi không thể vừa chăm sóc, dạy bảo, múa hát
Cô giáo Hoàng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: "Giáo viên mầm non thường có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc thời gian làm việc muộn. Hiện quy định giờ làm việc đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cùng nhiều công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Minh chứng, ở trường tôi, phụ huynh đề xuất gửi trẻ sớm hơn so với thời gian quy định và gửi trẻ cả ngày thứ bảy để đảm bảo thời gian làm việc tại các mỏ than nên các cô giáo mầm non rất vất vả. Nếu được nghỉ sớm so với tuổi quy định hiện này là điều chúng tôi rất mừng và ủng hộ."
Nằm ở thôn Khe Lọng, xã Thanh Sơn, huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh), Trường Mầm non Thanh Sơn có đông học sinh người dân tộc Sán Chỉ và Dao. Cô Trần Thị Thuận, Hiệu trưởng chia sẻ: Cấp THCS, giáo viên lên lớp theo tiết, các hoạt động vệ sinh, ăn uống của học sinh thì các em tự chủ.
Còn với cấp mầm non, trẻ còn nhỏ nên giáo viên mầm non phải hỗ trợ từ khâu rửa tay, rửa mặt, đi vệ sinh tại lớp. Bên cạnh đó nhiều trẻ hay khóc vì xa bố mẹ nên giáo viên thường phải bế bồng, dỗ dành, ru ngủ. Lớp có số trẻ ít không sao nhưng lớp đông thì rất khó khăn để đảm bảo chăm sóc trẻ hiệu quả nếu tuổi đứng lớp của giáo viên sau 55 - 60.
Cô giáo Nông Thị Liễu dạy lớp 4 - 5 tuổi điểm trường Khe Tiến, Trường Mầm non Hồng Ca (huyện Trấn Yên, Yên Bái) chia sẻ: "Ở những vùng miền núi, sâu xa, dân tộc thiểu số, giáo viên đến trường phải trải qua chặng đường khá dài, có trường chính cách thị trấn 50km, ở các điểm trường lẻ lại cách điểm chính thêm từ 15 - 20km… nên hàng ngày nhiều giáo viên đến trường từ lúc tờ mờ sáng để kịp thông thoáng phòng học, dọn vệ sinh, đón trẻ.
Có những lớp, chỉ 1 giáo viên phụ trách 14 - 15 trẻ, cô giáo tuổi cao, phản xạ không nhanh, học sinh lại hiếu động… thì việc quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ sẽ bất cập. Giảm 5 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định là mong muốn thiết thực của chúng tôi…"
TS Trần Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho biết: Trường có 3 trường mầm non thực hành, giáo viên đang phải làm đồng thời 2 nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ, vì thế tính chất công việc đòi hỏi sức khoẻ, độ nhanh nhạy, khéo léo, dẻo dai, những tố chất đó còn rất ít ở phụ nữ đã đến tuổi 55. Thêm nữa, để đảm bảo công việc với đối tượng trẻ mầm non, các cô vẫn phải ca hát, nhảy múa, đóng kịch.... Những việc này khó khăn với người lớn tuổi và hơn thế không phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của trẻ. Vừa làm cô giáo, vừa chăm sóc cháu, bế bồng, rồi kiêm luôn dạy thể dục múa hát… thì 60 tuổi làm sao tốt được.