Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông chủ trì phiên họp. Cùng dự có các ủy viên Hội đồng, các thành viên Tiểu ban Giáo dục phổ thông, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số sở GD&ĐT, hiệu trưởng một số trường phổ thông, các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Đổi mới không chờ đến khi áp dụng chương trình mới
Thực tiễn triển khai, nhiều ý kiến từ sở GD&ĐT khẳng định sự nỗ lực của địa phương trong thực hiện đổi mới giáo dục. Ông Phan Xuân Quyết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – chia sẻ không khí quyết liệt trong đổi mới ở địa phương và cho biết nhiều việc đã làm được và có hiệu quả, trong đó có đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học.
Ông Trần Hậu Tú – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh – thì cho biết, Sở GD&ĐT thời gian qua đã có những đổi mới thiết thực trong kiểm tra, đánh giá, đặc biệt trong thi học sinh giỏi. Việc đổi mới thi học sinh giỏi, vừa thi lý thuyết, vừa thi thực hành (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học), các phần thi giao lưu (với môn khoa học xã hội), thi các kỹ năng nghe, nói, đọc, việt (với tiếng Anh)… đã có tác động tích cực trở lại với việc dạy học trong nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành – khi chia sẻ về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của nhà trường đã nhận định: Chìa khóa cho thành công của trường trước hết là những văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Trong đó có công văn 791/HD-BGDĐT của Bộ GD&ĐT năm 2013 về hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông; công văn 4612/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018…
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn đều khẳng định, đổi mới không chờ đến khi áp dụng chương trình mới mà trước đó ngành Giáo dục đã có những chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Không để giáo viên bị bất ngờ khi thực hiện đổi mới.
Trong đó, công văn 4612/BGDĐT-GDTrH là bước tổng kết các đổi mới trước đây và triển khai đồng bộ ở các địa phương. Tại công văn 4612, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; Tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.
PGS.TS Lê Huy Hoàng - Trường ĐH Sư phạm Hà Hội – cùng nhận định khi cho rằng, trong suốt giai đoạn vừa qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa đúng với bản chất của giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học như dạy học tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn, phương pháp bàn tay nặn bột, dạy học gắn với di sản, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương, cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học,… “Trong thời gian tới, làm tốt những việc này chính là đang triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - PGS.TS Lê Huy Hoàng cho hay.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp. |
Đổi mới phương pháp dạy học phải đồng bộ với kiểm tra, đánh giá
Tuy nhiên, ý kiến của địa phương, thực hiện đổi mới giáo dục còn không ít khó khăn. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Yến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương – khó khăn đó một phần do điều kiện thực hiện: đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, điều kiện để mỗi lớp học thực hiện dạy học phân hóa giúp học sinh phát triển năng lực còn hạn chế; sĩ số học sinh trên lớp nhiều nơi đông. Phần khác là bởi thi cử còn ảnh hưởng nhiền đến việc dạy học.
“Học sinh tiểu học hướng tới được vào một trường THCS chất lượng tốt, để từ vào được trường THPT chất lượng tốt. Phụ huynh vẫn muốn con mình phải học tiếp THPT; công cuộc thi vào THPT có khi còn áp lực, căng thẳng hơn cả thi vào ĐH. Việc dạy học muốn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nhưng thi cử vẫn còn ảnh hưởng đến việc dạy” – bà Nguyễn Thị Yến trăn trở.
Ông Phan Xuân Quyết – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương – cũng nhắc đến khó khăn trên và đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh quy định về kiểm tra đánh giá cho phù hợp; hướng dẫn thêm về kĩ thuật đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Ông Quyết đồng thời mong được hỗ trợ về kĩ năng về phân tích, xử lý dữ liệu kết quả thi THPT quốc gia để từ đó hỗ trợ điều chỉnh hoạt động dạy học.
Trao đổi về vấn đề này, ông Sái Công Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – khẳng định: Kiểm tra, đánh giá là hoạt động không tách rời hoạt động dạy học. Chúng ta đang tập trung đổi mới dạy học theo phát triển năng lực, phẩm chất người học thì kiểm tra, đánh giá cũng phải gắn như vậy. Tuy vậy, hiện nay đánh giá vẫn coi trọng nhiều hơn đến điểm số; trong khi đánh giá năng lực thì coi trọng đánh giá định tính nhiều hơn. Cho biết chúng ta còn thiếu chuẩn đánh giá của chương trình, ông Sái Công Hồng thông tin, sắp tới sẽ trình Thứ trưởng chuẩn đánh giá theo chương trình mới.
Khẳng định đổi mới phương pháp dạy học phải đồng bộ với đổi mới kiểm tra, đánh giá, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học cần khẩn trương sửa đổi quy định về đánh giá học sinh để phù hợp với yêu cầu mới.