Các cuốn sách trên trở thành tác phẩm kinh điển của văn xuôi tâm lý Pháp thế kỷ 20. Các cuốn tiểu thuyết của bà được hàng triệu độc giả trên thế giới vô cùng yêu thích. Tuy nhiên, ít ai biết, cuộc sống riêng của nữ văn sĩ tài ba lại đầy trắc trở.
19 tuổi nổi danh văn đàn
Mặc dù sinh ra trong một gia đình giàu có, Françoise Quoirez (tên thật của Françoise Sagan) không bắt chước niềm đam mê cuộc sống thượng lưu của mẹ lẫn đầu óc tính toán khôn ngoan của bố. Tốt nghiệp phổ thông, Françoise vào học Khoa Ngữ văn Đại học Sorbonne và thở phào nhẹ nhõm vì rốt cuộc được sống cuộc đời tự do. Tuy nhiên, bà không thích vùi đầu vào sách vở. Đối với bà, những cuộc tụ tập với bạn bè trong các quán cà phê Paris hấp dẫn hơn việc học tập, ở đấy bà được gặp gỡ các “ngôi sao” của giới nghệ thuật.
Sagan khá phóng túng, ham cờ bạc và cho rằng, không có thuốc gì chữa bệnh u sầu tốt hơn là một vài li rượu mạnh. Bà vung tiền giúp đỡ bạn bè; gặp kẻ hành khất ngoài đường bà vét túi đưa đến đồng xu cuối cùng.
Từ năm 14 tuổi, Françoise đã gửi bản thảo của mình tới các nhà xuất bản, nhưng liên tục bị từ chối, cho tới khi xuất hiện tiểu thuyết “Buồn ơi, chào mi!”. Bà bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này năm 19 tuổi, khi còn là sinh viên Đại học Sorbonne. Không hiểu bằng cách nào đó nó rơi vào tay ông René Juillard, chủ một nhà xuất bản lớn ở Paris. Vốn là người giàu kinh nghiệm, ngay lập tức, ông Juillard “đánh hơi” thấy mình đang cầm trong tay một bestseller tương lai. Trên bìa chiếc cặp đựng tập bản thảo đánh máy là cái tên Françoise Sagan lạ hoắc đối với ông.
Hẹn nhau qua điện thoại, ông chủ xuất bản sốt ruột chờ đợi cuộc gặp gỡ đầy thú vị với nữ văn sĩ. Thật ngạc nhiên biết bao, khi ông nhìn thấy một cô gái xuất hiện trên ngưỡng cửa phòng làm việc của mình: Nhỏ bé, mảnh mai với cái mũi nhọn và mái tóc bù xù.
Ông chủ xuất bản không thể cắt nghĩa được vì sao cô gái mới 19 tuổi, cái con chuồn chuồn ngộ nghĩnh chưa có kinh nghiệm sống và chưa nếm trải mùi vị của tình yêu xác thịt này lại có thể viết như vậy! Nhưng dù sao cuốn sách cũng đã được xuất bản.
Tất nhiên, Juillard dự đoán cuốn tiểu thuyết sẽ gặt hái được thành công, nhưng ngay cả một kẻ lõi đời như ông cũng không thể hình dung nổi tầm cỡ niềm vinh quang đổ ập xuống cô gái trẻ chinh phục đỉnh cao văn chương này. Một năm sau, cuốn tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng và được in tới hàng triệu bản. Một năm sau nữa, Hollywood đã mua bản quyền của Sagan để chuyển thể điện ảnh. Trở thành người sở hữu một gia tài lớn, Françoise băn khoăn tự hỏi: “Giờ đây mình biết làm gì với đống tiền như vậy?”. Và đến xin lời khuyên của bố.
“Phải tiêu ngay lập tức! Tiền phù vân không mang lại hạnh phúc, đặc biệt là ở tuổi con”. Sagan vui vẻ làm theo lời khuyên của bố và chẳng bao lâu bà tậu một biệt thự, một chiếc thuyền buồm và chiếc xe ô tô “Jaguar” đỏ chót.
Không chịu nổi sự nhàm chán
Một lần, ông Juillard mời Sagan tham gia cuộc hành trình Jerusalem - NewYork trong khuôn khổ một chiến dịch quảng cáo. Tháp tùng bà là nhà nhiếp ảnh Philippe
Charpentier. Không thể nói rằng, Françoise thích anh chàng đẹp trai có thân hình cân đối, vạm vỡ, nhưng có thể do hoàn cảnh bắt buộc, hoặc do chặng đường mà đôi bạn trẻ phải vượt qua quá dài… Nói tóm lại, Philippe và Françoise trở nên gần gũi.
Vào những ngày đó, quả thật Sagan ngất ngây trong hạnh phúc, bởi đây là mối tình đầu của bà! Nhưng một lần, trong buổi giới thiệu sách ở New York, bà tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của hai vị khách đứng sau lưng mình: “Cậu nhìn kìa, cái con oắt Paris chơi trội trông như một con mèo hen! Đâu rồi sự tinh tế của nước Pháp mà người ta ca ngợi?”. Françoise nhìn Philippe và hiểu rằng, anh ta cũng nghe hết…
Buổi tối hôm đó, Françoise ngồi trước gương rất lâu. “Phải chăng mình xấu xí đến thế?” - bà thầm nghĩ. Chính lúc bấy giờ Françoise lần đầu tiên cảm nhận được hạnh phúc của bà sẽ kéo dài không lâu. Quả nhiên, kết thúc chuyến đi, mối tình của họ cũng hết: Philippe tìm được một bạn gái mới và vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời bà.
Còn lại một mình, Françoise rơi vào trạng thái u sầu triền miên và như thường lệ, bà bắt đầu tìm niềm an ủi trong rượu. Sau đó, lấy lại nghị lực, bà viết cuốn tiểu thuyết thứ hai – “Một nụ cười nào đó”. Các nhà phê bình đánh giá nó chín chắn hơn tác phẩm thứ nhất của bà. Không có gì ngạc nhiên, bởi trong năm đó, chính bà đã trưởng thành lên rất nhiều.
Năm 22 tuổi, Sagan bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi. Khi bà nằm viện, một người quen cũ của bà, chủ xuất bản Guy Schoeller, đã đến thăm. Một lần, đang ngồi bên giường Francoise, ông Guy bỗng nói: “Này cô bé, tôi sẽ cưới cô làm vợ, trước khi cô phạm phải những điều ngu ngốc tiếp theo”.
Nữ văn sĩ nổi loạn yêu tự do Sagan và ông chủ xuất bản Guy Schoeller “đứng đắn”, chững chạc, đáng tuổi bố bà, chung sống với nhau được một năm. Họ chia tay nhau sau một lần, khi trở về nhà, Françoise phát hiện ra một cảnh tượng: Vị phu quân đáng kính của bà đang ngồi trên đi-văng… đọc báo. Chỉ có thế thôi! Nhưng Sagan lại thấy điều đó là quá tầm thường, nhạt nhẽo.
Thế rồi bà lặng lẽ thu xếp hành lý ra đi. Một thời gian sau, Françoise lại tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc gia đình. Lần này, ý trung nhân của bà là anh chàng người Mỹ Bob Westhof, cựu lính dù, người mẫu và một nhà điêu khắc không thành đạt. Thậm chí, họ đã có một con trai tên là Denis. Nhưng rồi cuộc hôn nhân này cũng kết thúc chóng vánh - bà lại không chịu được sự nhàm chán.
Cô đơn và vỡ nợ
Tuy thế, đời Sagan có một người đàn ông mà bà không bao giờ thấy chán, đó là Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Hơn nữa, bà rất tự hào về tình bạn lâu năm với ông, khâm phục sự chân thành và lòng nhân hậu của ông. Họ thích ngồi đàm đạo với nhau vào những buổi chiều bên chai rượu vang đỏ và món vịt xào cam khoái khẩu của ngài
Tổng thống mà Sagan tự tay chế biến.
Nhiều phen Mitterrand đã cứu nữ văn sĩ thoát khỏi hiểm nguy. Một lần ở Colombia, nơi ông mời bà đến thăm chính thức, Sagan bị viêm phổi cấp. Bà được đưa vào bệnh viện địa phương, Mitterrand đã huỷ bỏ tất cả các cuộc gặp để đến thăm bà. Nghe các bác sĩ nói rằng tính mạng của bà có thể bị đe doạ, Tổng thống đã quyết định ngay lập tức đưa bà về Pháp trên máy bay riêng của mình và chính điều đó đã cứu sống bà.
Françoise Sagan qua đời ngày 24/9/2004, ở tuổi 69. “Tôi sợ nhất sự nghèo khổ và quên lãng” - bà từng nói như vậy. Dường như bà đã linh cảm được hậu vận của phận mình. Những năm cuối đời, bà không viết gì và sống trong cô độc. Tiền nhuận bút một thời rủng rỉnh giờ đã cạn, bà đành cầm cố ngôi nhà, bán ô tô, thuyền buồm, và “nợ như chúa Chổm”… Nữ văn sĩ sống ẩn dật trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh đàn chó luôn ngước nhìn bà với cặp mắt biết ơn. Bà không viết gì nữa. Chỉ đơn giản là ngắm những đám mây…