Không để trẻ “tự bơi”
Anh Nguyễn Văn Xe, tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ: Chọn nghề, chọn trường không còn là chuyên riêng của con trẻ, phụ huynh cũng áp lực không kém. Mấy ngày nay, anh Xe cùng con trai “cân đong, đo đếm” từng ngành, trường học trước khi chính thức đăng ký xét tuyển nguyện vọng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hai bố con thống nhất Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là lựa chọn ưu tiên số 1.
“Dự định thứ Hai tuần tới, tôi chở con đến Trường ĐH Kinh tế Quốc dân để tham quan cơ sở vật chất, chương trình đào tạo một số ngành và môi trường học tập” – anh Xe cho hay, đồng thời khẳng định: Gia đình tôn trọng quyền tự quyết của con, nhưng với trách nhiệm làm cha mẹ vẫn phải tư vấn, định hướng, không thể để trẻ “tự bơi”.
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Thu ở tổ 1, thị trấn Đông Anh (Hà Nội) cũng “lao tâm, khổ tứ” cùng con gái nghiên cứu một loạt danh sách ngành học, trường học dự định đăng ký xét tuyển nguyện vọng. Theo chị Thu, các bạn trẻ hiện nay có chính kiến riêng và quyết đoán trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Vì thế, việc cùng con chọn nghề chưa bao giờ dễ dàng. Nếu bố mẹ không tinh tế dễ xảy ra xung đột, không tìm được tiếng nói chung giữa phụ huynh và con cái.
“Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, hai mẹ con có trò chuyện, tâm sự cởi mở về dự định ngành nghề, trường học. Nắm bắt được sơ bộ thông tin, tôi chủ động liệt kê khoảng 10 ngành thuộc nhiều cơ sở giáo dục đại học khác nhau.
Tôi cũng động viên, khuyến khích con làm việc này. Giống như một trò chơi, hai mẹ con cùng đưa danh sách đã liệt kê ra, sau đó đối chiếu, so sánh dựa trên tiêu chí: Nếu hai mẹ con cùng chọn trùng về ngành học và trường học sẽ giữ lại để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu trước khi quyết định cuối cùng” – chị Thu chia sẻ, đồng thời cho hay: Hai mẹ con đã chọn 5 ngành học và 3 cơ sở đào tạo trùng nhau. Cả nhà đã thống nhất để con chủ động lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong danh sách đã “chốt” trước đó, nếu cần bố mẹ sẽ tư vấn thêm.
“Với cách làm này, vừa tôn trọng quyền tự quyết của con, vừa có được tư vấn, định hướng nghề nghiệp của bố mẹ. Quan trọng hơn là, không khí gia đình luôn vui vẻ, cởi mở, mọi người tôn trọng lẫn nhau” – chị Thu bộc bạch và tự nhận mình không giống nhiều phụ huynh khác là muốn con học ngành “hot”, phải học đại học và phải vào trường tốp đầu, hoặc trường nọ, ngành kia…
Phụ huynh đồng hành nhưng không có nghĩa là áp đặt, buộc trẻ phải lựa chọn theo mình. Ảnh minh họa: TG |
Đồng hành nhưng không áp đặt
Cũng là phụ huynh nên cô Nguyễn Thị Ly Nga - giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) - thấu hiểu và thông cảm với nỗi lo của cha mẹ; bởi tất cả sự quan tâm, lo lắng không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo cô Nga lựa chọn và mong muốn của các em cũng rất chính đáng nên phụ huynh cần tôn trọng. “Chỉ các em mới hiểu vì sao mình chọn ngành này, trường kia. Vì sao lĩnh vực đó lại hứng thú, hấp dẫn với mình” - cô Nga chia sẻ và cho rằng, khi trẻ nói lên mong muốn của bản thân, cộng với sự lắng nghe, phân tích của cha mẹ thì việc lựa chọn sẽ hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh, đồng hành nhưng không có nghĩa là áp đặt, buộc trẻ phải lựa chọn theo mình, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - đưa ra một số sai lầm thường gặp trong quá trình gia đình định hướng nghề nghiệp như: Thiếu tôn trọng mong muốn của trẻ; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho trẻ; hướng nghề không căn cứ vào khả năng thực sự; sử dụng tài chính để giúp trẻ có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ cần nắm được một số “bí quyết” để có thể cùng trẻ chọn nghề. Hãy bắt đầu bằng sự kết nối. Khi các em được tôn trọng và lắng nghe sẽ cởi mở hơn, từ đó thoải mái chia sẻ về những khát khao, mong muốn của mình. Thứ nữa, cha mẹ nên tin tưởng, khích lệ và đồng hành cùng các em trong hành trình lựa chọn nghề nghiệp để có một tương lai vững chắc.
Ở góc nhìn khác, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, tư vấn của bố mẹ, gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm là cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào… Ngoài ra, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định cho mình. Tuy nhiên, quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. “Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã phù hợp nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: Thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học” - TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.
PGS Trần Thành Nam khuyến nghị, thí sinh nên tuân thủ các nguyên tắc chọn nghề như: Chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề đó; chẳng hạn như: Điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức… Các em cũng không nên chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu. Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.