Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn - bắt đầu từ đâu?

GD&TĐ - Hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn là thiết yếu, chủ lực trong tất cả hoạt động giáo dục. Vai trò quản lý của tổ trưởng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, đổi mới giáo dục trong mỗi nhà trường phải bắt đầu từ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Vậy vấn đề đặt ra là: Cán bộ quản lý các trường THPT phải có sự chỉ đạo và quản lý như thế nào cho phù hợp để các hoạt động đổi mới của tổ chuyên môn được thực hiện có hiệu quả? Dưới đây là chia sẻ của cô Lê Thị Nguyệt Nga - Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) về biện pháp quản lý, chỉ đạo tổ chuyên môn thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học.

Thực hiện có chất lượng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Để chỉ đạo thực hiện có chất lượng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, cần quán triệt các tổ, nhóm chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên chuẩn bị tốt bài dạy minh họa, chú ý đến chuyển giao nhiệm vụ học tập trên lớp có hệ thống và mức độ phù hợp với các đối tượng học sinh.

Đồng thời, quán triệt các tổ, nhóm chuyên môn chỉ đạo thực hiện dạy minh họa, đảm bảo một số yêu cầu cơ bản về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực học sinh; trong dạy học cần phân loại đối tượng học sinh để giao các nhiệm vụ học tập phù hợp.

Cuối cùng, quản lý thực hiện hiệu quả việc dự giờ, rút kinh nghiệm giờ dạy theo yêu cầu đổi mới sinh hoạt chuyên môn.

Thực hiện có chất lượng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá

Quản lý, chỉ đạo tổ chuyên môn thực hiện có chất lượng việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, trước hết tập trung vào lựa chọn phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp với kiểu bài, loại bài, phù hợp đặc trưng bộ môn và đảm bảo được chuẩn kiến thức và kỹ năng của bài học.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống câu hỏi, cách đặt vấn đề, cách chuyển giao nhiệm vụ học tập và dẫn dắt, gợi mở, hướng dẫn học sinh học cá nhân, học theo nhóm ở trên lớp và tự học ở nhà

Với đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh cần chú trọng việc: Giáo viên đưa ra câu hỏi kiểm tra như thế nào (câu hỏi tái hiện kiến thức ở mức độ nhận biết hay câu hỏi yêu cầu mức thông hiểu, mức vận dụng, mức vận dụng cao dưới dạng ứng dụng kiến thức môn học, kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn).

Trong tiến trình bài học có xuất hiện những vấn đề cần được kiểm tra về kiến thức cũ hoặc kiến thức mới học sinh vừa tiếp thu liên quan đến kiến thức học sinh sắp tiếp thu, giáo viên nêu vấn đề, đặt câu hỏi kiểm tra như thế nào để học sinh có thể vận dụng kiến thức cũ, liên hệ với kiến thức vừa học để giải quyết nhiệm vụ học tập mới.

Có thể kiểm tra qua vở học tập, qua báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm hoặc qua sản phẩm hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm của học sinh trong cả tiến trình tiết dạy.

Ứng dụng CNTT, tăng cường hoạt động chuyên môn trên “Trường học kết nối”

Ban giám hiệu chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên tích cực tham gia diễn đàn, đăng tải lên website các nội dung hoạt động và các sản phẩm của tổ, nhóm chuyên môn sau khi đã thống nhất trong tổ, nhóm như: Nội dung chuyên đề; kế hoạch bài dạy, bài học; nội dung ôn tập cuối kỳ, cuối năm…

Chỉ đạo giáo viên đăng tải thường xuyên các sản phẩm chuyên môn của trường sau mỗi kỳ sinh hoạt chuyên môn (tài liệu chuyên đề, hội thảo, ....) lên trang “trường học kết nối”.

Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm kết hợp với phụ huynh học sinh khuyến khích các em đăng tải những ý tưởng sáng tạo, những sản phẩm của hoạt động học tập, thực hành, nghiên cứu ứng dụng KHCN.

Để thực hiện được những giải pháp trên, cô Lê Thị Nguyệt Nga cho rằng, nhà trường cần đảm bảo đủ yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thiết bị CNTT phục vụ sinh hoạt chuyên môn.

Cán bộ quản lý nhà trường, tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn là lực lượng nòng cốt trong điều hành sinh hoạt chuyên môn, cần nắm vững quy trình các bước, các kỹ thuật tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn .

Đối với học sinh, giáo viên cần hướng dẫn, khích lệ các em thay đổi cách học: chủ động lĩnh hội tri thức.

Hiện nay với những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia, việc đổi mới kiểm tra đánh giá đòi hỏi mỗi giáo viên cần chú trọng việc ra đề kiểm tra, có thể giao nhiệm vụ và tập cho học sinh ra đề kiểm tra dưới hình thức trắc nghiệm khách quan cho chính bài học vừa học và đáp án cho từng câu hỏi - cô Lê Thị Nguyệt Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.