Đội ngũ trí thức Việt Nam có thể tự tin vươn ra biển lớn

GD&TĐ - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại điều này trong cuộc trò chuyện nhân dịp ông cùng 2 nhà khoa học khác của Việt Nam lọt vào top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, được xếp vào nhóm được trích dẫn, ảnh hưởng nhiều nhất trong cộng đồng khoa học quốc tế.

 GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới theo công bố của nhóm Metrics (ĐH Stanford, Mỹ) cảm nghĩ của GS như thế nào?

- Tôi vui và bất ngờ khi nhận được tin này. Bảng xếp hạng này chọn lọc từ cơ sở dữ liệu của khoảng 7 triệu nhà khoa học có công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu ISI/scopus suốt 60 năm qua, từ 1960 đến nay, là một khoảng thời gian dài và có sức thuyết phục.

Việc xếp hạng được bình chọn khách quan, công bằng với nhiều tiêu chí rất cao và đặc biệt nhấn mạnh đến các tiêu chí phản ánh ảnh hưởng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học này với cộng động khoa học quốc tế (thông qua việc trích dẫn và kế thừa các kết quả nghiên cứu của họ). Vì vậy, sự có mặt các nhà khoa học Việt Nam trong bảng xếp hạng này là niềm tự hào của đội ngũ trí thức và trí tuệ Việt Nam, là minh chứng cho thấy đội ngũ trí thức Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra biển lớn, có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển khoa học của nhân loại.

* GS và 2 nhà khoa học khác được vinh danh đều công tác tại cơ sở giáo dục ĐH. Phải chăng, điều này thể hiện bước thay đổi đáng ghi nhận của giáo dục ĐH Việt Nam, đặc biệt mảng nghiên cứu khoa học?

- Đúng vậy, việc các nhà khoa học trong nước, mặc dầu còn ít ỏi, có tên trong bảng xếp hạng này cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới và khoa học trong nước có thể sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế trong một số lĩnh vực. Cùng với việc các cơ sở giáo dục ĐH lớn như 2 ĐHQG, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được ghi nhận trong các bảng xếp hạng ĐH trong những năm gần đây, tin vui khi công bố bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của các nhà khoa học lần này có tên các nhà khoa học đang làm việc trong nước, là minh chứng khẳng định những thành công đáng ghi nhận của giáo dục ĐH Việt Nam. Điều này, cổ vũ và khích lệ giáo dục ĐH nước nhà, các nhà khoa học trong nước, nhà khoa học trẻ có động lực, hoài bão và niềm tin để phấn đấu.

* Tuy có nhiều khởi sắc, nhưng hiện nay các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam vẫn quan tâm đến “đào tạo” nhiều hơn “nghiên cứu”. Điều này có phải là một khó khăn cho các nhà khoa học?

- Có thể thấy, các nhà khoa học trong nước được ghi danh trong bảng xếp hạng này đều là giảng viên ở các cơ sở giáo dục ĐH lớn, có uy tín cao như ĐHQGHN, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Y Hà Nội. Điều này phản ánh, để nhà khoa học phát huy được tài năng của mình, môi trường nghiên cứu, học thuật rất quan trọng. Thực tế trong nước và quốc tế cho thấy, các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học danh tiếng là những yếu tố then chốt góp phần quan trọng làm nên uy tín và xếp hạng của nhà trường. Chính vì vậy, các trường ĐH để có xếp hạng cao luôn chú trọng đến nghiên cứu đỉnh cao, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo (để đào tạo chất lượng cao) và với việc nghiên cứu, chuyển giao tri thức và những công nghệ tiên tiến nhất.

Hiện nay, Luật giáo dục ĐH quy định và khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tham gia xếp hạng. Hiện nay, bắt đầu xuất hiện xu thế “cạnh tranh lành mạnh” thu hút cán bộ khoa học giỏi của các trường ĐH trong nước, đây là xu thế và tín hiệu rất đáng mừng. Qua bảng xếp hạng cũng cho thấy trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam, có đến hơn 40 người là trí thức là Việt kiều đang làm việc, nghiên cứu giảng dạy tại các trường ĐH hàng đầu của thế giới, với điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu rất tốt. Tôi tin là nếu được Nhà nước và các cơ sở giáo dục ĐH quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chúng ta có thể vươn lên tầm quốc tế, trong nước sẽ thêm nhiều nhà khoa học xuất sắc, nhiều trường ĐH xuất sắc trong các bảng xếp hạng của quốc tế.

* GS mong mỏi điều gì để các nhà khoa học Việt Nam phát huy năng lực, hết lòng cống hiến?

- Tôi và các đồng nghiệp, bạn trẻ trong nhóm nghiên cứu mong muốn được Nhà nước và các bộ ngành, ĐHQGHN và nhà trường thấu hiểu những khó khăn và quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn để có thể duy trì, phát triển nhóm nghiên cứu ngày càng vững mạnh, trở thành trung tâm xuất sắc, xây dựng trường phái học thuật xuất sắc của Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều hơn và chất lượng hơn cho sự nghiệp đào tạo, NCKH và ứng dụng. Để các bạn trẻ sau nhiều năm được tôi dìu dắt và đào tạo có thể an tâm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, để có thể mời các giáo sư nổi tiếng, TS trẻ giỏi ở nước ngoài đến Việt Nam làm việc với chúng tôi, cũng như tôi có thể cử các học trò, đồng nghiệp đi trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các trường phái học tập danh tiếng của nước ngoài…

* Xin trân trọng cảm ơn GS!

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học, Vật liệu - Kết cấu tiên tiến và composite. Ông đã công bố hơn 250 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có 136 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Ngoài ra, ông còn là tác giả của 1 bằng phát minh, 1 bằng sáng chế trong lĩnh vực vật liệu mới. GS Nguyễn Đình Đức là người sáng lập và là Trưởng PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông của Trường ĐH Công nghệ, Giám đốc Chương trình thạc sỹ Kỹ thuật hạ tầng của ĐH Việt Nhật. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành Cơ học của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ