Đối thoại với... đình làng

Đối thoại với... đình làng

(GD&TĐ) - Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân. Ngày nay, các di sản đình làng đang đứng trước nguy cơ mất dần vai trò của nó với cộng đồng khi người dân không còn sử dụng để  làm nơi sinh hoạt chung như xưa nữa. Và có nhiều ngôi đình ở nhiều nơi đã biến mất.

Đình làng xưa, nhà nghỉ nay

Đình Hàng Quạt, số 4 Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề quạt nay một phần hậu cung biến thành nhà nghỉ - Ảnh của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn
Đình Hàng Quạt, số 4 Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề quạt nay một phần hậu cung biến thành nhà nghỉ -  Ảnh của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn
 

Đình Kiếm Hồ toạ lạc tại số 7 Hàng Vôi nơi thờ ông tổ nghề vôi và thờ vọng Lê Lợi ngày nay là một ngôi nhà hiện đại cao hơn 10 tầng. Còn đình Hoa Thị nằm trên con phố Hàng Đào trước đây là nơi thờ cúng ông tổ nghề nhuộm chỉ còn một dấu tích duy nhất còn sót lại là dòng Hán tự. 

Ngôi đình Tử Dương ở số 8 Hàng Buồm nay biến thành một quán bar. Còn đình Hàng Quạt tại số 4 Hàng Quạt, trước đây thờ ông tổ nghề Quạt, do biến thiên của lịch sử, phần hậu cung của đình nay đã biến thành nơi kinh doanh nhà nghỉ. Và còn nhiều ngôi đình khác cũng đang trong tình trạng tương tự.

Theo thống kê, phố cổ Hà Nội là nơi có mật độ di tích lớn nhất của Thủ đô với hơn 100 công trình đình, đền, chùa. Phố cổ còn có nét độc đáo bởi những di tích thờ tổ nghề. Hà Nội với 36 phố phường xưa có hàng chục nghề, trong đó có gần 70 ngôi đình được lập ra để thờ tổ nghề, gắn với các phố nghề truyền thống.

Bao giờ đình làng phố cổ bị tuyệt diệt? Câu hỏi này không phải là không có cơ sở bởi nhiều ngôi đình đã phải biến mất để nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng và những thứ gì đó thiết thực hơn việc thờ cúng, hội họp. 

Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại, triển lãm nghệ thuật “Đối thoại với đình làng” diễn ra cuối tháng 9 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) không chỉ là cái nhìn trực diện về các vấn đề, sự xuống cấp của đình làng, mà còn thể hiện sự mai một của những di sản trong cuộc sống ngày nay. Là một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã dành 1 năm trời để tìm về nét vàng son quá khứ của những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội. Nhưng suốt một năm ấy, anh phải chứng kiến một thực tế hàng chục ngôi đình đã bị lấn chiếm hoặc biến mất hoàn toàn khỏi Thủ đô..

“Mục tiêu của tôi là ghi lại sự biến đổi của mặt tiền một cái đình. Tôi đã chụp được 71 trong tổng số 74 đình mà tôi biết. Thực tế khi nghiên cứu tôi thấy chỉ còn lại 1/3 trong số những đình này còn nhìn thấy hình dạng, còn 2/3 bị biến dạng rất nhiều. Không những thế mà còn bị biến mất và bị thay thế bằng nhiều công trình kiến trúc khác”.

Còn nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền lại mang tới một tác phẩm lớn, anh dựng một khung hình bằng tre, chia ra nhiều tầng, nhiều ô và trong khung hình đó lại là sự đan chéo, dọc ngang chằng chịt của nhiều thanh tre khác. Quan sát kỹ mới có thể thấy được một, hai hình khối gợi liên tưởng tới mái đình. Tác phẩm mang tên “Vòng xoáy đô thị” thể hiện sự tác động của đô thị hóa tới kiến trúc, văn hóa đình làng và rộng hơn là tới các di sản văn hóa. 

Gây ấn tượng mạnh về thị giác là tác phẩm “Chen lấn” của Nguyễn Ngọc Lâm. Tác phẩm này đặt một mô hình chiếc đình được phủ nhũ vàng nổi bật ở trung tâm, xung quanh là dày đặc những hình khối xếp tỏa ra theo vòng tròn. Tác phẩm thể hiện quan điểm đình làng là trọng tâm của những giá trị văn hóa tinh thần của người dân Việt, và xung quanh ngôi đình là sự phát triển lan tỏa dày đặc của những ngôi nhà ống trong xã hội ngày nay.

Mái đinh
Mái đinh làng Đình Bảng

Câu chuyện phía sau những giá trị bị che lấp

Qua triển lãm “Đối thoại với đình làng”, người ta thấy được tiếng nói cấp thiết về thực trạng, nguy cơ và cả những hậu quả do nhiều nguyên nhân xã hội đã xảy ra đối với ngôi đình. Triển lãm đặt câu hỏi mang tính phản biện về những vấn đề liên quan đến di sản đình làng như sự xuống cấp, sự cần thiết trong việc bảo vệ hay tôn vinh những nét đẹp của di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại. 

Nạn xâm phạm không gian di tích lịch sử, trong đó có các ngôi đình, cùng với nạn trùng tu vô tổ chức làm biến dạng di sản, sự thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết khiến cho di sản bị tách ra khỏi đời sống. Qua con mắt quan sát, tạo hình, sắp đặt của nghệ sĩ, hiện trạng xâm phạm đình làng, đình phố lại được phản ánh sinh động và giàu hình tượng. 

Còn với họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, tốc độ đô thị hóa, chen lấn, tranh giành không gian sống đến chóng mặt mà ngôi đình trở thành nạn nhân, được thể hiện qua hàng loạt bức ảnh chụp những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội. Xưa kia, các đình tổ nghề đều có không gian, khuôn viên, trước mặt có ao, hồ. Nay, chỉ thấy những nhà cao cửa rộng, cột điện, dây điện, biển quảng cáo, xe cộ, người qua lại tấp nập. Những ngôi đình ấy đã không còn các điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của nó.

Phố cổ Hà Nội được bao quanh bởi những di tích và người dân sống nơi đây là một phần linh hồn của Hà Nội. Nhưng khi Hà Nội trở nên đông đúc, quá tải thì nhu cầu bảo tồn, gìn giữ, quy hoạch lại không gian khu phố cổ càng trở nên bức thiết.

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn tâm sự: Quá trình thực hiện dự án, suốt nhiều tháng trời đi tìm hiểu, phỏng vấn, ghi chép, chụp lại những ngôi đình trong phố cổ là một trải nghiệm đáng quý đối với tôi. Dự án giúp tôi tìm hiểu lại lịch sử, tìm hiểu những giá trị bị che lấp, quên lãng, đồng thời cũng giúp tôi thêm hiểu biết về những câu chuyện phía sau những gì mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày.

Đình làng có lẽ sẽ là nơi để giáo dục di sản cho học sinh Hà Nội một cách hiệu quả nhất. Khi được tìm hiểu, tiếp cận và trải nghiệm thực tế, học sinh sẽ được nâng cao hiểu biết với những di tích đồng thời có thái độ và hành vi đúng đắn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của quê hương. Điều này rất có ý nghĩa khi những giá trị truyền thống đang bị mất dần bởi một thành phố đang dần hiện đại.

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ