Giữ gìn vệ sinh cho học sinh vùng cao: Cô và trò cùng nỗ lực

GD&TĐ - Vẫn biết giáo viên là một nghề vất vả, gánh trên vai trọng trách dìu dắt bao thế hệ khôn lớn thành người, nhưng trách nhiệm ấy lại càng nặng nề hơn đối với những giáo viên vùng cao. 

Cô Lương Thị Thu Hiền, điểm trường mầm non Thượng Nung đang chuẩn bị bữa ăn cho trẻ
Cô Lương Thị Thu Hiền, điểm trường mầm non Thượng Nung đang chuẩn bị bữa ăn cho trẻ

Họ vừa là thầy cô dạy cho các em biết chữ, vừa là người mẹ hướng dẫn các em biết giữ gìn vệ sinh, biết chăm sóc bản thân.

An toàn bữa ăn bán trú của trẻ

Vượt quãng đường hơn 50 km từ TP Thái Nguyên, phải vất vả lắm, qua hai con đập và những dốc núi ngoằn nghoèo, chúng tôi mới đến được Trường Tiểu học Lũng Luông và điểm trường mầm non Thượng Nung (xã Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên). Đây được xem là 1 trong 2 xã nghèo của huyện Võ Nhai.

Đưa chúng tôi tham quan những lớp học bằng những tấm gỗ ghép, thầy Ma Văn Khanh - Phó Hiệu trưởng - hào hứng cho chúng tôi xem mô hình trường học sắp tới sẽ được xây khang trang tại nơi đây. 

Thầy kể: “Trước đây, mỗi năm cứ khoảng 6 tháng mùa khô, chúng tôi phải đi lấy nước cách xa vài trăm mét đường dốc ngược đồi, vất vả vô cùng. 

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, của các nhà từ thiện, chúng tôi đã có bể chứa nước, lắp máy bơm, đường ống dẫn nước từ suối vào bể chứa để đảm bảo cung cấp nước cho thầy và trò. 

Vì thế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy - học, nhà trường thực hiện hiệu quả việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn và sinh hoạt của thầy và trò”.

Cô Đinh Thị Hoa - Hiệu trưởng - cho biết: “Được hỗ trợ từ Quỹ trò nghèo vùng cao, từ năm học 2013 - 2014, học sinh của trường đã có bữa ăn bán trú đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh. Trường có 108 học sinh bán trú, mỗi bữa ăn chỉ 10.000 đồng mỗi học sinh nhưng các em yên tâm hơn với việc học của mình. 

Những năm trước, giáo viên thường thay nhau nấu ăn cho các em, năm nay, được sự đồng thuận và hỗ trợ từ phụ huynh, họ gom củi, rau xanh, thay nhau đến trường để nấu ăn cho các em, vì thế bữa cơm của học sinh vùng cao luôn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tại điểm trường mầm non Lũng Luông, cô Lương Thị Thu Hiền, đang chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Cô tâm sự: “Vào mùa đông thì nước khan hiếm hơn, có khi phải đi gánh hoặc lấy nước từ điểm trường chính về, thế nhưng công tác vệ sinh cho trẻ mầm non vẫn được đảm bảo. 

Hiện tại, nước sạch cho trẻ cũng đã về đến trường thế nhưng các cô vẫn phải tiết kiệm để học trò không thiếu nước. Mặc dù điều kiện khó khăn, những vấn đề đảm bảo an toàn bữa ăn cho các con luôn được đặt lên hàng đầu”.

Gian nan giáo dục vệ sinh hằng ngày

Không chỉ đảm bảo bữa ăn an toàn cho trẻ, việc vệ sinh cho học trò mầm non cũng là vấn đề các cô giáo vùng cao nơi đây luôn quan tâm. 

Cô giáo Nông Thị Nhài - Giáo viên lớp mầm non 5 tuổi điểm trường mầm non Thượng Nung - chia sẻ: Học sinh ở điểm trường này chủ yếu là dân tộc Mông, cha mẹ ít khi quan tâm đến con cái. 

Có em đến trường cả tuần mặc mỗi một bộ quần áo, cô thường xuyên phải đưa các con đi tắm rửa, thay quần áo, đồng thời hướng dẫn các em vệ sinh hằng ngày. Thế nhưng hầu như các em mầm non 5 tuổi tiếng Kinh chưa sõi, cô và trò phải cùng nhau học ngôn ngữ để học sinh hiểu được.

Tạm biệt Lũng Luông, chúng tôi về Trường THDT bán trú – THCS Tân Long (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Con đường vào trường bụi mịt mù, ngổn ngang đất đá. 

Trường thuộc địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, khí hậu khắc nghiệt. Vì thế, việc dạy học trò giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được đặt lên hàng đầu.

Cô giáo Phạm Thị Dư - Phó Chủ tịch công đoàn, Chủ nhiệm Ban tư vấn học đường - chia sẻ: Học sinh miền núi gặp rất nhiều khó khăn về thay đổi tâm sinh lý, các cô không chỉ là thầy dạy học mà còn là cha mẹ để trò chuyện, uốn nắn cho học sinh từng ly từng tí. 

Với những học sinh nội trú THCS, các em đang bước vào tuổi mới lớn, vào những ngày trực các cô thường xuyên hỏi han các em, từ việc vệ sinh phòng ở, góc học tập đến vệ sinh cá nhân. 

Đặc biệt với các em nữ đến tuổi dậy thì, các cô dạy cho các em việc sử dụng băng vệ sinh thế nào, mua băng vệ sinh loại gì, hướng dẫn các em vệ sinh bằng nước muối vào những ngày “đèn đỏ” là cả vấn đề gian nan.

Thầy giáo Hà Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng - cho biết: “Hiện nay, xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe của các em học sinh. Vì vậy nhà trường thường xuyên chỉ đạo tăng cường hơn công tác vệ sinh cho trẻ nội trú, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh ATTP; việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình. 

Nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học, khu nội trú để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho các cháu”.

Để giáo dục vệ sinh môi trường, nhà trường thường gắn với các hoạt động trong giờ học như duy trì cảnh quan nhà trường xanh sạch đẹp; Thường xuyên tổ chức các cuộc thi như thi cây cảnh bằng cách các lớp hình thành quỹ kế hoạch nhỏ mua cây hoặc xin của gia đình để thi, sau khi thi xong là các lớp tham gia trồng cây.                                                                                                                         Cùng với các hoạt động trồng cây, vệ sinh môi trường là hoạt động chống khói bụi và thuốc lá” - Thầy Hà Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc bán trú, THCS Tân Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.