Rút ngắn khoảng cách vùng miền
Cô giáo Phạm Thị Tuyển, Hiệu trưởng Trường PT dân tộc bán trú THCS Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang cho biết, ở các huyện miền núi, do điều kiện đi lại, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gặp khó khăn nên có nhiều học sinh bỏ học, đi học thất thường. Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú ở các huyện miền núi theo Nghị định 116 của Chính phủ về hỗ trợ cho học sinh bán trú (15kg gạo và 40% mức lương cơ sở - khoảng 520 ngàn đồng/tháng/em), đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí giữa miền núi và đồng bằng.
Với việc học bán trú học sinh miền núi có điều kiện thay đổi môi trường sống. Đến ở nội trú, các em được thầy cô hướng dẫn học sinh thực hiện theo thời gian biểu của học sinh bán trú, giờ nào việc ấy. Các em được dạy những kỹ năng cơ bản như biết tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, tắm gội, gấp chăn màn quần áo, vệ sinh phòng ở.
Theo cô Tuyển, năm nay, nhà trường có 9 lớp với 277 học sinh, tăng 22 học sinh so với năm học trước. Trường cũng tổ chức cho học sinh lao động vệ sinh, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Nhiều năm trước đây, nỗi lo đảm bảo sĩ số theo từng ngày, từng tuần đã trở thành “gánh nặng” đối với các thầy cô giáo tại nhà trường. Nhờ triển khai thực hiện mô hình trường học bán trú, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường luôn đảm bảo từ 98 - 100% học sinh trong độ tuổi đi học.
|
Khẩu phần ăn của học sinh hàng ngày được Ban Giám hiệu kiểm tra sát sao, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát thường xuyên. Việc cấp phát thuốc và dụng cụ thể thao được nhà trường mua sắm phục vụ học sinh rất đầy đủ, đảm bảo đúng quy định.
Cô Tuyển cho biết, học sinh con hộ nghèo còn được hỗ trợ chi phí học tập 100.000 đồng/tháng để mua sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập… Ngoài ra, nhà trường và cấp ủy chính quyền địa phương kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức từ thiện và các cá nhân nên các em học sinh vùng cao yên tâm khi đến trường.
Rèn luyện kỹ năng sống cho HS
Việc tổ chức mô hình trường PT dân tộc bán trú đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong việc duy trì sĩ số, tăng cường kỹ năng sống cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, tại trường PT dân tộc bán trú, các em học sinh được hưởng các chế độ chính sách như hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn, miễn giảm học phí... Quan trọng nhất với mô hình trường PT dân tộc bán trú, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt tập trung, được tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống.
Có thể nói, mô hình nội trú ở các địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang có những chuyển biến hết sức tích cực. Đó cũng chính là động lực, là hành trang tiếp sức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vững bước đến trường.
Cô giáo Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc Bán trú Tiểu học Quản Bạ (Hà Giang) cho biết, năm nay nhà trường có tổng số 225 em học sinh bán trú. Sau mỗi buổi học, thay cho việc các em phải vất vả leo núi về bản thì nay các em được ở lại trong những căn phòng ấm cúng có đủ điều kiện phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Các em được học các kỹ năng sống ngay từ mới bước vào lớp 1 như vệ sinh cá nhân, ngủ đúng giờ, chăn màn gọn gàng… nhằm thay đổi nhận thức, tập tục lạc hậu xưa nay của các em. Đặc biệt, bữa ăn hàng ngày tại bếp ăn bán trú đã giúp học trò vùng cao ấm lòng và phụ huynh hoàn toàn yên tâm cho con đến trường học chữ.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc duy trì, tổ chức bán trú cho học sinh, song những lợi ích thiết thực của mô hình này khiến cho các cấp, các ngành, đặc biệt là các thầy cô giáo nỗ lực, gắng mình thực hiện. Cũng như các trường phổ thông bán trú vùng cao, các cô giáo Trường PT Dân tộc Bán trú Tiểu học Quản Bạ cũng tích cực trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn cho trẻ.
Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể sôi nổi, giúp cho các em học sinh bớt e ngại, nhút nhát trước đám đông. Ngoài thời gian học trên lớp, các em còn được đọc truyện tại thư viện của trường từ đó các em thay đổi nhận thức.