Đối thoại cùng nghệ sĩ

Đối thoại cùng nghệ sĩ

(GD&TĐ)- Tối ngày 13.0.2012, tại viện Goethe đã diễn ra buổi thảo luận về triễn lãm “ phong cảnh sông nước đang biến đổi” với các nghệ sỹ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thế Sơn và Lương Huệ Trinh. Do hậu quả của sự phát triển kinh tế xã hội và giờ đây là biến đổi khí hậu. Phong cảnh sông nước đang bị đe dọa phá hủy, và theo đó là sự ảnh hưởng đến tồn tại của hàng triệu người dân.

Triển lãm tranh phong cảnh sông nước đang biến đổi nằm trong dự án nghệ thuật văn hóa sinh thái quốc tế về phong cảnh sông nước ở Đông Nam Á  do Viện Goethe tổ chức. Triễn lãm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của 17 nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Campuchia, In-đô-nê-xi-a và Philipin tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và Viện Goethe Hà Nội.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ với khán giả về quá trình thực hiện tác phẩm của mình
Khán giả chăm chú theo dõi các nghệ sĩ chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm và những tâm sự của các nghệ sĩ 

Sông Hồng và sông Mê  Kông , sông Irrawaddy và Chaopraya ở Đông Nam Á- mạch sống và hệ sinh thái quan trọng đối với đời sống con người- đang bị đe dọa nghiêm trọng. Với sự hướng dẫn của những giám tuyển có kinh nghiệm, 17 tác phẩn đã ra đời: các tác phẩm truyền thông đa phương tiện và sê-ri ảnh, video và sắp đặt. Triển lãm sẽ được khai mạc vào ngày 12.04.2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ( Hà Nội) và sau đó sẽ được giới thiệu ở thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 12 đến 27 tháng 5. Sau khi được tổ chức ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh triển lãm sẽ được trưng bày tại Băng Cốc, Phnôm-Pênh, Ja-ka-ta và Ma-ni-la.

Triễn lãm là sự kết hợp trước đến nay không có tiền lệ giữa các nghệ sĩ đương đại các nước Đông Nam Á, cho thấy cái nhìn toàn cầu về vấn đề của thời đại. Những tác phẩm tham gia triễn lãm có chủ đề về sông nước, đối tượng gắn liền với lịch sử Đông Nam Á hàng nghìn năm. Điểm đặc biệt, là sợi chỉ xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm chính là yếu tố con người, cộng đồng được đặt trong trọng tâm, người nghệ sĩ ý thức để tác phẩm tác động qua tất cả các giác quan của con người chứ không chỉ riêng thị giác. Các tác phẩm được thiết kế và thể hiện đa tầng nghĩa nhằm tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem.

" Bức Tường kỷ niệm" được hình thành từ hơn 500 Kg dép rách và bị trôi nổi, được nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai tập hợp, tác phẩm lấy ý tưởng từ trận lụt năm 1999 ở Huế
" Bức Tường kỷ niệm" được hình thành từ hơn 500 Kg dép rách và bị trôi nổi, được nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai tập hợp, tác phẩm lấy ý tưởng từ trận lụt năm 1999 ở Huế

Trong số 17 nghệ sỹ tham gia triển lãm “ Phong cảnh sông nước đang biến đổi” có 4 nghệ sỹ Việt Nam: Nguyễn Thế Sơn đến từ Hà Nội với sê-ri ảnh về những vùng đặc biệt nhạy cảm của sông Hồng. Tác phẩm sắp đặt âm thanh và text của Lương Huệ Trinh đề cập tới những hậu quả sinh thái của việc khai thác kinh tế quá mức vùng sông Mê kông. Đờn ca tài tử, bắt nguồn từ nhạc Lễ cung đình Huế hình thanh và phát triển từ cuối thế kỷ 19 được sử dụng để chứng minh cho sự thay đổi đó. Phan Thảo Nguyên đến từ Thành Phố Hồ Chí Minh tập trung vào nền công nghiệp đánh bắt cá dọc sông Mê kông: âm thanh, các bức ảnh và những đoạn phim video, một phần được tạo nên bởi chính những người công nhân, là tài liệu ghi lại những ảnh hưởng về môi trường cũng như về văn hóa- xã hội của xu hướng công nghiệp hóa sông Mê kông. Nguyễn Thị Thanh Mai đến từ Huế sẽ gợi nhớ những nạn nhân của trận lụt khủng khiếp tại Huế năm 1999 với tác phẩm sắp đặt từ 60 hộp gỗ trưng bày những vật thể được tìm thấy dọc sông Hương như giày dép. Đây được coi là một tác phẩm sắp đặt tương tác: người xem triển lãm ở các nước khác, những nơi bị lũ lụt tấn công, có thể đưa thêm vào tác phẩm các vật thể trong ký ức của các nạn nhân của họ. 

Các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sỹ Việt Nam được giám tuyển bởi Trần Lương, nghệ sỹ thị giác và giám tuyển uy tín quốc tế, anh cũng là người phụ trách thiết kế trưng bày các tác phẩm cho triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

Nghệ sĩ thị giác Trần Lương cho biết: “Triễn lãm không đơn thuần chỉ mang tính chất là một triễn lãm nghệ thuật mà nó còn có ý nghĩa xã hội to lớn, thể hiện những vấn đề bức xúc của cuộc sống, những mặt trái của xã hội đang phát triển…Đây thực chất là một cuộc đối thoại hấp dẫn về nghệ thuật đương đại. Những nghệ sĩ tham gia triễn lãm đã nói lên tiếng nói trí thức của mình, lẽ phải và lòng tự hào dân tộc thông qua các tác phẩm của mình.” 

Chia sẻ về ấn tượng trong quá trình sáng tạo tác phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long, nghệ sĩ trẻ Lương Huệ Trinh nói: “Trước đây tôi ít có điều kiện đi nhiều nơi. Trong trí tưởng tượng lúc nào cũng hình dung ra những hình ảnh tươi đẹp về các địa danh. Nhưng khi đặt chân đến nơi đó tôi hoàn toàn thất vọng bởi không cảm nhận được sự êm đềm, bình yên, sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên mà thay vào đó là nhận biết được sự biến đổi sinh thái đến mức báo động khi chứng kiến những ô nhiễm diễn ra hàng ngày ở đó”.

Với dự án nghệ thuật này, BTC mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và sinh thái vô giá của phong cảnh sông nước tại Đông Nam Á, đại diện và kiến tạo ra mạng lưới gắn kết giữa các nghệ sỹ vượt qua ranh giới.

Lê Huế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ