Đón học sinh quay lại trường: Thận trọng và an toàn

GD&TĐ - TPHCM đã khởi động, chuẩn bị cho HS tới trường bằng việc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, ban hành bộ tiêu chí an toàn trường học, trả lại các khu cách ly cho trường để vệ sinh, khử khuẩn.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19.

Đề xuất học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin sẽ đề xuất lên UBND TP phương án khi học sinh khối 9 và 12 tiêm đủ 2 mũi vắc-xin được đi học trực tiếp từ tháng 12/2021.

Các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang bàn giao 250 trường từng được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch cho ngành Giáo dục. Tuy nhiên, việc cho học sinh học trực tiếp, trở lại trường sẽ còn căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở từng quận, huyện.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC): Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức an toàn. Theo đó, tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống Covid-19 theo quy định, như khoảng cách giữa các khâu trong một dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại một địa điểm; an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp…

Cô Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) - cho biết, trường có khoảng 1.700 học sinh của 3 khối (10, 11, 12) tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt này. Trong 3 ngày (29, 30, 31/10), nhà trường phối hợp với y tế địa phương tiêm cho hầu hết học sinh của trường.

“Học sinh và phụ huynh rất phấn khởi khi học sinh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tôi hi vọng sau khi thành phố tiêm vắc-xin cho các em từ 12 đến 17 tuổi, các em sớm quay lại trường học” - cô Lê Thị Hồng Anh chia sẻ.

Chị Bích Vân (phụ huynh học sinh tại Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM) chia sẻ: “Thấy con đi tiêm tôi vừa vui nhưng cũng hơi có chút lo lắng. Tuy nhiên đọc thông tin phân tích trên các phương tiện truyền thông thì gia đình cũng an tâm. Hy vọng sau đợt tiêm này mọi thứ ổn định và học sinh được trở lại học trực tiếp tại trường”.

Thầy Phạm Trung Hữu - Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) sơn lại cổng trường.
Thầy Phạm Trung Hữu - Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) sơn lại cổng trường.

Bảo đảm an toàn cho học sinh khi tới trường

UBND TPHCM đã ban hành bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống Covid-19 tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn. Bộ tiêu chí gồm 10 phần. Trong đó, tiêu chí tạo được nhiều sự quan tâm là giáo viên, cán bộ, nhân viên trực tiếp tại cơ sở giáo dục phải có mã QR xanh thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế TPHCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid.

Theo đó, nếu cơ sở giáo dục đạt 8 - 10 tiêu chí được đánh giá Mức độ an toàn cao (cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học); Đạt 6 - 7 tiêu chí: Mức độ an toàn (cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động dạy học. Trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 8 tiêu chí thành phần); Đạt dưới 6 tiêu chí thành phần thì chưa đảm bảo an toàn (cơ sở giáo dục chưa được tổ chức hoạt động giáo dục, phải khắc phục các tiêu chí thành phần không đạt để đạt ít nhất 6 tiêu chí thành phần mới được tổ chức dạy học).

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM) - cho rằng, ông tán thành bộ tiêu chí do TP vừa ban hành. Điều ông quan tâm là: Thứ nhất, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin; Thứ hai, Ban phòng chống Covid từng trường phải thực sự hiệu quả và phải có chế độ cho họ; Thứ ba, trang bị đủ thiết bị phục vụ cho công tác phòng dịch như  bồn rửa tay bằng xà phòng, dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang y tế…; Thứ tư, không sử dụng máy lạnh; Thứ năm, nếu tách lớp thì phải cho nhà trường chủ động hợp đồng giáo viên ngoài biên chế và thành phố hỗ trợ thêm ngân sách.

Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức hoạt động dạy trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Trong đó quy định rất rõ về những điều cần đảm bảo để học sinh đến trường an toàn trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Bộ tiêu chí mà TPHCM vừa ban hành là phù hợp sát với thực tế tại các địa phương. Qua đối chiếu, nhà trường đạt 8 tiêu chí (1, 4, 5, 6, 8, 9, 10).

“Tình hình hiện tại để học sinh của trường đi học trực tiếp trở lại thì cần những yếu tố: Xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường; Vệ sinh, khử trùng trường lớp và cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học; Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; Hiệu trưởng thành lập ban chỉ đạo, các tổ an toàn Covid-19 của trường phân công cán bộ, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo quy định; Thực hiện tốt khẩu hiệu 5K” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Q.8, TPHCM - cho biết, đơn vị đã có những bước chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại. Cụ thể là, xây dựng và triển khai kế hoạch mở cửa trường học trở lại trên cơ sở kế hoạch của UBND quận. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cũng đề xuất cấp bù kinh phí cho nhà trường do những phát sinh từ dịch Covid-19 như: Chi phí trong phòng, chống dịch Covid-19, chi phí phát sinh trong việc chia nhỏ lớp nhằm tận dụng tối đa “khoảng thời gian vàng” để dạy và học trực tiếp, đảm bảo kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục, đảm bảo các chế độ chính sách hỗ trợ.…

Có con đang học năm cuối cấp, anh Ngọc Linh (Quận 7, TPHCM) cho rằng, gia đình cũng mong con đi học trực tiếp. Nhưng ngoài việc tiêm đủ hai mũi, nhà trường có cách gì thêm để an toàn hơn. “Hai con tôi đang học lớp 9 và 12. Suốt cả mùa dịch con quanh quẩn ra vào trong nhà, thấy rất thương. Đi học lại, con gặp bạn bè chơi nhảy vui đùa cũng mừng cho con. Tuy nhiên, tiêm hai mũi vắc-xin vẫn bị Covid-19 như thường. Do đó, tôi nghĩ trường cần có phương án cụ thể thêm để phụ huynh biết tính toán…” - anh Ngọc Linh chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề an toàn sau tiêm đối với học sinh, TS.BS Trần Đức Sĩ (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) lưu ý, dù đã được tiêm ngừa vắc-xin, trẻ vẫn phải mang khẩu trang trong phòng học cũng như những không gian kín khác. Việc mang khẩu trang khi hoạt động ngoài trời sẽ tùy theo khuyến cáo của chính quyền từng nơi, từng thời điểm dựa trên tình hình dịch bệnh cũng như mức độ tiếp xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ