Nâng cao hiệu quả hoạt động trường PT dân tộc bán trú

Nâng cao hiệu quả hoạt động trường PT dân tộc bán trú

(GD&TĐ) - Trong các ngày 26, 27/4/2011, tại Lạng Sơn đã diễn ra Hội nghị về tình hình thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT và các văn bản liên quan tới trường phổ thông dân tộc bán trú. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, lãnh đạo Vụ GD Dân tộc (Bộ GD&ĐT), đại diện sở GD&ĐT các địa phương triển khai thực hiện Thông tư trên.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT đã có những đánh giá về: Tình hình triển khai thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT; Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg; về tình hình xây dựng Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTBT giai đoạn 2011- 2015.

Cũng tại Hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận theo 3 nhóm về tình hình triển khai Thông tư 24 và Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85.

Vụ GD Dân tộc hướng dẫn các địa phương trong việc cung cấp thông tin xây dựng Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTBT giai đoạn 2011- 2015.

Trong Hội nghị, đại diện sở GD&ĐT một số địa phương đã có báo cáo về quá trình triển khai thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú, báo cáo về việc triển khai thực hiện Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT... Các sở GD&ĐT cũng đã nêu kế hoạch thực hiện ở địa phương trong thời gian tới, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT và các văn bản liên quan.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ liên quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định số 85/2010/QQĐ-TTg (ngày 21/12/2010) của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ cho HS bán trú và trường PTDTBT, để có cơ sở triển khai tổ chức và hoạt động trường PTDTBT.

Nêu đề xuất của địa phương, Sở GD&ĐT Lai Châu cho rằng: Cần tăng cường nguồn kinh phí bố trí cho tỉnh để xây dựng cơ sở vật chất các trường PTDTBT. Địa phương này nêu rằng, đối tượng HS ở những xã không phải đặc biệt khó khăn của huyện nghèo thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Quy chế và Quyết định số 85. Đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để cơ sở dễ triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Lai Châu cũng đề xuất bổ sung đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách đối với HS bán trú ở thôn bản đặc biệt khó khăn, nhưng học tại trường đặt tại thôn bản không đặc biệt khó khăn của xã đó; HS bán trú các trường THPT, học viên bán trú các TT GDTX..

Sở GD&ĐT Thanh Hoá đề nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh đối tượng HS quy định tại Thông tư 24 bao gồm cả HS tiểu học, THCS, THPT, nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của HS khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Sở này cũng nêu đề xuất đẩy mạnh xã hội hoá GD, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn tài lực của địa phương và sự tham gia đóng góp của các tổ chức quẩn chúng, đoàn thể xã hội để xây dựng khu bán trú, trường bán trú cho HS.

Thành lập các trường bán trú, khu bán trú đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các trường THPT bằng nguồn ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu và bằng các nguồn vốn hỗ trợ khác. Xây dựng chính sách hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với GD vùng khó khăn.

Tổ chức hỗ trợ và giúp đỡ về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt học tập cho HS nội trú (cụ thể, các chế độ của GV, công nhân viên và HS được thực hiện theo quy định tại Thông tư 24). Theo Sở GD&ĐT Thanh Hoá, ngành GD cần có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho hiệu trưởng và GV trường bán trú hoặc có khu bán trú. Xây dựng nội dung chương trình phù hợp với đặc điểm trường bán trú và đối tượng HS, nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện trong trường bán trú.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Sở GD&ĐT Phú Thọ còn đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc thực hiện xét duyệt đối tượng được hưởng chế độ HS dân tộc bán trú.

Sau gần một năm học triển khai thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đánh giá có những việc các địa phương đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại. Do đó, để tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 24 trong thời gian từ nay đến tháng 8/2011, việc thành lập các trường PTDTBT cần theo các công việc cụ thể như: Khảo sát, quy hoạch phát triển mạng lưới trường PTDTBT của từng huyện phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tạo nguồn đào tạo cán bộ ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các trường trong quy hoạch trường PTDTBT căn cứ vào điều kiện thực tế của từng xã để xây dựng tiêu chí HS bán trú theo điểm b Khoản 1 Điều 13 của Quy chế, phòng GD&ĐT tổng hợp tiêu chí HS bán trú của huyện, báo cáo sở GD&ĐT, trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.

Hướng dẫn các trường trong diện quy hoạch trường PTDTBT căn cứ vào các điều kiện thành lập trường quy định tại Điều 7 Quy chế để xây dựng đề án thành lập trường PTDTBT. Hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thành lập trường PTDTBT theo quy định tại Điều 9 của Quy chế, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức xét duyệt HS bán trú theo quy định tại chương III của Quy chế. Tổ chức các hoạt động GD trong trường PTDTBT theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Quy chế...

                                                                                                PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ