Hơn 7 thập kỷ dựng xây nền giáo dục dân chủ “hoàn toàn Việt Nam”
Sau khi nền độc lập dân tộc bị mất, giáo dục Việt Nam rơi vào bi kịch Nho học bất phùng thời, Tây học lên ngôi, tạo ra một sự biến đổi bất đắc dĩ, giáo dục do kẻ áp bức thống trị áp đặt từ mục tiêu, mô hình đến nội dung, phương pháp.
Sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã xác định nạn mù chữ là một thứ giặc nội xâm, có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ mới, Người đã ký sắc lệnh Bình dân học vụ để đưa 95% dân số là nạn nhân của chính sách “khai hóa văn minh” tiếp cận được ánh sáng của giáo dục; theo tinh thần đó, trường học đơn sơ được xây mới, khắp thôn cùng xóm vắng tỏ ánh đèn dầu sau cuối ngày tăng gia sản xuất, người dạy dù chưa qua trường lớp sư phạm và không lương, không phụ cấp nhưng cũng đủ nhiệt tình, hòn than, nền đất, thân cây cũng là học liệu bổ ích.
Náo nức ngày khai trường |
Từ bấy đến nay, Việt Nam đã kiên định dựng xây một nền giáo dục “của dân, do dân và vì dân”. Đi khắp nước Việt Nam, từ miền biển, qua đồng bằng, lên vùng núi cao, ở đâu cũng thấy trường học ngày một khang trang, ríu rít tiếng cười, i a tiếng trẻ thơ đánh vần con chữ, nhộn nhịp cảnh nô đùa, vai mang khăn quàng đỏ nghiêm trang chào lá quốc kỳ, vọng hát lời tiến quân ca, lòng bay bổng ước mơ chinh phục những đỉnh cao xanh trong.
Thầy, cô người Việt, chương trình và sách giáo khoa do người Việt soạn thảo. Cho dù kinh tế đất nước còn nghèo khó, song Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Việt Nam đã có được hệ thống giáo dục theo mô hình giáo dục mở, đủ năng lực giáo dục, đào tạo từ bậc học mầm non đến bậc Tiến sĩ; có những ngôi trường đủ sức hội nhập với giáo dục quốc tế (như Trường Bưởi - Chu Văn An, Amxtecđam); có mối quan hệ với cả trăm quốc gia và cơ sở giáo dục đẳng cấp quốc tế.
Thành tích đua tài của học sinh phổ thông Việt Nam ở các kỳ thi Ôlimpic quốc tế, thi tay nghề của các thợ trong khu vực, mức độ phấn đấu của những sinh viên du học thường vươn lên tốp cao, cống hiến của các nhà khoa học Việt kiều nơi đất khách thường rất đáng nể trọng.
Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều nhà khoa học đạt giải Nô ben với những diễn đàn khoa học mang tầm thời đại. Mới đây Ngân hàng thế giới xếp Việt Nam và Trung Quốc thuộc 2 nền giáo dục có tính đổi mới năng động nhất khu vực châu Á - Thái bình dương. Đó quả thực là một kỳ tích của 73 năm phát triển nền giáo dục Việt Nam, là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục được đặt trên bệ phóng từ tư tưởng đúng của Hồ Chí Minh, từ quan điểm nhất quán của Đảng ta - coi giáo dục là đại kế trăm năm.
Điềm tĩnh, vững tin thúc đẩy sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam
Chặng đường hơn 73 năm qua là khoảng thời gian chưa nhiều, song cũng đủ minh chứng cho tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, được Đảng và Nhà nước vận dụng sáng tạo vào hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách ưu tiên cho giáo dục phát triển; nhờ vậy đã xây dựng thành công một nền giáo dục thực sự dân chủ, vì quyền và lợi ích của mỗi người dân và cho mục tiêu tự lực, tự cường dân tộc.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW, đặc biệt là với 3 năm học gần đây dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giáo dục nước nhà đang bước những bước đi cẩn trọng, vững vàng, tìm tòi, sáng tạo, kiên định, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự cầu thị, lắng nghe sự góp ý, phản biện xã hội để hoàn thiện cho mỗi chương trình, kế hoạch mang tầm chiến lược quốc gia.
Hát quốc ca ngày khai trường |
Với 9 nhóm nhiệm vụ lớn và 5 nhóm giải pháp có tính căn cơ, ngành Giáo dục đã từng bước tạo ra sự đổi mới bài bản.
Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thực sự là một cuộc cải cách ở tầm cao mới, đó là một sự đoạn tuyệt với lề lối cũ, gieo mầm cho tính sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0; bên cạnh những thuận lợi là cơ bản thì cũng luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách; trong đó có một thách thức khôn lường là âm mưu “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực giáo dục.
Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và niềm tin tưởng, sự kỳ vọng của Nhân dân chính là hai yếu tố làm điểm tựa chính trị và nền tảng xã hội cho thành công đổi mới giáo dục.
Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có sự thay đổi nhận thức và tinh thần hành động quyết liệt, tận tâm vì sự nghiệp chăm lo, giáo dục của đất nước chính là đột phá khẩu cho thành công đổi mới lần này. Những bất cập, hạn chế, khuyết điểm dù vô tình hay cố ý đã và còn có thể xảy ra đâu đó là điều khó tránh khỏi, bởi đó là qui luật và là tác nhân buộc chúng ta phải cẩn trọng hơn, quyết liệt hơn, đấu tranh không khoan nhượng với những tổ chức và cá nhân coi thường pháp luật.
Trong đổi mới phải kiên quyết khắc phục cho được sự lo ngại, phản đối của xã hội về sự vô tình biến con em học thành “chuột bạch”, nhưng cũng phải hết sức cảnh giác để không để những kẻ cơ hội chính trị biến ngành Giáo dục thành “chuột bạch” cho ván bài đả phá chế độ.
HS trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) trong ngày khai giảng |
Dù chương trình, tài liệu giáo dục được chuẩn bị chu toàn đến mấy thì không thể vừa lòng mọi nhà giáo dục cũng như thầy cô giáo, chứ chưa nói đến xã hội. Vì vậy, cần phải dựa vào nguyên tắc lấy sự hài lòng về chất lượng và kết quả giáo dục làm khuôn vàng thước ngọc. Chất lượng và kết quả giáo dục không phải một sớm, một chiều, nhưng có thể quan sát được thông qua lời nói, hành động của từng nhân tố tham gia vào quá trình giáo dục.
Nhà quản lý dừng chạy theo lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ của cơ sở mình, địa phương mình; nhà giáo luôn quan tâm, thương yêu, tôn trọng, ân cần chăm chút cho trẻ thơ; học sinh có thái độ yêu thích, ham học hỏi; các bậc phụ huynh cảm nhận được niềm vui sau mỗi ngày đón con em mình trở về nhà, đêm đêm may mắn thấy nụ cười trên môi trẻ thơ, không xót xa khi thấy trẻ thơ giật mình thon thót, co rúm khi phải đến trường… - nếu cả xã hội chung lòng, góp sức và toàn ngành Giáo dục nỗ lực, kiên định thay đổi tích cực thì chắc chắn xã hội, đất nước sẽ được thụ hưởng giá trị tốt đẹp từ đổi mới trong một thời gian không xa.
Mùa khai trường mới, tháng 9/2018