Chìa khóa giúp học sinh mê nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của học sinh thì việc tự học của học sinh có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên làm sao để học sinh có thể phát huy được năng lực tự học, sự chủ động, sáng tạo của mình không đơn giản.

Chìa khóa giúp học sinh mê nghiên cứu khoa học

Phương pháp giảng dạy thông qua hoạt động hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật (NCKHKT) đã được thầy giáo Đào Văn Phụng (Trường THPT An Lương Đông - Thừa Thiên - Huế) nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hiệu quả.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Theo thầy giáo Đào Văn Phụng, phương pháp giảng dạy thông qua hoạt động NCKHKT sẽ khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức các môn học và giải quyết những vấn đề thực tiễn. Mặt khác, giải pháp còn góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Không những thế giảng dạy thông qua hoạt động NCKHKT còn phát triển văn hóa đọc trong nhà trường trung học gắn với đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh trung học. Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình, tăng cường trao đổi, giao lưu giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hoạt động NCKHKT đạt hiệu quả đòi hỏi người thầy phải cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học. Đặc biệt, cần vận dụng dạy học giải quyết vấn đề. Vì dạy học học giải quyết vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh. Các tình huống có vấn đề là những tình huống khoa học chuyên môn cũng có thể là những tình huống gắn với thực tiễn.

Ngoài ra cần vận dụng dạy học theo tình huống, vận dụng dạy học định hướng và tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học; Sử dụng các kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo, chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn. Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học sinh…

Bằng nhiều hình thức khác nhau, cần luyện tập cho học sinh các phương pháp học tập và các phương pháp học tập trong bộ môn. Đặc biệt chú trọng khích lệ và hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật.

Những kết quả tích cực

Quá trình triển khai phương pháp giảng dạy thông qua hoạt động hướng dẫn học sinh NCKHKT cho thấy đa số học sinh yêu thích và đam mê môn học. Học sinh thích tìm tòi, học hỏi, từ nhiều nguồn sách, báo, Internet… và có tính sáng tạo cao.

Tích cực cũng dễ nhận thấy tiếp theo là học sinh vận dụng kiến thức liên môn một cách thành thạo và giải quyết các vấn đề thực tiễn, vấn đề cần nghiên cứu, sáng tạo. Phát huy được tính tích cực, chủ động trong việc học của học sinh. Đồng thời giúp học sinh phát huy được các kỹ năng mềm (Kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng thuyết trình và các kĩ năng giao tiếp khác).

Cũng không thể phủ nhận, với phương pháp này giáo viên dễ đánh giá được thực lực của học sinh để từ đó có hướng giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tạo cho học sinh có được những suy luận, lập luận, có được sự tự tin khi phát biểu trước đám đông. Trong tiết học, học sinh hứng thú, sinh động và tích cực hơn.

Giáo viên cũng tạo cho học sinh phát huy tính độc lập, tư duy và sáng tạo. Học sinh có thể nắm được khối lượng kiến thức khá lớn và có cách học mới để đạt kết quả cao. Sự tương tác giữa giáo viên học sinh và học sinh với học sinh tăng lên. Giáo viên nhẹ nhàng hơn trong khâu đánh giá học sinh và góp phần hình thành phát triển các năng lực (Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo).

Tuy nhiên, quá trình triển khai phương pháp giảng dạy thông qua hoạt động hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật, thầy Đào Văn Phụng cũng nhận thấy còn một số khó khăn nhất định. Để đổi mới PPGD cần đa dạng hóa và vận dụng nhuần nhuyễn các hình thức học tập: Học sinh làm việc cá nhân, thảo luận nhóm, tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động NCKHKT… nhưng với cơ sở vật chất và điểu kiện thực tế hiện nay, việc tổ chức thảo luận nhóm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động NCKHKT còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, việc ứng dụng CNTT vào các phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học là một trong các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới PPGD theo quan điểm hiện đại nhưng hiện tại vẫn còn một số giáo viên vì trình độ ứng dụng CNTT còn hạn chế, hoặc chưa sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại nên còn lúng túng hoặc có tâm lí “e ngại” khi đổi mới PPGD. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ