Đồng hành và chia sẻ

GD&TĐ - Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM vừa có quyết định tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022 - 2023.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Dự kiến trong những ngày tới có thêm nhiều trường điều chỉnh lại khung học phí theo hướng giữ ổn định như năm học 2021 - 2022. Trước đó, các trường này đã có kế hoạch áp dụng mức thu học phí mới đối với sinh viên theo lộ trình tăng học phí của Nghị định 81/2021 NĐ-CP.

Lý giải việc tạm ngừng kế hoạch tăng học phí, đại diện Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 khối giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021, trên tinh thần hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân và xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì thế, sau khi tìm hiểu mức thu nhập bình quân của gia đình sinh viên có sự sụt giảm so với trước đây, nhà trường quyết định tạm dừng tăng học phí, với mục đích là đồng hành chia sẻ.

Không chỉ các trường đại học nỗ lực hỗ trợ sinh viên, thời gian qua nhiều tỉnh thành cũng đã quyết định không tăng học phí, hoặc miễn giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2022 - 2023. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí công lập cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn, kinh phí khoảng 458 tỷ đồng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập, tư thục giai đoạn 2022 - 2025, kinh phí hơn 568 tỷ đồng. TP Cần Thơ miễn học phí 100% cho học sinh toàn thành phố, tổng kinh phí hỗ trợ trên 308 tỷ đồng… Nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Kạn… cũng chắt chiu kinh phí để miễn giảm học phí, chia sẻ, đồng hành với phụ huynh, học sinh.

Học phí luôn là vấn đề được dư luận quan tâm và các trường đại học, địa phương tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định tăng. Hai năm học trước diễn ra trong bối cảnh Covid-19, học phí trên bình diện chung đều không tăng. Năm học 2022 - 2023 bước vào trạng thái bình thường mới, các địa phương, trường học có kế hoạch tăng học phí theo lộ trình thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Mức tăng được các đơn vị xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nhằm bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Dù nhà trường, địa phương đều thận trọng tính toán, nhưng mức tăng học phí vẫn khiến không ít học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nặng gánh lo âu, bởi nhiều gia đình trải qua hai năm đại dịch chưa kịp hồi phục về kinh tế. Tăng học phí theo lộ trình, nguy cơ có nhiều học sinh, sinh viên bỏ học.

Không tăng học phí hay tiến đến miễn giảm học phí đồng nghĩa với việc các trường đại học, địa phương sẽ nhận về mình nhiều vất vả, gian truân. Bởi ai cũng biết với chi phí thấp, rất khó để có được chất lượng giáo dục cao, đặc biệt là ở trường đại học tự chủ tài chính, trong khi nguồn thu chính vẫn từ học phí. Vì thế bình ổn, miễn giảm học phí là nỗ lực rất lớn của các nhà trường và địa phương để hỗ trợ học sinh, sinh viên theo đuổi hành trình chinh phục tri thức.

Những chính sách vì người học của các trường và địa phương có tác dụng tích cực trực tiếp đến đời sống an sinh, đã và đang được phụ huynh, học sinh, sinh viên vui mừng đón nhận. Có thể số tiền được giảm không lớn, nhưng làm giảm bớt một phần gánh nặng đối với người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong thời điểm giá cả leo thang.

Đặc biệt, không chỉ là sẻ chia, đồng hành, sự nỗ lực vì người học của nhà trường, địa phương còn đồng thời thể hiện tính nhân văn trong ban hành chính sách, khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tất cả vì giáo dục, ưu tiên cho giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ