Đó là tâm sự của một giáo viên Thủ đô ngay sau ngày khai giảng năm học mới. Dạy thực chất, học thực chất, thi đua dạy tốt, học tốt không chỉ là chỉ đạo mà là tâm nguyện, là mệnh lệnh từ trái tim của những người “gieo chữ”. 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của Bộ GD&ĐT chính là kim chỉ nam để các thầy, cô giáo và nhà trường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy - học trong năm học này. Nói như cô Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam Lê Thị Oanh, chúng ta hãy giúp học sinh biết tự học, dạy cho học sinh phương pháp học chuyên sâu và toàn diện, biết đam mê tri thức. Hãy tạo cơ hội bất cứ khi nào có thể để các con tự lập và làm thật nhiều việc thiện. Hãy dạy học sinh của chúng ta có thói quen biết phóng tầm mắt xa nhưng biết đặt trái tim thật gần với yêu thương con người.
Chẳng thế mà từ miền ngược, đến miền xuôi, các trường đã ổn định việc dạy - học ngay sau ngày khai giảng. Ngay cả những trường vùng khó, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ cũng đã cố gắng hết sức để bắt nhịp với bài học đầu tiên: Nghiêm túc nhưng cũng rất đỗi nhẹ nhàng và tràn ngập yêu thương, dẫu biết đâu đó vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn.
Song điều quan trọng là, đi đến bất kỳ địa phương hay trường học nào chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất trường - lớp, trang thiết bị dạy học. Điều đó cho thấy, giáo dục đang nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội. Bởi theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự nghiệp giáo dục, phát triển đất nước là sự nghiệp chung của 54 dân tộc anh em.
Hơn 1 triệu thầy, cô giáo cùng các trường học trên cả nước đã chuẩn bị cho mình những kế hoạch, dự định và tâm thế để sẵn sàng đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Theo đó, các địa phương đã có sự đầu tư, quan tâm về cơ sở vật chất. Đơn cử như tỉnh Phú Thọ, địa phương này đã rà soát, nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho giáo dục giai đoạn 2019 - 2024 là 8.278 tỷ đồng, trong đó đề nghị Trung ương hỗ trợ 5.795 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.655 tỷ đồng, nguồn huy động khác 828 tỷ đồng.
Đáng mừng hơn, đội ngũ giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học để không bị bỡ ngỡ khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Chứng kiến những thầy, cô giáo vùng khó khăn miệt mài, suy tư bên từng trang giáo án mới thấy xúc động và trân quý biết bao. Những lo lắng ngày mai môn Toán dạy gì và tích hợp kiến thức thế nào đây để học sinh hứng khởi. Buổi chiều có giờ sinh hoạt tập thể, vậy nên sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm ra sao để các con thích thú và phát huy được phẩm chất, năng lực... luôn thường trực từ trong tâm khảm của các thầy cô - những người luôn hết lòng cho sự nghiệp “trồng người” cao cả. Điều đáng nói là, những trăn trở suy tư ấy của các thầy cô đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng đổi mới phương pháp dạy học.
Còn nhớ mãi, hình ảnh một cô giáo dạy lớp 1 của Lào Cai đã tự quay video tiết dạy của mình để rút kinh nghiệm, để điều chỉnh phương pháp dạy của mình, để không bị “ngợp” khi Chương trình, sách giáo khoa mới chính thức được áp dụng vào năm học 2019 - 2020 tới đây. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết và của các thầy, cô giáo. Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Đội ngũ nhà giáo mà đi tiên phong đổi mới sẽ tạo được những thuận lợi, là động lực cho cơ sở giáo dục đổi mới.