Không ít HS cũng bị ảnh hưởng bởi mất nhà cửa do bão hoặc đường đến trường vẫn còn ngập úng, sạt lở. Với sự chung sức của chính quyền và người dân, ngành GD Tu Mơ Rông đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn để cho năm học mới 2016 - 2107 thành công.
Khó khăn chồng chất
Thầy Lê Văn Hoàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông - cho biết: Năm học mới 2016 - 2017, toàn ngành có tổng số 34 trường học, với 378 lớp, gần 7.400 HS (tăng so với năm học trước khoảng vài chục HS) của cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Toàn huyện cũng có tổng số 830 cán bộ giáo viên, nhân viên.
Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền và vận động nhân dân cùng các trường chuẩn bị các điều kiện về CSVC, trường lớp học, sửa chữa trường lớp, làm lớp tạm, vệ sinh, làm hàng rào, cầu cống để đảm bảo an toàn cho học sinh chuẩn bị đến trường.
Tổ chức tuyên truyền chỉ đạo vận động HS ra lớp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho HS, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học mới như tổ chức vệ sinh trường lớp, vận động, huy động học sinh ra lớp. Tiến hành sửa chữa CSVC trường học đảm bảo đủ CSVC trước khi HS đến trường.
Chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD huyện Tu Mơ Rông đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học.
Trong đó, tiến hành xây dựng 15 phòng học mầm non ở các điểm trường thôn với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng, trang bị 1 bộ máy vi tính, 400 bộ bàn ghế học sinh, 45 bộ bàn ghế, 34 giường cho giáo viên và 10 tủ đựng hồ sơ và tiến hành sửa chữa phòng học, nhà công vụ giáo viên bị hư hỏng….
Thầy Lê Văn Hoàn chia sẻ: Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng năm học mới này, huyện Tu Mơ Rông vẫn còn khá nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất còn 19 phòng học tạm thì vẫn còn đến gần 1/3 học sinh (khoảng 2.600 HS) thiếu SGK, vở học tập.
Bên cạnh đó, toàn huyện còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho dạy 2 buổi/ngày, thiếu nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà bán trú cho HS, nhà công vụ cho giáo viên, thiếu hệ thống nước sinh hoạt ở một số điểm trường…
Đã vậy, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện có mưa to, gió lốc làm tốc mái 8 phòng học, 10 phòng ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú ở 3 xã Măng Ri, Tu Mơ Rông, Tê Xăng ước thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Tuyệt đối không để ảnh hưởng đến chất lượng GD
Những ngày này, tại Trường Bán trú THCS – THPT Măng Ri, các em HS đã tựu trường để sẵn sàng cho năm học mới, nhưng hơn 20 thầy cô giáo đang phải đối mặt khó khăn về chỗ ở, phòng làm việc.
Như đã nói, cơn bão số 3 vừa qua đã làm 4 phòng ở của giáo viên, nhà hiệu bộ của nhà trường bị tốc mái, hiện chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.
Thầy Tưởng Văn Quang - Hiệu trưởng - tâm sự: Do phòng hiệu bộ, phòng ở bị gió lốc làm hư hỏng nên chúng tôi buộc phải dồn học sinh, chia ca dạy để lấy một phòng học cho 12 giáo viên nữ ở.
Còn giáo viên nam thì phải sang nhờ cậy xã cho mượn phòng để ở tạm chờ sửa chữa. Do vậy, việc ăn ở sinh hoạt, làm việc cũng rất khó khăn. Các căn phòng đang được sửa chữa nhưng chắc chắn sẽ không thể kịp được trước ngày khai trường.
Cũng theo thầy Quang, năm học mới này một cái khó đối với trường là có khoảng 60 HS trên tổng số 151 HS toàn trường không thuộc diện hộ nghèo nên không được cấp SGK, vở học tập.
Trước mắt nhà trường bố trí cho các em mượn của thư viện (2 em/bộ) để học tập, còn vở viết, nếu em nào không thể lo được, nhà trường sẽ có phương án hỗ trợ.
Tình cảnh tương tự chúng tôi cũng được chứng kiến tại điểm trường thôn Đăk Ka của Trường PT Dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông. Điểm trường có 5 phòng học thì có đến 3 phòng học và 1 phòng ở giáo viên bị tốc mái hoàn toàn không thể học tập ăn ở.
Toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện đang phải đi ở nhờ tại nhà dân trong thôn hoặc ở nhờ nhà của giáo viên tại chỗ. Còn đối với HS tại đây có 5 lớp (từ lớp 1 - 5) với tổng cộng 72 HS phải dồn, chia học thành hai ca.