GS Nguyễn Thanh Liêm: Sự dấn thân không ngừng nghỉ

GD&TĐ - Say mê khoa học, cũng với những nỗ lực không ngừng nghỉ đã đưa GS Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec) đến với vinh quang trong lĩnh vực y học, đứng vào top 100 nhà khoa học châu Á. Đó là kết quả của bề dày cống hiến, sáng tạo mang lại sự sống, niềm hạnh phúc cho nhiều người.

GS Nguyễn Thanh Liêm (ảnh giữa) tại Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
GS Nguyễn Thanh Liêm (ảnh giữa) tại Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec

Quả ngọt kết trái khi có đủ quyết tâm

Đôi lần được gặp gỡ, trò chuyện với vị giáo sư của ngành tế bào học, tôi cảm nhận ở ông sự uyên bác về học thức, song cũng thật gần gũi, thân thiện. Sự nghiệp khoa học của ông được nhắc đến với những dấu son trong y học. Ông chính là người khởi xướng 9 phương pháp mổ nội soi tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng. Vị bác sĩ có “đôi bàn tay vàng” từng trực tiếp phẫu thuật các ca song sinh dính liền (trong đó có ca tách cặp song sinh Cúc và An) hết sức phức tạp đã khiến bạn bè quốc tế nể phục. Ông cũng là người thực hiện ca mổ robot đầu tiên liên quan đến việc ghép tế bào gốc điều trị bệnh bại não và tự kỷ tại Việt Nam.

Ông chia sẻ: Trong hành trình nghiên cứu khoa học, ông và các đồng nghiệp không ít lần chịu áp lực từ dư luận và cộng đồng xã hội. Vậy nên, theo ông, những điều gì mới mẻ, nhất là trong khoa học, nếu chỉ quyết tâm thôi chưa đủ mà cần cả sự hy sinh, dấn thân. Chính vì vậy trong lĩnh vực nghiên cứu về tế bào gốc, ông và các cộng sự đã đạt được những kết quả khả quan. Không ít bệnh nhân được chữa trị bằng phương pháp tế bào gốc đã thành công, chất lượng cuộc sống của họ đã thay đổi. Đặc biệt các cháu nhỏ mắc bệnh tự kỷ có nhiều cơ hội, cởi mở, tự tin, hòa nhập trong cuộc sống.

Với hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 75 công trình được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu, ông cũng là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei châu Á về khoa học – công nghệ.

Mới đây nhất, GS Liêm cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec đã công bố nghiên cứu về giải trình tự bộ gen người Việt, thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng khoa học, mang tới tiềm năng to lớn trong việc dự phòng, chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, chuyển hóa và đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh di truyền, chuyển hóa, thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzeimer…).

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

GS Nguyễn Thanh Liêm (bên phải) nhận giải Nikkei châu Á năm 2018
 GS Nguyễn Thanh Liêm (bên phải) nhận giải Nikkei châu Á năm 2018

Tâm sự về con đường khoa học của mình, giáo sư trải lòng: “Việc nghiên cứu khoa học cũng như đi bơi. Nếu chỉ bơi năm, bảy mét thì không cần học, đẩy xuống nước vùng vẫy cũng có thể bơi được. Nhưng muốn bơi xa, bơi ở biển lớn thì phải được đào tạo rèn luyện công phu, bài bản. Nên muốn nghiên cứu khoa học, các bạn trẻ cần phải học nghiên cứu một cách chính quy qua các lớp đào tạo hoặc tự học một cách nghiêm túc. Tôi đã trải qua 2 con đường đó từ rất sớm. Năm 32 tuổi, tôi đã may mắn được tiếp xúc không khí nghiên cứu khoa học cùng các giáo sư Thụy Điển. Thời đó, ở độ tuổi của tôi là sớm, còn với các bạn trẻ bây giờ thì không sớm, vì các bạn có nhiều điều kiện rộng mở kiến thức từ Internet.

Khi đó tôi còn làm lâm sàng nên chưa học được nhiều, nhưng với tôi quá trình tự học hết sức quan trọng và không ngừng nghỉ. Ra nước ngoài, đến thư viện nào tôi cũng tìm đọc các sách về nghiên cứu khoa học, người ta dạy rất chi tiết, kể cả cách viết 1 bài báo. Rồi, tôi học qua các hội nghị/hội thảo khoa học. Những ai chăm chỉ sẽ tham dự đến cuối cùng, nhưng không phải ai cũng ý thức được đây là dịp giao lưu học hỏi. Tại đây, các diễn giả giảng bài đều là những người rất uyên bác, nên giờ giải lao mình đến trò chuyện sẽ rất hữu ích. Sau những lần như thế tôi thường duy trì liên lạc. Họ là người có thể giúp cho mình các ý tưởng, hiệu đính các bài báo và có chúng ta có thể mời họ sang Việt Nam giảng bài. Các bài giảng và những câu chuyện bên lề sẽ giải đáp các thắc mắc, từ đó có thể lóe lên những tia sáng và định hướng cho nghiên cứu”.

Điều mà Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm luôn tâm niệm theo đuổi trong sự nghiệp làm khoa học đó là cống hiến hết mình để khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam. Ông chia sẻ: “Tôi tự hào nhất là đã chứng minh được điều người Việt Nam có thể làm khoa học được ở trình độ quốc tế. Người Việt Nam không phải mặc cảm, tự ti là chỉ có thể mời chuyên gia nước ngoài đến giảng bài mà ngược lại các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia giảng dạy và phẫu thuật tại các nước trên thế giới. Điều tôi tự hào nữa là có thể khơi gợi được những đốm lửa nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trẻ ở Vinmec, khi mà các bạn đã bắt đầu quen với tinh thần “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối”…

GS Nguyễn Thanh Liêm là một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam. Trong những năm qua, ông và các cộng sự tại Vinmec đã hoàn thành 2 công trình nghiên cứu về ghép tế bào gốc thành công cho trẻ em bại não và tự kỉ, mở ra hy vọng cho nhiều trẻ em bị hai bệnh nan y này. Ông là người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ghép tế bào gốc điều trị xơ phổi ở trẻ sơ sinh và rối loạn đại tiện ở trẻ bị thoát vị màng não tủy. Ngoài ra ông và đồng nghiệp cũng đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh như đa u tủy, liệt tủy do chấn thương cột sống, teo đường mật bẩm sinh, thoái hóa khớp gối, xơ gan... Hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng đồng nghiệp đang tiếp tục triển khai các nghiên cứu quan trọng về ghép tế bào gốc cải thiện nội tiết tố sinh dục và đái tháo đường… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ