Siêu dự án chống ngập ở TPHCM lỗi hẹn: Dân tiếp tục “bơi”

GD&TĐ - Đại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM sẽ tiếp tục trễ hẹn, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020, thay vì tháng 10.

Một đoạn công trình chống ngập khu vực huyện Nhà Bè. Ảnh: CTV
Một đoạn công trình chống ngập khu vực huyện Nhà Bè. Ảnh: CTV

Đã hoàn thành 88%

Hiện Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM đã hoàn thành 6/11 cửa van, trong đó đơn vị thi công vừa tiến hành lắp đặt cửa van ngăn triều “khổng lồ” tại khu vực cống Cây Khô (huyện Nhà Bè). Theo ông Nguyễn Tâm Tiến (Tổng Công ty Trung Nam), khu vực cống Cây Khô có hai cửa van “khổng lồ” đều có khẩu độ 40 m (độ dài), cao độ 8,5 m, nặng tới 230 tấn, được xem là cửa van ngăn triều lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1”), cho biết tiến độ của dự án đã hoàn thành 88%.

“Các cửa van được đỡ bởi ba trụ bê tông lớn (trụ pin) hình thành một lá chắn nước lên đến hơn 80 m giữa lòng sông Cần Giuộc. Đồng thời, các cửa van này được kéo lên hạ xuống bằng hệ thống xy-lanh thủy lực (hai cái cho một cửa van)” - đại diện chủ đầu tư thông tin.

Theo đó, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được triển khai gồm 6 cống ngăn triều lớn gồm Cây Khô, Bến Nghé, Tân Thuận, Mương Chuối, Phú Xuân, Phú Định. Mục tiêu khi hoàn thành, hệ thống cửa van khổng lồ của các cống sẽ giúp ngăn triều dâng, giảm ngập và hạn chế xâm nhập mặn cho khu vực trung tâm TPHCM. Đồng thời, khi triều thấp hệ thống van sẽ đóng lại, giữ nước cho TPHCM.

Phía chủ đầu tư cho rằng, cửa van cống là phần hạng mục lớn nhất của các cống ngăn triều. Để hoàn tất việc lắp đặt một cửa van, các công nhân, kỹ sư phải thực hiện quá trình gồm nhiều giai đoạn, từ bước chuẩn bị tổ hợp cửa van tại bãi tổ hợp đến bước vận chuyển cửa van đến vị trí lắp đặt. Quá trình này tối thiểu cần khoảng 70 - 90 ngày. Riêng thời gian hoàn thành lắp đặt một cửa van vào trụ pin cống cần trung bình phải mất 9 tiếng đồng hồ.

“Sau khi hoàn thành cống thì phải có hệ thống kè đi kèm, nếu không nước sẽ xộc vào làm hiệu quả công trình không được như thiết kế. Do đó chủ đầu tư mong lãnh đạo TP sớm hỗ trợ giải quyết vấn đề mặt bằng để tiếp tục thi công. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ cam kết bảo hành các hạng mục công trình trong 5 năm và nếu được chọn làm đơn vị vận hành sẽ gắn bó mãi mãi với công trình, việc chống ngập của TP”, đại diện phía Công ty Trung Nam cho biết.

Vừa qua, trong chuyến đi khảo sát công trình, ông Võ Văn Hoan (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) bày tỏ chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư. Ông Hoan cho rằng dự án đã trải qua nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng, thi công, tuy nhiên đến nay đã vượt qua. Đồng thời, đây cũng là dự án được người dân TPHCM kỳ vọng nhưng trễ hẹn nhiều lần nên khiến người dân cảm thấy không an tâm là điều khó tránh khỏi.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho rằng, sau khi hoàn thành dự án, TPHCM còn nhiều việc để làm như phê duyệt phương án quản lý vận hành, đấu thầu đơn vị vận hành, kiểm tra kiểm toán quá trình đầu tư để làm cơ sở quyết toán, xây dựng danh mục các khu đất thanh toán cho chủ đầu tư theo hợp đồng BT.

Đồng thời, trong thời gian từ đây đến tháng 12, để dự án không còn lỗi hẹn thì có một số việc cần triển khai gồm: Khẩn trương phê duyệt phương án vận hành; kiểm tra kiểm toán dự án; chuẩn bị tổ chức đấu thầu tư vấn quản lý dự án; xây dựng danh mục các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư (theo hợp đồng BT đã ký kết); lên các kịch bản ứng phó khi cống đi vào hoạt động... 

Trễ hẹn do mặt bằng?

Một trong những nguyên nhân trễ hẹn lần này vẫn là vấn đề về mặt bằng. Theo đại diện phía chủ đầu tư, hiện nay tiền đền bù đã có, phương án đã lên chỉ còn vướng ở khâu thẩm định giá nên chưa thể đền bù cho người dân để lấy mặt bằng thi công. Do đó dự án không thể hoàn thành vào tháng 10 như dự định.

Theo phía Tập đoàn Trung Nam, hiện các công việc chính của dự án gần như xong. Nếu huyện Nhà Bè bàn giao được 36 hộ còn vướng mặt bằng trong tháng 8 này, cuối tháng 12 năm nay dự án sẽ hoàn thành.

Theo diễn tiến của dự án, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019 nhưng gặp nhiều vướng mắc và lỗi hẹn nhiều lần. Nửa năm trước dự án bị dừng thi công do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (lí do UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).

Liên danh tư vấn cũng có báo cáo cho rằng chủ đầu tư sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Về việc này, phía Công ty Trung Nam khẳng định việc dùng thép Trung Quốc là không sai so với hợp đồng và hoàn toàn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đồng thời, giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cũng liên tục bất đồng quan điểm. UBND TPHCM không dám đưa ra quyết định nên cuối tháng 8 kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TPHCM chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả do dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố. Sau khi thanh tra, UBND TP đã cho phép dự án khởi động trở lại.

Ở khu vực thường xuyên bị ngập do triều trường, anh Lê Nhựt (ngụ Q.7, TPHCM) cho rằng, thời điểm tháng 9, 10 hằng năm triều cường thường gây ngập cho nhiều khu vực tại TPHCM nặng nhất. Nếu dự án này không mau chóng hoàn thành thì phải đợi cả năm nữa, tới mùa triều cường năm sau, mới có thể thấy tác dụng.

“Tôi hy vọng dự án có thể hoàn tất sớm vào tháng 9, 10, 11 để test thử trong năm nay. Mùa triều cường hằng năm thường có khoảng 8 đợt. Đợt ngập nhẹ đầu tiên sẽ xảy ra vào đầu tháng 8 âm lịch (khoảng 18 - 19/9 dương lịch). Các đợt sau đó triều cường sẽ lên rất cao, có thể phá kỷ lục, vào đầu các tháng 9, 10 âm lịch…” - Lê Nhựt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ