Những bài học giáo dục của nữ văn sĩ Astrid Lindgren

GD&TĐ - Astrid Lindgren (1907 - 2002) là nữ văn sĩ viết cho thiếu nhi nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng trong giới văn học Thụy Điển. Tác phẩm của bà đã được dịch ra gần 60 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, kể cả Việt ngữ.

Nữ văn sĩ Astrid Lindgren
Nữ văn sĩ Astrid Lindgren

Trong suốt cuộc đời 60 năm sáng tác, các cuốn sách của bà như "Pippi Tất dài", "Karlsson trên mái nhà", "Ronia con gái tên cướp", "Anh em Sư Tử Tâm" ... đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tới các thế hệ trẻ em ở Thuỵ Điển và trên toàn thế giới. Xin trân trọng giới thiệu những bài học giáo dục chính rút ra từ tác phẩm và cuộc đời của nữ văn sĩ nổi tiếng này.

1. Yêu thương trẻ em, chứ không phải giáo dục

Ngay từ cuốn sách đầu tiên xuất bản năm 1945 “Peppi Tất dài”, Astrid Lindgren đã loại bỏ gần như hoàn toàn khỏi tác phẩm của mình nhân vật người lớn. Trong sách của bà, người lớn may lắm là những kẻ quan sát bên ngoài, nếu không thì chỉ là những kẻ vừa tàn ác vừa khôi hài.

Thế giới của Lindgren là thế giới của trẻ em. Hơn nữa, thông thường đó là những đứa trẻ rất cô độc. Đứa trẻ không có ai hết, thậm chí cả con chó. Peppi là một cô bé hoang dã, mẹ là thiên thần, còn bố là ông vua da đen ở xứ sở xa xôi, Mio trong “Mio, con trai ta” và Rasmus trong “Rasmus – cậu bé lang thang” đều là những đứa trẻ mồ côi.

Tất nhiên, trước Astrid Lindgren, trong văn học đã có vô số trẻ mồ côi. Các nhà văn trước đây rất thích thông qua trẻ mồ côi mô tả chiến thắng của đức hạnh và sự vâng lời, và đưa nhân vật tới một kết thúc có hậu nhờ hạnh kiểm tốt. Nhưng Lindgren không quan tâm tới việc các các nhân vật của bà xử sự như thế nào. Đơn giản là bà thương yêu chúng, không cần đánh giá.

2. Không áp đặt uy quyền của mình đối với trẻ em

Astrid Lindgren bắt đầu đọc cuốn sách đầu tiên của mình “Peppi Tất dài” cho con gái mình nghe trong những năm Thế chiến thứ hai và công bố năm 1945. Nhân vật chính là một cô bé có thể quật ngã bất cứ đối thủ nào. Peppi thể hiện ước mơ của nhà văn về việc điều gì có thể xảy ra nếu ta truất quyền lực của người lớn và trao cho trẻ em.

Trên sân khấu xiếc, Peppi dễ dàng quật ngã lực sĩ khỏe nhất thế giới có tên Adolf và sau đó nằm chợp mắt ngủ, không xem hết tiết mục biểu diễn. Phải nói rằng đây gần như là một đoạn văn duy nhất trong cuốn sách của Lindgren liên quan tới bạo lực và quyền uy.

Trong các cuốn sách của bà, những kẻ có ý định thiết lập trật tự của mình nhất định bị trừng trị. Nhiều thế hệ trẻ em đã trưởng thành trên những cuốn sách của bà và chúng nhắc nhở các em rằng bất kỳ quyền lực nào cũng đều kinh tởm. Và dẫu cho những cuốn sách của Lindgren đánh mất tư tưởng phản chiến, đây là điều lớn nhất mà bà có thể làm để chiến tranh không bao giờ xảy ra.

3. Tự hào vì mình là một cô bé

Hồi trẻ Astrid Lindgren để tóc như con trai, mặc quần áo đàn ông, đội mũ lưỡi trai, yêu một người đàn ông đã có vợ và thậm chí giữ và nuôi con ngoài giá thú. Cuộc hôn nhân của bà với ông Sture Lindgren hạnh phúc, nhưng ngắn ngủi. Trở thành góa phụ, bà không bao giờ lấy chồng nữa. Bà nói rằng vì yêu chồng, thực ra bà thích sống một mình.

Năm 60 tuổi, bà đã đi vòng quanh thế giới, năm 70 tuổi, bà tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị, năm 80 tuổi, bà còn trèo cây.

Vai trò một người vợ đảm đang và cô bé mẫu mực không bao giờ hợp với bà. Trong các cuốn sách của bà không có những nhân vật như vậy. Mặc dù các nhân vật con trai nhìn chung vẫn nhiều hơn, nhưng các cô bé hiếm hoi lại ăn đứt bất cứ cậu trai nào: Thật khó kiếm được một cậu trai sánh được với Peppi. Đối với nhiều người các cuốn sách của Lindgren đã trở thành bài học đầu tiên thậm chí không phải về bình đẳng giới, mà về sức mạnh thực sự của con gái.

4. Nhất quán trong lời nói và việc làm

Astrid Lindgren nhận được hàng trăm bức thư của trẻ em Thụy Điển. Bà đã cố gắng trả lời tất cả, cho đến giữa những năm 80, do mắt kém bà buộc phải chuyển việc trả lời cho thư ký. Trong số các nhà văn Thụy Điển viết cho thiếu nhi, không ít người từng có một thời trao đổi thư từ với Astrid Lindgren và giữ lại những lời khuyên quý báu của bà.

Một ví dụ sinh động nhất là 20 năm trời bà trao đổi thư từ với nữ độc giả tên là Sarah. Đối với Sarah, một thiếu nữ từng kinh qua nhiều giông bão cuộc đời, những bức thư của Lindgren trở thành sự cứu rỗi đích thực. Một lần nữa, nhà văn chứng minh rằng bà giữ vững nguyên tắc của mình không chỉ trong các cuốn tiểu thuyết.

5. Không quan tâm tới thu nhập của người khác

Astrid Lindgren là người quản lý tài chính không tồi. Vào những năm 70, bà đã trở thành triệu phú. Nhưng bà đã dành gần như toàn bộ thu nhập của mình để làm từ thiện. Điều đó không ngăn cản nhà nước chiếm mất phần lớn thu nhập của bà – thuế thu nhập ở Thụy Điển thời bấy giờ không dưới 80%.

Năm 1976, do có sự bất hợp lý trong bộ luật, Lindgren phải trả cho nhà nước 102% thu nhập của mình – thuế thu nhập cộng với thuế doanh nghiệp tư nhân. Lúc bấy giờ bà đăng một truyện cổ tích đầu tiên của mình cho người lớn trên báo Expressen “Pomperipossu ở Monismania”. Truyện kể về một nữ văn sĩ viết cho thiếu nhi nổi tiếng, bà yêu đất nước mình, nhưng đất nước đánh thuế bà nhiều đến mức sau khi trả hết các loại thuế bà chỉ còn cách đi ăn mày hoặc xin trợ cấp.

Bộ trưởng tài chính Thụy Điển Gunnar Sträng nhận xét về tác phẩm của Lindgren một cách khinh mạn: “Bà ấy biết kể truyện cổ tích, nhưng không biết tính toán”. Và Lindgren đã đáp lại hoàn toàn chính xác rằng Sträng biết kể truyện cổ tích và không biết tính toán, còn bà thì ngược lại: Ông ta có thể trở thành một người viết truyện cổ tích giỏi, còn bà - bộ trưởng bộ tài chính.

Bài viết của Lindgren đã khiến cho đảng xã hội –dân chủ, lần đầu tiên sau 44 năm không nhận được đa số phiếu trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm đó.

6. Không được phép đánh đập trẻ em

Năm 1978, Astrid Lindgren được trao giải thưởng của các nhà kinh doanh sách Đức, một giải thưởng có uy tín nhất ở Đức, và được đề nghị đọc diễn văn tại lễ trao giải. Khi Astrid gửi bản thảo tới ủy ban tổ chức giải thưởng, các thành viên ủy ban sợ hãi đến mức họ định từ chối bài diễn văn của bà. Lúc bấy giờ, nữ văn sĩ nói rằng nếu không được đọc diễn văn bà sẽ không đến nhận giải và các nhà kinh doanh sách buộc phải nhượng bộ.

Và bài diễn văn của bà đã gây chấn động lớn. Đối với chúng ta hôm nay, nó không có gì cấm kỵ, thậm chí ngược lại. Lindgren phát biểu phản đối bạo lực đối với trẻ em. Bà nói rằng hòa bình thực sự không bao giờ đến và xã hội sẽ không thay đổi, chừng nào trẻ em lớn lên trong môi trường bạo lực: Những kẻ bị hành hạ thời niên thiếu, khi lớn lên sẽ trả đũa.

7. Bảo vệ động vật

Về cuối đời, Astrid Lindgren trở thành nhân vật có ảnh hưởng đến mức luôn được mọi người nhờ giúp đỡ bất cứ việc gì. Bà rất ít khi từ chối. Chiến dịch cuối cùng của bà là đấu tranh chống sự đối xử tàn ác đối với loài vật.

Nó bắt đầu vào năm 1985 từ một bức thư ngỏ, truyện cổ tích tiếp theo của bà, lần này nhân danh một con bò cái bà lên tiếng chống lại sự đối xử tồi tệ đối với nó. Ba năm tiếp theo, Lindgren liên tục viết những câu chuyện trào phúng về loài vật và con người. Thậm chí, trong đó có một câu chuyện về việc Thượng đế không hài lòng với những con người mà ngài giao trọng trách chăm sóc loài vật.

Chiến dịch kết thúc bằng việc năm 1988 “Đạo luật Lindgren” về việc bảo vệ động vật của Thụy Điển đã ra đời. Luật đó viết rằng: “Cấm nhốt gà con trong lồng chật hẹp, chỉ được tiêm hoocmon và thuốc kháng sinh cho loài vật theo chỉ định của bác sĩ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

các chủ đề speaking ielts thường gặp