Đồng hành cùng các nhân vật của Francoise Sagan

GD&TĐ - Françoise Sagan (1935 – 2004) tên thật là Françoise Quoirez – nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp.

Françoise Sagan trong thời kỳ viết tiểu thuyết “Buồn ơi, chào mi”.
Françoise Sagan trong thời kỳ viết tiểu thuyết “Buồn ơi, chào mi”.

Năm 18 tuổi, sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Buồn ơi, chào mi”, bà trở thành một trong những tác giả nổi tiếng và giàu có nhất ở Pháp.

Nhiều người coi những cuốn sách của bà là vô đạo đức, số khác tìm thấy trong đó hình ảnh của thời đại và yêu mến nữ văn sĩ trẻ vì ngôn ngữ giản dị và tài năng khắc họa tâm lý nhân vật.

Tình yêu

Tình yêu là động lực chính trong các tiểu thuyết của Françoise Sagan và thường là tình yêu đơn phương. Ví dụ, trong tiểu thuyết “Một nụ cười nào đó”, chàng trai Bertrand phải lòng nữ sinh viên đại học Sorbonne Dominica, còn nàng, đến lượt mình, lại phải lòng người chú của chàng.

Tình yêu say đắm từ cái nhìn đầu tiên đã gắn bó các nhân vật trong tiểu thuyết “Nhịp trống đầu hàng” Lucille và Antoine. Còn trong tiểu thuyết “Buồn ơi, chào mi”, bạn đọc được chứng kiến mối tình đầu: Hai nhân vật Cécile và Cyril gặp nhau trong thời gian đi nghỉ hè bên bờ biển Địa Trung Hải.

Françoise Sagan hiếm khi gọi đích danh tình yêu. Thay vào đó, bà tả làn gió mơn man trên da thịt, cái chạm tay tình cờ lúc hai người đang khiêu vũ trong một nhà hàng ở Paris. Nếu các nhân vật của Françoise Sagan thổ lộ tình yêu, thì rất có thể, họ muốn giấu kín nỗi cô đơn, buồn chán hoặc khát khao trả thù.

Nỗi cô đơn

“Cô đơn và Tình yêu” là tên gọi của một trong những cuốn sách của Françoise Sagan. Có lẽ nhan đề này đã phản ánh đầy đủ nội dung các cuốn tiểu thuyết của bà. Các nhân vật của bà chìm đắm trong nỗi cô đơn. Người thân không hiểu họ. Họ cảm thấy nhàm chán trong những bữa tiệc sang trọng.

Họ không nói chuyện với chồng. Họ ngoại tình. Họ ngủ thiếp đi trên chiếc giường trống trải. Họ bỏ chạy khỏi thành phố để trốn tránh nỗi đau. Họ nhận ra rằng, cuộc sống của họ trống rỗng và vô vọng, nhưng họ không biết làm gì.

Trong tiểu thuyết “Chiếc giường bừa bộn”, người phụ nữ trở lại với người tình cũ sau 5 năm xa cách - mặc dù hoàn toàn không hiểu vì sao mình làm điều đó. Nữ nhân vật trong tiểu thuyết “Bạn có yêu Brahms?” vì cô đơn đã cặp bồ với một chàng trai kém mình 15 tuổi. Nữ nhân vật trong

“Những đám mây nhiệm màu” là cô gái chán chồng, đi ngoại tình, nhưng không dám bỏ chồng. Françoise Sagan lạnh lùng mô tả nỗi cô đơn trong những biểu hiện tồi tệ nhất của nó.

Tự do tình ái

Françoise Sagan là người mang nhiều tai tiếng: Bà thay chồng, thay tình nhân như thay áo. Cũng có tin đồn, bà còn thay cả nữ tình nhân. Bà sống như các nhân vật trong tiểu thuyết của mình, thích những thú vui nhất thời và hiếm khi chung sống với ai đó lâu dài.

“Bạn bè khuyên nàng thay đổi hoàn cảnh, còn nàng buồn bã nghĩ rằng nàng chỉ định thay đổi người tình: Như thế đỡ phiền phức hơn, theo tinh thần Paris, rất thời thượng” (Trích tiểu thuyết “Bạn có yêu Brahms?”).

Các nhân vật của Françoise Sagan hiếm khi nghĩ về tình cảm của người khác. Họ ngoại tình. Họ yêu tay ba, hoặc thậm chí tay tư. Họ chọn những người ít hoặc nhiều tuổi hơn mình. Họ có thể làm tình vì buồn chán hoặc vì tiền. Họ không xa lạ với tình yêu đồng giới.

Ở tuổi 18, Françoise Sagan đã sở hữu nhiều tài sản giá trị.

Ở tuổi 18, Françoise Sagan đã sở hữu nhiều tài sản giá trị.

Tiền

Nhiều người lên án Françoise Sagan vì trong các tác phẩm của mình, bà chỉ mô tả cuộc sống của những người giàu có được chiều chuộng. “Vâng, tôi thích tiền, nó luôn là người đầy tớ tốt và người chủ tồi đối với tôi.

Tiền luôn hiện diện trong các cuốn sách của tôi, trong cuộc sống và trong các cuộc trò chuyện của tôi”- nữ văn sĩ nói sau khi đã kiếm được một gia tài lớn ở tuổi 18 với cuốn sách bán chạy “Buồn ơi, chào mi”.

Các nhân vật của bà được đồng tiền chiều chuộng. Họ cảm thấy nhàm chán trong các nhà hàng, biệt thự sang trọng và sòng bạc. Họ mua tình yêu của những người trẻ và bán thân xác của mình để lấy tiền.

Họ sẵn sàng bỏ người mình yêu để đến với một người tình giàu có hơn. Họ cảm thấy thoải mái như vậy. Hơi nhàm chán nhưng thoải mái.

Trong các cuốn tiểu thuyết của mình, Françoise Sagan miêu tả sự trống rỗng của xã hội tư sản với những người đàn ông sống bám nhân tình của mình, những cô gái làng chơi và những góa phụ giàu có và bà đã thành công.

Chủ nghĩa khoái lạc

Các nhân vật của Françoise Sagan sống cho ngày hôm nay. Họ không muốn làm việc và học tập. Họ thích uống rượu, khiêu vũ, đi nghỉ ở Cannes, làm tình trên chiếc giường bừa bộn. Họ không tin Chúa và biết rằng, họ chỉ được sống một lần. Vì vậy, họ sống vì những thú vui nhất thời. Nói tóm lại, chủ nghĩa khoái lạc thuần túy.

Nhân vật trong tiểu thuyết “Nụ cười nào đó” nói: “Rốt cuộc, sống có nghĩa là làm thế nào để được thỏa mãn nhất”. Trong câu chuyện của các nhân vật, nữ văn sĩ đã thể hiện tâm trạng của cả một thời đại.

Nước Pháp

Françoise Sagan miêu tả xã hội Pháp. Câu chuyện trong các cuốn tiểu thuyết của bà diễn ra ở Paris, Cote d’Azur (Bờ biễn xanh da trời), ở Limousin (những vườn nho bất tận), những ngọn núi, những góc phố yên tĩnh, tiếng sóng biển, rượu vang.

Trong tiểu thuyết “Chiếc giường bừa bộn”, một cặp tình nhân lâu năm đi ăn trưa tại một nhà hàng ở Paris sau một đêm ân ái. Nữ nhân vật của tiểu thuyết “Giọt lệ trong rượu vang đỏ” đã nướng một khoản tiền khủng tại sòng bạc mùa hè ở Nice.

Còn trong tiểu thuyết “Vĩnh biệt nỗi buồn”, nhân vật bị bệnh ung thư; đưa mắt ngắm nhìn những bờ kè ở cảng Paris và những thị dân đang phơi nắng dưới ánh Mặt trời tháng Chín bên dòng sông Seine, anh ta đến gặp tình nhân để thông báo về cái chết đang đến gần.

Françoise Sagan tái hiện chân dung cuộc sống của người Pháp: Họ dùng bữa trong những nhà hàng sang trọng của Paris, dạo chơi trên đại lộ Champs - Élysée, còn mùa hè thi đi nghỉ ở biển. Như thể đây không phải là một cuốn sách, mà là một bộ phim Pháp với những bối cảnh liên tục thay đổi.

Cái chết

Tình yêu trong tác phẩm của FrançoiseSagan thường dẫn tới bi kịch. Trong tiểu thuyết “Một chút mặt trời trong nước lạnh”, nữ nhân vật quyết định tự tử sau khi biết mình không còn được yêu nữa.

Tiểu thuyết “Buồn ơi, chào mi” cũng có cốt truyện tương tự: Cô gái trẻ Cécile đã chọc tức Anne, người tình của bố mình, khiến bà ta lao xe điên loạn trên đường và tử nạn.

Tiểu thuyết “Vĩnh biệt nỗi buồn” có cái kết bất ngờ: Tưởng mình bị bệnh ung thư, nhân vật đã kết thúc cuộc sống, không biết rằng mình bị chẩn đoán sai.

Ngay cả trong những cuốn tiểu thuyết, nơi thoạt nhìn, không có kết cục bi thảm, bóng tối của thần chết vẫn bao phủ lên các nhân vật. Từ chối tình yêu đối với họ thường đồng nghĩa với cái chết.

Cũng giống như chấp nhận tình yêu. Họ triền miên nghĩ ngợi về ý nghĩa của cuộc sống, trong khi trốn chạy thực tế. Bị đày đọa trong sự nhàn hạ, vô tích sự, họ mơ tưởng về cái chết. Họ tự hủy hoại bản thân bằng ma túy và rượu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.