Nóng trong tuần: 'Điểm sàn' xét tuyển đại học; kết quả Olympic Vật lí, Sinh học

GD&TĐ - Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2025, kết quả Olympic Vật lí và Sinh học quốc tế là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Nóng trong tuần: 'Điểm sàn' xét tuyển đại học; kết quả Olympic Vật lí, Sinh học

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2025

Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT đã ban hành hai Quyết định số 2099/QĐ-BGDĐT và số 2100/QĐ-BGDĐT nhằm xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng năm 2025 đối với hai nhóm ngành: đào tạo giáo viên và sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Quyết định số 2099/QĐ-BGDĐT, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau:

Đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, mức điểm tối thiểu là 19 điểm. Riêng với các ngành Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, mức điểm tối thiểu là 18 điểm, áp dụng đối với tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn văn hóa.

Đối với ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, mức điểm tối thiểu là 16,5 điểm cho tổ hợp 3 môn văn hóa.

Theo Quyết định số 2100/QĐ-BGDĐT, Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng điểm đầu vào tuyển sinh đại học năm 2025 đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

Y khoa, Răng - Hàm - Mặt: 20,5 điểm; Y học cổ truyền, Dược học: 19,0 điểm; Các ngành còn lại, gồm: Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y học dự phòng: 17,0 điểm.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2025 đối với thí sinh khu vực 3 được xác định từ điểm thi tốt nghiệp THPT, áp dụng cho tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học.

Mức điểm tối thiểu được tính trên tổng điểm của tổ hợp 3 bài thi/môn thi, không nhân hệ số, không tính điểm cộng và không phân biệt kết quả thi giữa các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 hay 2018.

Cũng liên quan đến công tác tuyển sinh, trong tuần qua, hàng loạt trường đại học đã công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; quy định độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển, quy đổi điểm xét tuyển đại học giữa các phương thức.

Tuần qua cũng là khoảng thời gian cuối cùng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025.

vat-li.jpg
Đội tuyển Olympic Vật lí quốc tế 2025 (từ trái sang phải): PGS.TS Đặng Đức Vượng, Phó Trưởng đoàn; em Nguyễn Công Vinh; Em Nguyễn Thế Quân; em Trương Đức Dũng; em Lý Bá Khôi; em Trần Lê Thiện Nhân ; PGS.TS Đỗ Danh Bích, Trưởng đoàn.

Kết quả Olympic Sinh học và Vật lí quốc tế năm 2025

Tuần qua, đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học và Olympic Vật lí quốc tế năm 2025 đều mang về tin vui.

Cụ thể, 5 học sinh dự thi Olympic Vật lí quốc tế đều đoạt Huy chương, với 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc.

Em Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Tỉnh Nghệ An: Huy chương Vàng.

Giành Huy chương Bạc là các học sinh: Lý Bá Khôi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trương Đức Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Công Vinh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Trần Lê Thiện Nhân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, Thành phố Huế.

Với kết quả trên, đoàn Việt Nam nằm trong top mười quốc gia có kết quả cao nhất tại IPhO 2025.

Đặc biệt, em Trần Lê Thiện Nhân là 1 trong 5 thí sinh toàn cầu được vinh danh với giải thưởng “STEM for All” do Tập đoàn Thales (Pháp) trao tặng. Đây là giải thưởng được trao cho những học sinh có đam mê và năng lực nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), nhưng gặp khó khăn về tài chính hoặc hoàn cảnh xã hội.

Kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế lần thứ 55 được tổ chức tại Cộng hòa Pháp từ ngày 17/7/2025 đến hết ngày 25/7/2025, với sự tham gia của 94 đoàn (trong đó có 5 đoàn quan sát viên) đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 406 thí sinh dự thi.

18725-6.jpg
Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) năm 2025 cùng Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà.

Với Olympic Sinh học, đội tuyển quốc gia Việt Nam có 4 học sinh dự thi; kết quả, cả 4 học sinh đều đoạt huy chương, bao gồm: 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Xuất sắc giành Huy chương Vàng là Nguyễn Lương Thái Duy, học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Thành phố Hà Nội, xếp thứ 7 trong tổng số 298 thí sinh dự thi

Giành được Huy chương Bạc là: Nguyễn Hữu Thành, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Trần Phú, Thành phố Hải Phòng; Bùi Hoàng Đại Dương, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc Học, Thành phố Huế.

Em Lê Hoàng Kiều Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Thành phố Hà Nội giành Huy chương Đồng.

Với nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện chuẩn bị, cũng như trong 8 ngày thi tại Đại học Ateneo de Manila, Philippines, thành tích này đã đưa đội tuyển Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có tổng điểm toàn đoàn cao nhất. Đồng thời, góp phần tiếp nối chuỗi kết quả ấn tượng tại các Kỳ thi Olympic Quốc tế trong năm 2025 nói riêng và trong những năm gần đây nói chung - đó là thành tích cao ở tất cả các môn thi mà Việt Nam cử đội tuyển tham gia.

Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 36 được tổ chức tại nước Cộng hòa Philippines từ ngày 19/7/2025 đến ngày 27/7/2025, với sự tham gia của 81 đoàn đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 3 đoàn quan sát viên), cùng 298 thí sinh dự thi.

img7671-1753180414854128705015.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định về việc chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng trao quyết định chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa

Chiều 22/7, lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Việc chuyển thành Đại học Phenikaa có ý nghĩa quan trọng trong khẳng định mối quan hệ giữa đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo và thúc đẩy mối quan hệ giữa nghiên cứu, sản xuất, xã hội và thị trường.

Thủ tướng đề nghị, Đại học Phenikaa bám sát tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi triết lý giáo dục: "Tôn trọng - Sáng tạo - Phản biện"; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng lúc. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện mô hình đại học tích hợp, xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, kiểm soát nội bộ hiệu quả, phát huy vai trò tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình xã hội.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ một cách bài bản, chuyên nghiệp để giải quyết các bài toán thực tế của doanh nghiệp, thị trường, của nền kinh tế gắn với xu hướng phát triển của thời đại.

Mở rộng các chương trình đào tạo thực tế theo hướng liên ngành, gắn với các ngành công nghệ ưu tiên quốc gia; tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược (như thiết kế chip bán dẫn tiên tiến, công nghệ tự hành, rô bốt và tự động hoá, công nghệ tích trữ năng lượng, công nghệ y sinh phục vụ y học chính xác…).

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để trao đổi học thuật, đồng thời tăng cường sự tham gia trong các mạng lưới, chuỗi giá trị đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ sinh viên, nhà khoa học khởi nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt là hỗ trợ sinh viên nghèo.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng mong Đại học Phenikaa và các đại học nói chung coi trọng hơn nữa việc giáo dục, trang bị kiến thức về văn hóa Việt Nam, cũng như chú trọng đào tạo các môn khoa học cơ bản trong quá trình đào tạo.

Nhân dịp này, Đại học Phenikaa công bố mục tiêu 2030, tầm nhìn 2035, với 5 đột phá chiến lược về: mô hình đại học và thể chế; nghiên cứu khoa học (mục tiêu 2030 phát triển thành công ít nhất 2 công nghệ lõi thuộc công nghệ chiến lược cấp quốc gia); đổi mới sáng tạo; quốc tế hóa; sử dụng và thu hút nhân tài cho các công nghệ chiến lược.

Ngày 21/7/2025, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về việc đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi THPT năm 2025, điểm học tập bậc THPT. Kèm văn bản này là các phụ lục nhằm cung cấp căn cứ để các cơ sở đào tạo xác định chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển (nếu có), gồm:

Biểu đồ đối sánh phổ điểm một số tổ hợp phổ biến từ kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2025 và năm 2024, 2023.

Bảng bách phân vị tổng điểm một số tổ hợp phổ biến của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sau khi được hiệu chuẩn.

Tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và điểm trung bình các môn học ở bậc THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù tập 'xuyên trận' từ sân cầu lông đến bóng đá, trong tôi vẫn vững vàng quyết tâm 'bùng nổ' và không ngừng hướng đến những chiến thắng. Ảnh minh họa: ITN

Từ chiếc áo thể thao…

GD&TĐ - Có câu nói đại ý rằng, tính cách của một người được thể hiện phần nào qua vẻ bề ngoài của họ.