Theo đó, 3 nhà khoa học Việt Nam xuất hiện trong danh sách này là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thời Trung - Viện trưởng Viện khoa học tính toán Trường Đại học Tôn Đức Thắng và PGS.TS Trần Xuân Bách (Trường Đại học Y Hà Nội - chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng).
Sự có mặt của các nhà khoa học xuất sắc trong bảng xếp hạng này thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học Việt Nam đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên mặt tiền khoa học thế giới và hội nhập với các chuẩn mực của quốc tế.
Trước đó, năm 2016, giáo dục ĐH Việt Nam đón nhận tin vui: Việt Nam có năm người Việt lọt vào top các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới theo công bố của Thomson Reuters. Năm 2017 - theo thông báo của Clarivate Analytics, có bốn nhà nghiên cứu người Việt trong danh sách hơn 3.300 nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Đây có thể nói là bước đột phá để khoa học Việt Nam sớm sánh vai với các nước, nhanh chóng tiếp cận tiến bộ khoa học thế giới.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm nay, 3 nhà khoa học Việt Nam và gốc Việt lọt top 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới cho thấy, giáo dục ĐH Việt Nam đã tạo động lực và sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ trong giới khoa học. Mỗi bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín thế giới với tên cán bộ, giảng viên gắn với tên nhà trường Việt là một lần thương hiệu và uy tín của nhà trường được thể hiện.
Thành công của 3 nhà khoa học cộng với tin vui 3 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam lần đầu tiên được ghi danh trong bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới THE WUR (Times Higher Education World University Ranking) tạo ra khí thế mới, sắc thái mới của giáo dục đại học Việt Nam trên con đường đổi mới, hội nhập.
Chia sẻ về niềm tự hào, xúc động, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: “Đây là bảng xếp hạng có uy tín của nhóm các nhà khoa học của ĐH Stanford, Mỹ. Họ đánh giá rất công bằng và khách quan. Nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu nhà khoa học đã công bố và lọc ra top 100.000 người ưu tú nhất. Điều đó khẳng định vị thế và sự hội nhập, nghiên cứu của các nhà KH Việt Nam trong nước so với thế giới.
Tuy nhiên, điều tạo nên thành công đó là sự cần cù, miệt mài, kiên trì, đặc biệt là tiếp cận với trình độ thế giới. Sự khác biệt lớn trong nhóm nghiên cứu không chỉ từ thuần túy cơ bản lý thuyết mà xuất phát từ thực tiễn. Ví dụ như khi nghiên cứu về mô phỏng các vật liệu cháy nổ, chống thấm… chúng tôi kết hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để giải quyết. Trên cơ sở thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đã nhận bằng sáng chế và có công bố kết quả trên tạp chí thế giới”.
Có thể nói, chất lượng giáo dục ĐH và uy tín quốc tế là hai trong nhiều yếu tố quan trọng tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH. Trên thực tế, không dễ gì xác lập được chỗ đứng khoa học trên thế giới. Thành công của các nhà khoa học Việt Nam đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học, ghi dấu ấn để giáo dục ĐH Việt Nam hướng đến thực hiện mục tiêu “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.